Vũ Ngọc Cân giới thiệu và dịch từ nguyên tác

Ady Endre nhà thơ, nhà văn, ký giả nổi tiếng thế giới của Hungary, sinh ngày 22 tháng 11 năm 1877 tại làng Ermindszent, tỉnh Szilagyi (thuộc Rumani ngày nay). Bố là Ady Lorinc, nguồn gốc quý tộc nhiều đời, đã bị bần cùng hóa. Mẹ tên là Pasztor Maria, dòng dõi trí thức.

Họ sinh được hai con trai đều có năng khiếu văn học từ nhỏ. Họ nuôi dưỡng, cho ăn học với ước muốn sau này trở thành quan lại địa phương, nhưng thực tế cả hai đều là nhà trí thức lớn, đặc biệt Ady Endre- người anh và là nhà báo, nhà thơ nổi tiếng thế giới.

Năm lên 6 tuổi, Ady bắt đầu đi học ở trường làng, sau đó học trung học cơ sở ở Nagykaroly, thành phố thuộc tỉnh Szatmar láng giềng và trung học phổ thông tại Zilah, trung tâm của tỉnh Szilagy quê nhà. Do áp lực của gia đình, sau trung học Ady theo học khoa luật, Đại học Debrecen. Tuy nhiên đang học dở dang thì anh bỏ đi làm báo. Đầu tiên anh làm cho báo Tin tức Debrecen, sau viết bài cho nhiều tờ báo khác nhau. Năm 1900 lại chuyển đến Nagyvarad, một trung tâm tư tưởng, văn hóa lớn thuộc tỉnh Bihar làm cộng tác viên báo Tự do và Nhật ký tại đây. Nagyvarad là nơi giúp anh thành công vang dội trong nghề báo, nhưng cũng là nơi Ady bị nhiễm căn bệnh kinh khủng mà sau này vì nó nhà thơ phải sớm lìa bỏ cõi đời: Bệnh giang mai. Đặc biệt tại đây, năm 1903,  anh quen và yêu một phụ nữ vô cùng xinh đẹp, quyến rũ, hơn anh 5 tuổi, đã có chồng, tên là Diosy Odonne Brull Adel. Tình yêu giữa họ thật mãnh liệt, các mối quan hệ cũng như tiền tài của nàng đã đưa anh nhiều lần đến Pari thủ đô hoa lệ văn minh nhất châu Âu lúc bấy giờ. Trong 7 năm từ 1904 đến 1911, nhờ sự giúp đỡ của người tình vĩ đại (trong thơ Ady gọi bằng cách chơi chữ là Leda), Ady đã 7 lần đi Pari chịu ảnh hưởng sâu sắc, trực tiếp của đời sống tư tưởng, văn hóa nghệ thuật tiến bộ nơi đây. Từ 1906, Ady chuyển về sinh sống tại thủ đô Budapest. Đến năm 1911, ông lâm bệnh, phải nằm viện nhiều năm liền. Năm 1915, Ady lấy vợ tên là Boncza Berta (trong thơ Ady gọi thân mật là Csinszka) và sống nhờ nhà vợ cho đến khi qua đời vào ngày 27 tháng 1 năm 1919 tại Budapest.

Ady bắt đầu sáng tác văn học trong thời gian học trung học. Ban đầu anh viết truyện ngắn, nhưng sau làm thơ nhiều hơn. Bài thơ đầu tiên của Ady được in ở Debrecen vào đầu năm 1899. Cũng trong năm này tập thơ đầu tiên – nhan đề Thơ thơ, cũng được xuất bản tại đây. Tập thơ thứ 2  có tựa đề là Một lần nữa đã in ở  Nagyvarad. Từ 1901 đến 1914, năm nào ông cũng in thơ thành tập. Tập thơ cuối cùng lúc sinh thời xuất bản vào năm 1918 đặt tên là Đứng đầu những người chết. Sau khi qua đời, một tập thơ di cảo của Ady được in vào năm 1923 nhan đề Những con tàu cuối cùng. Bên cạnh thơ ca, các tập văn xuôi sau này tập hợp thành hàng chục cuốn dày dặn, chứng tỏ sức sáng tạo hết sức phi thường của Ady.

