Tôi nghĩ, người có lỗi trong việc nền phê bình văn học hiện đại hoàn toàn đánh mất độc giả (hy vọng rằng sẽ không có ai phản bác luận điểm khách quan này), thật kỳ lạ, lại chính là các nhà phê bình văn học. Đại bộ phận trong họ cố tình không hiểu rằng phê bình về bản chất cũng là một sự sám hối của tác giả như thơ và văn xuôi, chứ hoàn toàn không phải là một nguồn thu nhập, và để viết phê bình cần có cảm hứng, cần có một tình yêu lớn đối với nhân vật của mình. Những bài viết buồn tẻ và khô khan, những sự phân tích lạnh lùng – ai cần đến chúng trong thế giới hiện đại, khi mà ngay cả các tác phẩm văn học cũng ít được ngó ngàng tới? Trong bối cảnh hiện nay, khi con người vốn thiên về cách đọc suy ngẫm, thì nhiệm vụ của nhà phê bình là ở chỗ để trả lại cho bạn đọc niềm say mê thực sự đối với văn học đích thực, kích thích họ đọc trọn vẹn cuốn tiểu thuyết đang được phân tích hay nghiên cứu một cách sâu sắc hơn đường đời tác giả của nó, và chỉ có thể đạt được điều đó bằng những tác phẩm phê bình xúc động, sám hối, trên cơ sở đối thoại cởi mở với độc giả. Ví dụ, đầu năm nay, tôi có đăng trên tờ Ngày văn học và Nước Nga văn học hai bài báo về nhà văn Aleksandr Prokhanov và nhà thơ Vladimir Vysotsky. Khi đọc bài của tôi, ông Andrey Vitalyevich Vasilyevsky, tổng biên tập tạp chí Thế giới mới, nhận xét rằng trong đó tôi “quá phấn khích”. Quả thật tôi vô cùng yêu mến các nhân vật trong tác phẩm của mình, nếu không làm sao viết được về họ.
Theo quan điểm của tôi, mục đích của phê bình văn học không phải là dội gáo nước lạnh lên đầu một tác giả nào đó đang ngây ngất bởi danh vọng, hay “bốc thơm” một cuốn tiểu thuyết thành công mới xuất hiện, mà là ở chỗ khắc họa một cách nghệ thuật chân dung khách quan của nhà văn, mô tả thật sinh động thế giới nội tâm, số phận của nhà văn qua lăng kính các tác phẩm của anh ta. Trong khi đó chính ông Andrey Vasilyevsky đã từ chối đăng một tiểu luận của tôi ở Thế giới mới, và giải thích: “Chúng tôi có chủ trương không đăng các tư liệu “chân dung”, trừ những trường hợp ngoại lệ như Bitov hay Chukhontsev”. Sai lầm của ông chính là ở chỗ này đây, thưa Andrey Vitalyevich kính mến. Phê bình văn học đích thực cần phải mang tính chân dung để gây hứng thú đối với những độc giả không phải là nhà chuyên môn trong lĩnh vực văn học. Nếu không, sẽ nảy sinh câu hỏi: tác phẩm phê bình được viết cho ai?
Tuy nhiên, có cảm giác rằng các nguyệt san văn học hiện nay chỉ dành cho các nhà nghiên cứu văn học có học vấn hàn lâm, các nhà ngữ văn, tóm lại là giới chuyên môn rất hẹp. Vả lại, các biên tập viên ở các tạp chí dày dường như cố tình giam hãm những đứa con của mình trong “tháp ngà”, không muốn mở cánh cửa cho chúng đón một luồng sinh khí mới (điều này không chỉ liên quan tới phê bình mà cả thơ và văn xuôi), và do đó chính họ là kẻ có lỗi trong việc số lượng của chúng bị giảm. Tôi xin nhắc lại rằng nhiều tác phẩm nổi tiếng, từ lâu trở thành cổ điển trong nền văn học Nga, đã ra đời ở các tạp chí dày – Sông Đông êm đềm, các truyện vừa và ngắn của Valentin Rasputin, các cuốn tiểu thuyết về chiến tranh tuyệt vời của Yury Bondarev, kiệt tác “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolay Ostrovsky…Danh sách này còn có thể tiếp tục. Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, thật đau đớn khi phải nói ra điều này, chủ trương của các ban biên tập tạp chí dày, thông thường, là đăng tải những tác phẩm văn xuôi, thơ và phê bình thiếu sinh khí, nhạt nhẽo, mặc dù thông minh và giàu vốn sống. Quả thật, theo suy nghĩ của tôi, đại đa số những người trực tiếp tham dự vào tiến trình văn học cũng đã thay đổi về chất, hơn nữa, theo hướng tiêu cực. Cách đây mấy năm, nhà văn Roman Senchin cũng đã lưu ý tới sự thay đổi về chất này, khi ông phê bình trên tờ Nước Nga văn học số đặc biệt dành cho các nhà văn trẻ vừa mới xuất bản của tạp chí Người đương thời của chúng ta: “Nhà thơ hôm nay, nói đúng ra, không phải là một chàng trai hay cô gái với đôi mắt mơ mộng, mà là một con người có học vấn ngữ văn, có kinh nghiệm sống và sáng tác”, và chính vì vậy mà “nhà thơ trẻ có hàng ngàn, nhưng những người nổi bật trong họ chỉ đếm được trên đầu ngón tay”. Quả thật, ở đây Roman nói cụ thể về thơ ca hiện đại, nhưng phải chăng điều đó không liên quan tới nền thơ ca và văn xuôi hiện đại vốn thiếu vắng sự chân thực và phẩm chất tâm hồn? Phải chăng độc giả hôm nay không khao khát những tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao?
