Thiên thần yêu dấu của ta, Anya: ta quỳ xuống, ta cầu nguyện cho em và ta xin hôn lên đôi chân em. Em là tất cả tương lai ta – cả hy vọng, cả đức tin, cả hạnh phúc và cả niềm khoái lạc”. Những dòng chân thành, đầy xúc cảm xúc đại văn hào Fyodor Dostoevsky viết dành tặng người phụ nữ đã đồng hành cùng ông trong 14 năm cuối đời.

Trong 14 năm ấy, nàng không chỉ đem đến cho ông tình yêu mặn nồng, sự tận tụy vô biên mà còn thực sự là “nàng thơ” của ông. Không có nàng thì nhiều ý tưởng của nhà văn thiên tài ấy chưa chắc đã đến được với bạn đọc. Hẳn là nhiều độc giả đã đoán ra nàng là ai – đó chính là Anna Dostoevskaya, người vợ thứ hai của nhà văn.

Mối tình cuồng si và người chồng lắm tài nhiều tật
Anna Grigorievna Dostoevskaya.
Anna Grigorievna Dostoevskaya.
Không hề ảo tưởng về mình, người phụ nữ này từng thú nhận: “Tôi không nổi bật về nhan sắc, chẳng có tài năng gì đặc biệt và cũng không sở hữu một trí tuệ hơn người. Mặc dù vậy tôi đã được con người tài năng, thông tuệ ấy nể trọng đến mức gần như tôn thờ”.

Tuy nhiên, cuộc sống của Anna bên người chồng tài ba này không giản đơn chút nào. Thứ nhất, ông là một kẻ đam mê bài bạc đến bệnh hoạn. Thứ hai, thể chất của nhà văn lại chẳng khỏe khoắn gì – thi thoảng ông lại bị chứng động kinh hành hạ. Nếu ai đã từng chứng kiến những cơn kinh tác oai tác quái ra sao thì sẽ hiểu nỗi khổ của người phụ nữ có chồng mắc bệnh này. Và cuối cùng, ngoài người chồng chẳng khác gì một đứa trẻ to xác, Anna còn phải một tay chăm sóc con cái, lo toan cho gia đình.

Anna sinh ngày 11 tháng 9 năm 1846 tại St Petersburg, trong gia đình có cha là một công chức và mẹ là một phụ nữ Thụy Điển gốc Phần Lan. Thân mẫu và phụ mẫu của Anna là hai tính cách hoàn toàn trái ngược nhau. Người cha thì thuộc dạng lừng khừng, thiếu quyết đoán, trong khi bà mẹ thì cực kỳ linh lợi, năng động. Tuy nhiên, có một thứ đã kết nối hai con người này với nhau – đó là những sáng tác ký tên Fyodor Dostoevsky. Họ đều là những fan cuồng nhiệt của nhà văn tài năng này.

Tình yêu đối với Dostoevsky còn được đôi vợ chồng này “di truyền” cho cô con gái. Từ nhỏ, cô bé ấy đã say sưa ngốn những trang sách của Dostoevsky. Tuy vậy, ngay cả trong ý nghĩ người con gái ấy cũng chẳng bao giờ có thể hình dung rằng sau 20 năm có mặt trên cõi đời này số phận lại run rủi cho cô được đến với thần tượng thời thơ ấu của mình.