Ady là một trong những người khởi xướng và có nhiều đóng góp quan trọng đối với tạp chí Phương Tây (1890-1914), cơ quan văn học và phê bình có uy tín nhất đối với văn học nghệ thuật của Hungary hồi đầu thế kỷ XX. Trước khi in thành tập, phần lớn thơ của ông được in ra tại tạp chí danh giá này.

Trong các tác phẩm thơ đầu tay như Thơ Thơ (1899), Một lần nữa (1903), Ady sáng tác theo phong cách truyền thống của nền thơ Hungary, tiếp bước ngôi sao sáng Petôfi cũng như các nhà thơ cổ điển khác. Nhưng các tập tiếp theo: Thơ mới (1906), Máu và vàng (1907), Trên xe Ilêsơ (1908), Tôi ước ao được mọi người yêu mến (1910), Tình yêu của chúng ta (1913), ông đã là nhà cách tân vĩ đại của nền thơ Hungary có lịch sử gần 7 thế kỷ. Chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa ấn tượng là những phương pháp sáng tác mới mẻ Ady học được từ văn học Pháp, mở ra thời kỳ hiện đại cho thơ ca Hungary.

Thơ ca Ady rất giàu có, nhưng cũng rất tập trung về đề tài, từ sinh hoạt đời thường đến thần thánh, từ chính trị đến tiền tài, từ các tầng lớp xã hội đến chiến tranh, từ sự sống đến cái chết… Đặc biệt và quan trọng nhất là hai mảng thơ tình và thơ cách mạng.

Thơ tình của Ady có nhiều điểm khác biệt so với của các nhà thơ trước đó. Trong đời tư, Ady quan hệ thể xác và tinh thần với nhiều phụ nữ. Các nhà nghiên cứu nhắc đến 5 mối tình sâu đậm tạo nên một khối lượng thơ tình đồ sộ của ông, trong đó tình yêu với Adosy Odonne Brull Adel (trong thơ ông gọi là Leda) là lớn nhất. Nàng để ý đến nhà thơ trong thời gian ông làm báo ở thành phố Nagyvarad. Ban đầu tình yêu giữa họ hết sức say đắm, mãnh liệt, gặt hái được rất nhiều thơ ca, nổi bật nhất là cụm bài Thánh ca Leda trong tập Thơ mới in năm 1906. Tuy nhiên, dần dần mối tình trớ trêu của họ xảy ra nhiều mâu thuẫn, sóng gió, nhiều lần chia tay rồi yêu lại, cuối cùng Ady chủ động vĩnh viễn rời bỏ vào năm 1912 bằng một bài thơ độc đáo, “tàn ác nhất” trong lịch sử thơ ca Hungary, bài Lời nhắn đuổi mỹ miều.

Những bài thơ tình viết cho Csinszka, người vợ và những tình nhân khác cũng rất đặc biệt.

Thơ cách mạng của Ady bắt nguồn từ quá trình nhận thức của ông từ thời niên thiếu. Khi còn là học sinh, Ady đã tỏ ra rất thông minh, lanh lợi, sớm có sự giác ngộ về chính trị. Khi học trung học, Ady chịu ảnh hưởng nặng nề các tư tưởng, tự do dân tộc và khoan dung, sau đó ông đã nhiều năm sống ở Pari với tư cách là phóng viên thường trú của nhiều tờ báo Hungary tại Pháp, ông có dịp học tập, nghiên cứu, vận dụng những khuynh hướng tư tưởng, nghệ thuật của đất nước này. Đặc biệt các nhà thơ Baudelaire, Rimbaud, Verlaine đã có ảnh hưởng sâu sắc tới thế giới quan và phong cách sáng tác của ông. Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội văn hóa ở Hungary lúc bấy giờ bị khủng hoảng trầm trọng, trong khi thế giới đang sục sôi cách mạng như ở Nga, Pháp, Bỉ… đã đặt ra những vấn đề bức xúc, mới mẻ cho nhiệm vụ phản ánh của văn học nghệ thuật, mà những hình thức cũ không còn đủ sức biểu đạt. Với sự cách tân, sáng tạo độc đáo ông đã thổi một luồng sinh khí mới vào nền thơ ca truyền thống bằng những môtip mang giá trị biểu trưng cao, những nhịp thơ lạ lẫm mềm mại, uyển chuyển, đa dạng. Ông là người mở đường cho lối thơ tự do, đồng thời cũng là “con chim báo bão” cho cách mạng vô sản ở Tổ quốc mình. Ông nhận ra hiện thực nghèo nàn, lạc hậu ở Hungary và đề xuất con đường cách mạng dẫn đến sự tiến bộ như ở Phương Tây.

