Theo dõi đời sống văn học những năm qua, có một tín hiệu đáng mừng – đặc biệt với những người làm trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học, đó là sự hình thành một đội ngũ những nhà phê bình trẻ, học vấn cao và tâm huyết với nghề. VNT xin giới thiệu một gương mặt phê bình thế hệ 8X, nhân cuốn sách mới của anh vừa ra mắt “Văn học trẻ như tôi hình dung”. Đó là Đoàn Minh Tâm, sinh năm 1982, hiện làm việc tại Ban Lý luận phê bình, Tạp chí Văn nghệ quân đội.

 

Tôi không nghĩ mình đơn độc “một mình một ngựa”

Anh vừa ra một cuốn sách có nhan đề: Văn học trẻ như tôi hình dung. Trong đó anh đã trình bầy khá chi tiết, kĩ càng về những xu hướng, những hiện tượng, những tác phẩm văn học của người viết trẻ. Nếu phải nói một cách thật ngắn ngọn, chỉ trong vài câu, văn trẻ như anh hình dung là gì?

Đó là thế hệ có nhiều người có tài nhưng sinh gặp đúng thời buổi “văn chương lâm nguy” nên không gặp nhiều thuận lợi cho việc phát triển sự nghiệp. Nhiều lúc tôi cứ ước giá như một số nhà văn thế hệ 7X mình biết mà sinh sớm khoảng…20 năm thì với tài năng của mình, họ sẽ nổi tiếng, đạt nhiều thành công hơn bây giờ rất nhiều.

Vì nhiều lý do khác nhau, không nhiều người làm phê bình chuyên tâm đến sáng tác của các tác giả trẻ. Còn anh thì có vẻ như vẫn quyết tâm “một mình một ngựa”?

Tôi không nghĩ mình đơn độc “một mình một ngựa”. Xung quanh tôi có rất các đồng nghiệp phê bình trạc hoặc hơn mình một vài tuổi cùng đồng hành với mình như các anh Phạm Xuân Thạch, Hoài Nam, Phùng Gia Thế, Hoàng Đăng Khoa, chị Hoàng Thụy Anh, Trần Huyền Sâm cùng mấy người bạn như Đoàn Ánh Dương, Trần Thiện Khanh, Ngô Hương Giang, Phan Tuấn Anh ….Các anh, các chị, các bạn ấy đều có những bài viết công phu, chuyên sâu về các sáng tác trẻ. Mặt khác, tôi tự nhận thấy mình cũng không hẳn chuyên tâm đến các sáng tác của các cây bút trẻ. Với văn chương nói chung và lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học nói riêng tôi còn có nhiều đam mê khác. Trong tương lai chị sẽ thấy tôi xuất hiện ở một số lĩnh vực văn học không liên quan gì đến các cây bút trẻ cả. Giờ là lúc tôi muốn tiếp tục thực hiện nốt một vài dự định còn “dang dở” từ hồi học đại học. Nghiên cứu – nhất là lý thuyết thuần túy – vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với tôi.

Dù muốn hay không, luôn tồn tại một khoảng cách giữa người sáng tác và nhà phê bình văn học, do cách nhìn nhận của họ về cùng một tác phẩm văn học thường rất khác nhau. Người sáng tác luôn cần sự đồng cảm từ phía nhà phê bình. Nhưng điều ấy trên thực tế là không nhiều. Anh nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ chuyện một tác phẩm có nhiều cách nhìn nhận khác nhau là chuyện bình thường. Quan trọng là cách cảm nhận ấy phải chính xác với chất lượng tác phẩm. Có rất nhiều cảm nhận, phân tích đánh giá khác nhau về truyện Kiều của cụ Nguyễn Du nhưng các cảm nhận ấy đều xuất phát từ một nhận định chung bất biến: Đó là kiệt tác văn chương Việt. Tôi tin chắc cụ Nguyễn ở dưới suối vàng chắc cũng đều trân trọng các cảm nhận khác nhau đó. Còn về sự đồng cảm như ý chị vừa nêu, tôi không hiểu đó là sự chia sẻ, cảm thông với những vất vả, khó khăn trong sáng tác hay là sự đồng cảm về tác phẩm. Nếu ở khía cạnh thứ nhất, các nhà sáng tác cứ yên tâm, không biết mọi người thế nào chứ bản thân tôi luôn trân trọng nỗ lực lao động nghệ thuật của họ. Ở thời buổi “kim tiền” này bất cứ ai dấn thân vào làm văn chương chúng ta đều phải trân trọng. Còn về khía cạnh cảm thụ, tâm đắc với tác giả và tác phẩm của họ thì tôi nghĩ cần có một sự rạch ròi, thẳng thắn ở đây. Không thể có chuyện nhà phê bình đồng cảm được với toàn bộ các nhà sáng tác và toàn bộ tác phẩm của họ. Đồng cảm với một vài người, thậm chí là một vài tác phẩm của một vài người đó là tốt lắm rồi.

Không thể vỗ ngực cho rằng mình là “duy ngã độc tôn”.

Một phẩm chất quan trọng của người làm phê bình đích thực, theo tôi là sự trung thực. Anh phải trung thực với ngòi bút của mình, không xuê xoa, không giao đãi. Nhưng sự trung thực nhiều khi khó tránh khỏi sự “đụng chạm” với người này người khác…

– Tôi có khá nhiều cuộc tranh luận học thuật với các đồng nghiệp, tranh cãi có lúc ác liệt trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Trong khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội nhân văn, không ai có thể vỗ ngực mà cho rằng mình là “duy ngã độc tôn”. Cần biết lắng nghe những ý kiến tranh biện từ phía đồng nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, một số người làm phê bình văn học hiện nay, đặc biệt là những tác giả trẻ mới ra trường bị “căn bệnh sách vở”. Họ dùng “những thao tác” vừa được học trong nhà trường để tiến hành “phẫu thuật” các tác phẩm văn học. Trong khi với mỗi một tác phẩm văn học lại rất cần những cách đọc khác nhau, những cách tiếp cận “giải mã” khác nhau. Vì thế những bài phê bình của người trẻ ít tính thuyết phục với người sáng tác và ngay cả với bạn đọc. Ý kiến của anh?