Theo Sergey Shargunov, một nền phê bình đích thực luôn luôn có cá tính, và tôi xin bổ sung thêm, phải mang tính chủ quan. Nó phải thể hiện không chỉ thế giới nội tâm của tác giả – đối tượng phê bình – mà cả thế giới quan, lòng tự tôn, hệ thống các quan điểm và giá trị của chính nhà phê bình. Điển hình về phương diện này là những bài viết của Vladimir Bondarenko, tổng biên tập tờ Ngày văn học. Chúng không bao giờ để cho độc giả thờ ơ, vì được viết một cách xúc động và nhân danh cá nhân. Còn bạn đồng ý với ông hay không – đó lại là chuyện khác.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh thêm một vấn đề cực kỳ quan trọng của nền văn học hiện đại, đó chính là sự thiếu vắng những tên tuổi mới và trẻ trong phê bình văn học hiện nay. Những đại biểu độc đáo của thế hệ những năm 40 – 50 ở nước ta, may mắn thay, khá phong phú, đó là Olga Slavnikova, Natalya Ivanova, Vladimir Bondarenko, Andrey Nemzer, Aleksandr Ageev, Yury Pavlov, nhưng đâu rồi những nhà phê bình trẻ cùng thế hệ với tôi, ra đời vào những năm 70 – 80? Điểm lại trong trí nhớ may ra chỉ có Valerya Pustovaya với những bài viết quá cao đạo và mang tính hàn lâm. Ngoài ra còn có thể nhắc tới Roman Senchin, nhưng anh là một nhà văn hơn là nhà phê bình. Chỉ thế thôi. Chúng ta có các nhà văn trẻ, thậm chí họ đã hình thành nên cả một trường phái trong nền văn học Nga hiện đại, gọi là “chủ nghĩa tân hiện thực”, chúng ta có đội ngũ đông đảo các nhà thơ, thế nhưng hầu như không có những nhà phê bình văn học tài năng. Có cảm giác như đề cử ”Phê bình văn học và báo chí văn học” của giải thưởng om sòm “Debut” (Khởi đầu) có thể thúc đẩy sự phát hiện ra những tài năng mới trong lĩnh vực phê bình văn học, nhưng nó chỉ phát hiện ra mỗi Sergey Shargunov trong văn xuôi, nói gì đến phê bình. Dự án đặc biệt “Nguồn lực văn học” của báo Nước Nga văn học dành cho sáng tác của các nhà văn trẻ, cũng khó có thể gọi là thành công, vì những ngôi sao Mai trên bầu trời phê bình văn học, theo thiển ý của tôi, vẫn không thấy xuất hiện. Các số đặc biệt dành cho “Người viết trẻ” của các tạp chí dày cũng không gây được sự chú ý của ai, những tên tuổi vừa mới sủi bọt đã ngay lập tức lặn mất tăm trong biển cả văn học hiện đại. Vậy thì trong phê bình văn học ai sẽ kế tục những người thầy văn học của chúng ta, thế hệ cha anh của chúng ta? Câu hỏi này hiện vẫn còn để ngỏ.
Dmitry Kolesnikov
Trần Hậu dịch
(Theo Nước Nga văn học).
Theo: http://lethieunhon.com.