Ady là nhà cách mạng dân chủ tư sản, nhưng ông cũng đã nhận rõ và phê phán, lên án mạnh mẽ những tội ác của chủ nghĩa tư bản. Về cuối đời, ông đã có thiện cảm với chủ nghĩa Mác, với chủ nghĩa xã hội và mong đợi sự giải phóng xã hội của giai cấp vô sản.

Trong nhiều bài thơ, như Bà lão KunThơ của chàng thanh niên vô sảnTrên đất Csak MateBài ca đường phố, ông thấu hiểu, cảm thông những nỗi khổ cực của nhân dân lao động, đặc biệt là giai cấp vô sản. Khi Thế chiến Thứ nhất nổ ra, ông lên án gay gắt chiến tranh phi nghĩa do chủ nghĩa tư bản gây nên, đồng thời cũng thể hiện tình yêu nước, yêu dân tộc Hungary, yêu thương con người tha thiết.n

Ady endre (1877-1919)

Cuộc tình chim ưng trên thảm cỏ

(A heja nasz az avaron)

Ta lên đường. Ta đi vào Mùa Thu

Kêu, khóc, gào, hầm hầm săn đuổi

Hai chim ưng đôi cánh rã rời

 

Những kẻ cướp Mùa Hè mới sinh sôi

Những cánh chim ưng tập tành vỗ cánh

Những trận hôn bị cày xới tơi bời

 

Ta từ Mùa Hè bị xua đuổi bay đi

Ta dừng lại trong Mùa Thu đâu đó

Lông cánh xù lên thế mà tình tứ

 

Cuộc tình này là cuộc tình cuối cùng

Ta mổ đi, rách thịt nhau thích thú

Trên thảm cỏ Mùa Thu cứ lả tả rơi.

                                                                                1906

 

Trên đồng hoang Hungary

(A Magyar Ugaron )

Tôi lội trên vùng đất trũng hoang sơ

Cỏ dại, rêu mọc đầy rậm rạp

Tôi biết lắm đất đai này tàn khốc

Đó chính là cánh đồng hoang Hungary.

 

Tôi cúi người nghe đất nhuyễn thầm thì

Đồng hoang như có cái gì nhai tóp tép

Bao thứ cỏ dại cao chọc trời kìm kẹp

Ô hay, sao hoa chẳng nở chốn này?

 

Lũ dây leo chằng chịt cứ mọc dày

Tôi liếc nhìn lòng đất sâu ngủ thiếp

Mùi hương hoa xưa toả ra thơm ngát

Vây lấy tôi rất quyến rũ say sưa.

 

Yên lặng thẳm sâu. Cỏ dại, rêu, bèo

Níu kéo xuống như ru hời, phủ kín

Một cơn gió lướt qua cười nhạo báng.

Trên đồng hoang Hungary im lìm.

                                                                                1906

 

Chiếc xe ngựa đỏ

trên biển

(A voros szeker a tengeren)

Biển rộng, kẻ say rượu tái nhợt này

Đã uống nham thạch bạc

Trái đất run rẩy. Trong lấp lánh buồn

Ta chờ đợi cái gì trong cơn sốt khủng khiếp

Bờ sông mang cành cọ rung rinh

Lũ xương rồng dại co cụm lại

Đám hoa nhài khóc than

 

Kia rồi, bóng những cánh buồm đột nhiên

Đại hồng thủy kỳ lạ

Xa xa, nơi nước đụng trời

Chiếc xe ngựa to, trên nước, cánh đỏ lòm

Tiến lên trên mặt nước

Cánh đỏ lòm vùng vẫy

Rồi dừng lại. Chờ. Nghỉ ngơi

 

Người từ đâu tới? Mang gì đến? Ở lại đây không?

Phải chăng lãnh tụ mới xuất hiện

Cánh đỏ thế nào làm vòng vây

Dáng đỏ, lửa của Bình minh mới

Hay là máu, lại máu đây?

Ta chờ đợi. Nó đứng trong sương mù tím ngát

Cái xe ngựa lớn, đỏ lòm.

1906

Nguồn: Văn Nghệ

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version