Số là lúc ấy Dostoevsky đang cần thuê một nhân viên tốc ký, mà phải thật lành nghề. Bởi ông đang bị câu thúc bởi thời gian – chủ xuất bản đã đặt ra cho ông một thời hạn quá gắt gao: viết cuốn sách mới (cuốn “Con bạc”) trong vòng 26 ngày! Và khỏi phải nói là Dostoevsky đã thất vọng ra sao khi mà người đến gặp ông nhận việc không phải là một nhân viên tốc ký lớn tuổi đầy kinh nghiệm mà lại là một cô gái đôi mươi vẫn còn đang đi học. Nhưng rồi cái giá rẻ mạt mà Anna đề xuất cho công việc chép lại những trang bản thảo của ông đã thuyết phục được nhà văn. Thế là họ cùng nhau bắt tay ngay vào công việc.
Anna đã làm việc liên tục 26 ngày, từ ngày 4 đến ngày 30/10/1866 (chủ xuất bản yêu cầu phải hoàn tất bản thảo trước ngày 1/11/1866). Và món quà tuyệt vời nhất mà nàng đã mang đến cho thần tượng của mình nhân dịp sinh nhật lần thứ 45 của ông (Dostoevsky sinh ngày 30/10/1821) chính là những trang chép cuối cùng cho bản thảo “Con bạc”.
Đại văn hào Fyodor Dostoevsky.
Nhưng công việc hoàn tất cũng có nghĩa là hai người sẽ phải chia tay nhau. Điều này thật khó khăn làm sao. Cả hai đều hiểu rằng nếu lúc ấy họ nói với nhau hai từ “tạm biệt” thì rất có thể là họ chẳng bao giờ được gặp lại nhau nữa… Và chàng Fyodor dạn dày kinh nghiệm bèn kiếm cớ giữ chân người trợ tá trẻ tuổi của mình lại bằng cách nói rằng ông dự định viết phần hai cho cuốn “Tội ác và trừng phạt”, và rằng ông không thể tìm thấy người thư ký nào tốt hơn…
Thế nhưng được vài ngày sau, khi gặp nhau, Dostoevsky đột nhiên lại đổi chiến thuật. Ông nói với Anna rằng ông dự định viết một cuốn tiểu thuyết mới có nhân vật chính là một họa sĩ lớn tuổi đang cố chinh phục trái tim của một cô gái trẻ tên là Anhia. Mà ông thì không rành lắm về tâm lý các cô gái. Và vì vậy rất muốn đề nghị Anna tư vấn cho…

Công việc của một “chuyên gia tư vấn” đương nhiên là rất khác với công việc của một nhân viên tốc ký. Thật chẳng dễ dàng gì khi vừa muốn giúp đỡ một nhà văn lớn, vừa phải kiểm soát bản thân trước thần tượng của lòng mình, đồng thời lại phải kiềm chế cảm xúc của một người đàn ông. Và cuối cùng thì Anna đành… chịu thua. Hơn hai tháng sau, nàng trở thành cô dâu trong một đám giản dị với người đàn ông góa vợ, hơn mình đến 25 tuổi, một người nổi tiếng không chỉ về tài văn mà cả về các khoản nợ nần do cờ bạc.

Trong những lá thư gửi cho Anna trước đám cưới không lâu, Dostoevsky vẫn tự xưng mình là
“người yêu em vô hạn và tin cậy em hết mực”. Nhưng trên đời thực mọi chuyện không hoàn toàn tốt đẹp như trên giấy. Mùa xuân năm 1867, sau đám cưới ít lâu, Anna nài nỉ chồng đi ra nước ngoài. Nhưng ngay cả ở châu Âu, mọi thứ cũng chẳng ngọt ngào hơn. Người chồng tài ba của cô ngay trong những tháng đầu tiên đã kịp nướng mọi thứ vào chiếu bạc, kể cả các món trang sức lẫn… váy cưới của vợ. Cũng vì thực tế bi đát ấy mà những cơn động kinh của Dostoyevsky càng bùng phát thường xuyên hơn. Cuộc sống chung của họ trở nên nặng nề, nhức nhối…
Nhưng dẫu vậy, Anna vẫn nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn, để không ngã lòng và cố gắng tác động tích cực đến chồng. Một năm sau, Anna sinh hạ con gái đầu lòng. Nhưng cô bé Sophia tội nghiệp ấy chỉ sống được hai tháng rưỡi. Nỗi mất mát này dường như cuối cùng đã thức tỉnh được Dostoyevsky. Kể từ đó ông ít hơn “gây sự” hơn. Đến năm 1871, khi đã là cha của hai đứa con nữa thì Dostoyevsky đã đoạn tuyệt hẳn với bài bạc. Năm 1869, tại Dresden, Anna đã sinh cô con gái thứ hai và đặt tên là Lyubov (tiếng Nga có nghĩa là tình yêu). Trở về Nga, cô sinh tiếp hai con trai –  Fyodore (năm 1871) và Alex (năm 1875). Tuy nhiên cậu con trai út đã qua đời khi chưa đầy ba tuổi. Còn Lyubov và Fyodore thì sống đến những năm 20 của thế kỷ XX (họ mất sau khi Anna đã qua đời).