Tôi nghĩ chắc có một sự nhầm lẫn ở đây. Không có cái gọi là “những thao tác vừa được học trong nhà trường để tiến hành “phẫu thuật” các tác phẩm văn học”. Cái chúng tôi được học trong nhà trường là những vấn đề lý luận văn học và những phương pháp phê bình văn học. Với mỗi phương pháp lại có những thao tác khác nhau. Do đó với cùng một tác phẩm nhưng áp dụng các phương pháp khác nhau sẽ cho ra những “cách đọc”, cách “giải mã” khác nhau.

Thậm chí có nhà văn lớp trước từng cho rằng, nếu bạn còn trẻ thì đừng cố làm phê bình văn học làm gì. Làm nghề này phải có nhiều sự trải nghiệm trong đời sống cũng như trong văn chương. Anh sẽ “nói lại” thế nào?

Tôi sẽ mời nhà văn đó đọc lại tiểu sử của Hoài Thanh. Hoài Thanh sinh năm 1909, ông cho xuất bản Thi nhân Việt Nam năm1942, lúc đó ông mới 33 tuổi. Chắc là theo quan niệm về tuổi lúc đó, Hoài Thanh cũng đã già rồi!!!. Không nên áp dụng câu nói “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già” của các cụ vào lĩnh vực văn học nghệ thuật một cách máy móc như thế. Mà nhìn vào thực tế xã hội bây giờ câu đó cũng không phải lúc nào cũng đúng. Tuổi tác chẳng có ý nghĩa gì cả. Điều quyết định vẫn là tài năng và sự nỗ lực của người làm phê bình nói riêng và người làm nghệ thuật mà thôi.

Mỗi ngày đều có sẵn một bài học đang đón chờ

Tốt nghiệp đại học ra trường, anh về tạp chí Văn nghệ Quân đội. Có khi nào anh nghĩ rằng nếu không làm việc tại môi trường này thì anh sẽ không quyết tâm theo đuổi phê bình văn học?

Có chứ, hơn nữa còn là ý nghĩ thường trực trong một thời gian dài. Hồi mới ra trường, niềm đam mê lớn nhất của tôi là làm nghiên cứu văn học chứ tôi mảy may không hề có ý nghĩ mình sẽ dấn thân vào con đường phê bình văn học. Lúc đó tôi chỉ muốn tiếp tục nghiên cứu một vài vấn đề mình ưa thích mà tôi đã đề cập với chị ở trên. Nhưng cơ duyên đưa tôi về “nhà số 4, phố nhà binh” cũng là cơ duyên đưa tôi đến với phê bình văn học. “Chính danh” là người của ban lý luận phê bình mà không viết phê bình văn học thì xem ra “không ổn” cho lắm nên tôi cầm bút viết để khẳng định rằng mình cũng viết được phê bình văn học chứ không chỉ có “biên tập chay”. Nếu không về “nhà số 4”, theo thời gian chắc tôi cũng sẽ viết phê bình văn học nhưng chắc sẽ thưa thớt.

Làm công tác lý luận – phê bình văn học ở một môi trường văn học chuyên nghiệp, nơi từng có những nhà phê bình tên tuổi ngồi gánh vác trọng trách này, điều ấy có khiến anh bị “ngợp” và “sợ”?

Có chứ . Chị cứ tưởng tượng tâm trạng của một anh chàng cử nhân văn học mới ra trường, hành trang văn chương là hai bàn tay trắng khi bước vào ngôi nhà toàn những “siêu sao” sẽ như thế nào. Nói không “ngợp” là nói dối và có phần hơi kiêu ngạo. Nhưng đó là cảm giác ban đầu, nó qua nhanh và nhường chỗ cho sự thú vị. Những “cây cao bóng cả” là chất xúc tác kích thích cho tôi làm việc với mong muốn một ngày nào đó mình cũng trở thành… “cây đa cây đề” như họ. Tôi tin không chỉ mình tôi mà nhiều anh em trẻ cùng cơ quan đều có chung suy nghĩ sự nổi tiếng của các ngôi sao ở Nhà số 4 vừa là tấm gương, vừa là động lực để mình phấn đấu.

Có khi nào sau một bài viết phê bình đã được công bố, anh phát hiện ra cách đánh giá, nhìn nhận của mình bị sai, hoặc nhầm lẫn?

Đến mức sai hoặc nhầm lần như chị nói thì chưa nhưng thấy có suy nghĩ khác thì đã có. Vậy nên khi viết xong tôi rất ít khi công bố ngay mà thường để đó, khoảng 1 tuần sau đọc lại xem mình có suy nghĩ khác không, có thêm ý nào mới không thôi. Việc này cũng như người sáng tác đọc lại và sữa chữa tác phẩm mình viết vậy. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường.

Dù mới chỉ có ít năm theo nghề, anh đã có được bài học nào đáng giá nhất cho mình hay chưa?

Tôi không rõ lắm về nghĩa hai chữ bài học mà chị nhắc đến. Nhưng như một lần trả lời phỏng vấn tôi luôn lấy câu Ngô nhật tam tỉnh ngô thân để răn mình. Làm đúng câu nói đó, tôi nghĩ mỗi ngày mình mới với mình đều có sẵn một bài học đang đón chờ rồi.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

PVVNT thực hiện

Nguồn: PHONGDIEP

Exit mobile version