Đường lên Lạng Sơn trước kia là đường quốc lộ 1 qua vùng rừng núi của ải Chi Lăng. Đường 1A mới xây đi vòng tránh khu rừng núi này, rộng rãi, ít hiểm trở hơn. Có lần đi xe máy lên muốn theo đường cũ đi cho gần, hỏi dân địa phương đi bộ dọc đường là đường cũ có đi được không. Người dân nói là vẫn đi được. Thế là nghe theo, đi một đoạn đâm ngay xuống hố nước lớn chắn ngang đường. Ngập đến ngang thắt lưng. Thì ra “vẫn đi được” đây nghĩa là vẫn đi bộ được, còn đi xe thì không biết (!).

Ven khu núi đá Chi Lăng hai bên đường trồng rất nhiều na. Na Chi Lăng là nai dai, nổi tiếng ngon, vụ quả vào cuối thu. Thực ra cây na không phải là cây gốc ở Lạng Sơn. Chuyện kể là sau thời kỳ đi kinh tế mới miền núi, các hợp tác xã giải tán hết, nông dân không biết làm gì để sống. Khu Chi Lăng đất ruộng hầu như không có mà chỉ toàn núi đá. Cái khó ló cái khôn. Người dân thử trồng na trên lớp đất mỏng của núi đá. Không ngờ na lại rất hợp với đất mùn núi đá và khí hậu mát lạnh của vùng này. Từ đó hình thành vùng na đặc sản ở Chi Lăng.

Qua Chi Lăng đến Lạng Sơn được ăn nhiều món ăn ngon và lạ của xứ Lạng. Có năm ông Minh, giám đốc Xí nghiệp Lạng Sơn, tổ chức chiêu đãi mình trước khi đi Nga, đặt tiệc với nhiều món đặc sản ở đây. Thứ nhất phải kế đến là khoai Lệ Phố. Đây là loại khoai môn mọc ven chân núi đá. Khoai ăn rất bùi và ngọt. Trước đây khoai này được đem tiến cho vua chúa Trung Quốc như trong phim “Tể tướng Lưu gù”. Ở Lạng Sơn khoai này được thái miếng dài rồi rán, ăn giòn mà bùi, rất ngon.

Những món khác cũng mang vị của vùng biên này, không giống cơm Tàu, cũng không giống cơm Việt như khau nhục (thịt lợn rút mỡ), phở xào, vịt quay Lạng Sơn, bánh bao (không phải nhân “bành trướng”!). Có khi là món ăn có thêm loại gia vị như dùng quả Móc mật ngâm măng ớt. Có khi là loại bánh ngọt ở Tràng Định uống với nước chè. Rồi chè đắng, hoa Hồi, hạt dẻ, quít Bắc Sơn. Còn có nhiều món ngon và đặc sản khác, không nhớ được hết.

Nghỉ ở Lạng Sơn rồi hôm sau quay lại về Hữu Liên, khu rừng cấm sau ải Chi Lăng. Vào Hữu Liên có 2 đường. Một đường từ hướng Lạng Giang đi vào, một hướng từ đường đi Bắc Sơn qua Vạn Linh. Đường nào cũng đầy đá, rất xóc. Khu vực này do chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc lạnh và địa thế gần biển nên núi tuy không cao nhưng có nhiều cây lạ như Nghiến, Hoàng đàn và Thiên tuế.


Thiên Tuế ở Hữu Liên mọc trên đá nhưng đây là loại Tuế thân to, vươn cao, “sừng sừng như những tượng đài trầm lắng của thiên nhiên”. Lần đầu thấy loại Tuế này ông anh vì ham quá trèo lên vách đá, du cho cây bật gốc để mang về. Thật may là cây to bám chắc vào đá, không bật ra. Nếu cây mà rơi ra thì người cũng rơi theo cùng cây xuống vực.

Nổi tiếng nhất vẫn là Hoàng đàn. Rễ Hoàng đàn có dầu rất thơm, nên bị khai thác triệt để làm hương, quí như hương trầm. Ngoài ra, rễ Hoàng đàn còn dùng làm đồ tượng mỹ nghệ do có vân đẹp và mùi thơm. Trước đây Hoàng đàn có nhiều trên các đỉnh dông núi đá của ở Chi Lăng – Hữu Liên – Vạn Linh. Hoàng đàn bị dân địa phương đào tận gốc, trốc tận rễ. Dân cư vùng này chủ yếu toàn dân trộm cướp dưới xuôi bị truy nã, bỏ quê, đổi tên họ mà lên đây trốn chạy. Người ta dùng cả thuốc nổ phá đá trên đỉnh núi mà đào rễ Hoàng đàn. Rừng Hữu Liên lại hiểm trở. Không ít người leo rừng, ngã núi mà chết khi đi tìm Hoàng đàn.

Để tìm được cây Hoàng đàn, trước khi đì vài tháng phải treo giải cho người địa phương là ai dẫn đường chỉ được 1 cây Hoàng đàn trong tự nhiên sẽ trả cho 200 đô la. Có một người dân tộc Tày cuối cùng cũng tìm được 1 cây Hoàng đàn còn sót lại ở Vạn Linh mà dẫn đến. Ai cũng mừng vì được thấy Hoàng đàn trong tự nhiên, khẳng định được nguồn gốc Hoàng đàn ở Lạng Sơn. Nhưng năm sau khu núi này bị cháy và cây Hoàng đàn duy nhất cũng không còn sống sót nữa. Cho tới nay không ai còn tìm thấy Hoàng đàn ở Lạng Sơn trong rừng tự nhiên nữa. Những gì quí giá thật khó tìm, tìm được rồi cũng thật khó giữ.

 

Nguồn: yume.vn

Exit mobile version