Anna Dostoevskaya và hai người con.

Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của mình –  “Anh em nhà Karamazov” – Dostoevsky viết tặng vợ. Ngoài ra, ông còn viết rất nhiều thư cho Anna. Đến nay người ta còn lưu giữ được 164 bức thư của Dostoevsky viết cho vợ và 75 lá thư của Anna gửi đến chồng. Đọc những lá thư này, ta có thể thấy rằng không có gì thuộc về con người là xa lạ đối với đôi tình nhân này. Nghe có vẻ phi lý, nhưng quả là nhà văn này rất ưa giày vò người vợ trung hậu của mình chỉ vì…. ghen.
Còn nàng thì cứ phải thề thốt mãi về tình yêu của mình dành cho chồng: “Cảm ơn anh, kho báu của lòng em, cảm ơn những lá thư quý giá, mến thương, những lá thư đã khiến em hạnh phúc khôn tả. Anh dấu yêu, em yêu anh, yêu đến cuồng si, và em thật có lỗi vì rằng đã để cho giữa chúng ta đôi lúc còn những mối bất hòa. Mọi chuyện bực mình thật là đáng tiếc. Và em vẫn yêu anh đến mất trí…”   

Có những niềm đam mê vĩnh hằng

Tiếc rằng chặng đường chung của hai con người cùng “yêu nhau đến cuồng điên” ấy chẳng được dài lâu. Năm 1881, Dostoevsky đã từ giã cõi đời ở tuổi 60. Lúc đó Anna mới 35 tuổi. Tuy vậy, nàng đã không nghĩ đến chuyện tái giá. Nàng cứ ở vậy và cặm cụi thu thập toàn bộ bản thảo, thư từ, tài liệu, hình ảnh của người chồng quá cố. Với những di sản này, đến năm 1906 Anna xây dựng được một phòng tưởng niệm cho Fyodor Dostoevsky tại Bảo tàng Lịch sử ở Moscow. Đến năm 1929, toàn bộ các hiện vật, di cảo trong căn phòng ấy đã được chuyển đến Bảo tàng Dostoevsky ở Moscow.

Năm 1906 Anna cũng đã cho ra đời hai ấn phẩm: cuốn “Mục lục thư tịch các bài viết và tác phẩm nghệ thuật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Dostoevsky” và cataloge “Bảo tàng tưởng niệm Fyodore Dostoevsky trong các Bảo tàng lịch sử Nga Hoàng mang tên Alexander III ở Moscow, 1846 – 1903″. Ngoài ra, bà còn là tác giả của các cuốn sách: “Nhật ký A. G. Dostoevskaya 1867” (xuất bản năm 1923), “Hồi ký A. G. Dostoevskaya” (xuất bản năm 1925). Tất cả đều là những tư liệu rất quan trọng để hậu thể tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của đại văn hào Fyodore Dostoevsky.

Thời mới lấy nhau, nhân tranh luận về thú sưu tầm tem của mình, Anna đã nói với chồng rằng người như nàng có thể đam mê một thứ gì đó suốt cả cuộc đời, và Dostoevsky liền phản bác lại (ông vẫn coi việc sưu tầm tem của vợ là chuyện rất tầm phào). Nhưng trước tất cả những gì mà Anna đã làm sau khi ông qua đời, hẳn là ở dưới suối vàng, đại văn hào đã phải ngậm cười mà “đính chính” lại rằng: quả là có những thứ mà con người ta có thể đam mê suốt đời – như Anna đã đam mê Dostoevsky và những sáng tác của ông.

Anna Grigorievna Dostoevskaya qua đời năm 1918 – năm của chiến tranh và đói kém. Đúng nửa thế kỷ sau, năm 1968, phần mộ của bà mới được chuyển đến tu viện Alexander Nevsky, bên cạnh ngôi mộ của Dostoevsky, người chồng bà suốt đời ngưỡng mộ.
Phan Minh Ngọc (Tổng hợp từ Livelib, Skolazinzni, Wikipedia)
Nguồn: Bee.net.vn.
Exit mobile version