Nhà văn Margaret Mitchell gọi căn hộ tầng trệt mà bà thuê trên phố Peachtree ở Atlanta là “tý hon” bởi nó nhỏ đến mức bàn ăn phải kê trong phòng ngủ. Nhưng trên chiếc bàn nhỏ bằng gỗ sồi được kê bên cửa sổ của căn hộ này, bà đã cho ra đời Cuốn theo chiều gió – một trong những tiểu thuyết bất hủ của Mỹ.
Bản thảo cuốn tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió được nữ văn sĩ Mitchell gõ bằng chiếc máy chữ Remington trong suốt 10 năm. Đến nay, tác phẩm văn học kinh điển này, viết về cuộc nội chiến Mỹ, về Scarlett O’Hara và Rhett Butler vừa tròn 75 tuổi.


Vẫn tiêu thụ được 75.000 bản/năm ở Bắc Mỹ
Nhân dịp này, Trung tâm Lịch sử Atlanta, nơi quản lý ngôi nhà của Margaret Mitchell, đang tổ chức triển lãm Atlanta’s Book: The Lost Gone With The Wind Manuscript (Cuốn sách của Atlanta: Bản thảo thất lạc của Cuốn theo chiều gió). Triển lãm gồm 4 chương gốc của tiểu thuyết và các trang bản thảo đó đã được phóng to trưng bày trên tường. Các trang bản thảo này được mượn từ Thư viện Pequot ở Connecticut, nơi đã lưu giữ chúng từ những năm 1950 từ tay Chủ tịch của Macmillan – nhà xuất bản đầu tiên của Mitchell.

Margaret Mitchell bên chiếc máy chữ đã viết Cuốn theo chiều gió.

“Sau khi viết phác thảo lần đầu tiên, bà Mitchell đã đưa một bản đánh máy tới nhà xuất bản Macmillan và nó được đưa đi in ngay mà không hề được biên tập” – Ellen Brown, đồng tác giả cuốn Gone With The Wind: A Bestseller’s Odyssey From Atlanta To Hollywood với Margaret Mitchell, cho biết . “Có được bất cứ phần nào của bản thảo đó đều rất quý. Đây chắc chắn là một trong những di sản văn học có giá trị nhất ở Mỹ”.
Là một nhà báo trẻ ở Atlanta, Mitchell đã viết cuốn tiểu thuyết này 2 lần.
Lần đầu tiên là gồm những chương phác thảo thô được viết trên những cuộn giấy làm bằng cây chuối sợi. Sau đó, bà viết lại và biên tập bản phác thảo đó, bổ sung thêm các chương mới và bố cục lại. Ban đầu bà đặt tên cho cuốn tiểu thuyết này là Manuscript Of The Old South và tên ban đầu của Scarlett là Pansy. Từ khi được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1936 cho đến nay, tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió đã được dịch sang 35 thứ tiếng và tiêu thụ được hàng trăm triệu bản trên toàn thế giới. Tiểu thuyết này đã đoạt giải Pulitzer và vào thời điểm phát hành bộ phim được dàn dựng theo tiểu thuyết (phim đoạt 8 giải Oscar) thì cuốn sách này đã tiêu thụ được hơn 2 triệu bản với 16 thứ tiếng. Giờ đây, trung bình mỗi năm lượng sách bán ra của Cuốn theo chiều gió đạt 75.000 bản ở thị trường Bắc Mỹ.
Nhân dịp này, NXB Scribner đã phát hành cuốn bìa mềm với trang bìa mang hình ảnh gốc của cuốn sách. Ấn phẩm mới này còn có lời giới thiệu của nhà văn Pat Conroy, người từng hé lộ rằng mẹ đẻ ông đã chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết đến mức bà đã đổi tên đệm của mình thành Margaret. Conroy viết ông mang một “mối nợ cá nhân với tiểu thuyết” bởi ông đã trở thành nhà văn cũng là nhờ Cuốn theo chiều gió.

Say mê câu chuyện đến mức “kỳ dị”
Dường như ai cũng có kỷ niệm với câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết này. Emily Donatelli, một người đến từ Roswell, vẫn còn nhớ như in lúc xem bộ phim lần đầu tiên khi còn là một cô bé nhỏ. “Đã 72 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ như thể nó mới diễn ra ngày hôm qua”.

Du khách nhảy múa bên ngoài Ngôi nhà Margaret Mitchell ở Atlanta – nơi tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió ra đời.

Chẳng mấy người ngạc nhiên với thành quả mà cuốn tiểu thuyết này đã đạt được, mặc dù Mitchell hầu như chẳng có động tác gì để quảng bá cuốn sách. Bà không hề tham gia các chuyến quảng bá, từ chối phát biểu và chỉ thực hiện một số ít cuộc phỏng vấn (Michell qua đời năm 1949 ở tuổi 48 sau một vụ tai nạn ô tô ở Atlanta và chưa viết tiểu thuyết thứ 2).
Trong khi nhiều nhà phê bình cho rằng đây không phải là một tác phẩm văn học vĩ đại, nhưng Mitchell vẫn được ca ngợi với cách kể chuyện của mình. 75 năm đã trôi qua, nhưng câu chuyện này vẫn thu hút trí tưởng tượng của nhiều người. Nó vẫn xuất hiện trên các trang Facebook, được đưa lên trang Twitter và nhiều người say mê các nhân vật Scarlett, Rhett, Ashley và Melanie Wilkes và cả quê hương Tara của Scarlett. Mary Broscious (39 tuổi) ở Elkridge thì tự cho mình là người say mê tác phẩm này một cách “kỳ dị”. Cô đã xem phim hơn 40 lần và không nhớ nổi đã đọc tiểu thuyết bao nhiêu lần.

Đồ lưu niệm liên quan đến Cuốn theo chiều gió đắt hàng
Năm nào cũng có hàng ngàn người dừng chân trong phòng chiếu tại Ngôi nhà Margaret Mitchell để xem bộ phim tài liệu dài 2 tiếng ghi lại quá trình dàn dựng bộ phim Hollywood kinh điển Cuốn theo chiều gió. Cho đến nay, phòng chiếu này đã đón hơn 300 triệu lượt người.
Tuy nhiên, nơi du khách dừng chân lâu nhất là cửa hàng bán đồ lưu niệm tại đây. Cùng với Chuột Mickey trong serie phim hoạt hình của hãng Disney, bản phim Cuốn theo chiều gió là một trong những sản phẩm đầu tiên của Hollywood được thương mại hóa một cách rộng rãi. Những món đồ liên quan đến câu chuyện trong Cuốn theo chiều gió được sưu tầm nhiều nhất là một mảnh tường trong nhà Scarlett (45 USD), lọ đựng muối và tiêu giống bộ của Scarlett (32 USD) và hộp đựng đồ ăn trưa có dòng chữ “Tôi sẽ không bao giờ bị đói nữa” (15 USD).

Việt Lâm

Nguồn: TT&VH.