Nhạc sĩ An Thuyên được đánh giá một trong nhạc sĩ hàng đầu của dòng nhạc mang âm hưởng dân gian Việt Nam. Sự sâu nặng ân tình với quê hương cùng với sự thăng hoa của cảm xúc đã giúp ông viết nên những ca khúc sống mãi với thời gian. Ông còn được ví là cây đại thụ tỏa bóng mát cho không chỉ những công chúng yêu mến âm nhạc, mà cả những người sáng tác, biểu diễn và đào tạo nghệ thuật.

Nhạc sĩ của quê hương

Nhạc sỹ An Thuyên sinh ngày 15-8-1949 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Chính quê hương – mảnh đất dân ca trù phú – đã nuôi dưỡng tâm hồn nhạc sĩ. Chàng trai An Thuyên năm 11 tuổi đã thổi sáo, kéo nhị cho mọi người trong nhà hát. Những khúc ví, giặm mang cả cuộc sống, nỗi lòng con người xứ Nghệ như dòng sữa nuôi lớn tâm hồn ông từ những năm tháng tuổi thơ.

Từ năm 1967, nhạc sĩ An Thuyên công tác ở Ty Văn hoá Nghệ An. Công việc giúp ông có điều kiện gắn bó, tìm hiểu sâu hơn về những làn điệu dân ca quê mình. Trong những năm tháng đó ông cùng đoàn nhạc sĩ của Viện nghiên cứu âm nhạc đi dọc dải sông Lam, ghi chép, sưu tầm dân ca Nghệ Tĩnh. Những làn điệu đó lại càng ngấm vào người nhạc sĩ tài hoa, trở thành một phần máu thịt, để rồi một cách tự nhiên, chúng vang lên trong những sáng tác ngọt ngào, trữ tình của ông.

Nhạc sĩ An Thuyên. Ảnh: Internet

An Thuyên đã được người yêu âm nhạc biết đến từ tác phẩm đầu tay Em chọn lối này, viết năm 1971, khi ông tròn 21 tuổi. Nhạc sĩ đã từng chia sẻ, trong số hàng trăm sáng tác của mình ông yêu nhất là tác phẩm đầu tay Em chọn lối này bởi ca từ rất hồn nhiên và bản năng. Bài hát xuất phát từ bài dân ca Thái: “Trên rừng nhiều đường lắm lối, em chọn con đường tình yêu của anh suốt đời”.

Từ đó trở đi, các ca khúc đều đặn ra đời. Phần lớn sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ mang đậm âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Những ca khúc của nhạc sĩ An Thuyên góp phần vẽ nên sự đẹp đẽ, nên thơ, thắm đượm tình người ở những miền quê nghèo xứ Nghệ. Người nhạc sĩ mặc áo lính ấy luôn nâng niu, gọt giũa, kết hợp cái thuần túy thắm đượm của âm nhạc dân gian, cái tri thức âm nhạc dân gian với tri thức âm nhạc bác học hiện đại. Điều này giúp ông có được những tác phẩm tân thời hiện đại mà đậm đà chất liệu dân ca.

Trong gia tài của nhạc sĩ An Thuyên có nhiều ca khúc nổi tiếng, mang đậm âm hưởng dân gian của các vùng quê trên cả nước như: Huế thương, Ca dao em và tôi, Chín bậc tình yêu, Neo đậu bến quê, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác… Trong đó Neo đậu bến quê được cho là nổi tiếng nhất. Bài hát như sự rút lòng của nhạc sỹ về tình yêu quê hương. Dù viết bằng âm hưởng dân ca xứ Nghệ, tình quê hương trong bài hát rất cụ thể, khiến mỗi người con đất Việt khi đi xa nghe được đều rưng rưng xúc động. Neo đậu bến quê như bước chân của người con lâu ngày đi xa, trở về chốn cũ, bước xuống con đò tuổi thơ tìm lại một phần ký ức. Thời gian trôi, chỉ có “người xưa xa vắng”, lòng người trải bao cay đắng. Nhưng vẫn còn đây lối cũ, sông quê, bao dung cho tâm hồn tha hương trở về neo đậu.
Ca dao em và tôi cũng là ca khúc tràn ngập âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh, về chuyện tình “với người con gái tôi yêu nơi làng quê”. Giai điệu trữ tình với những ca từ đầy chất thơ khiến ca khúc trở thành một trong những tác phẩm viết về tình yêu lứa đôi gắn với quê hương hay nhất.
Ông cũng là một trong những nhạc sĩ rất thành công khi sáng tác về Bác Hồ. Ca khúc Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác được ông viết trong nước mắt khi mới 24 tuổi. Bài hát lay động lòng người bởi giai điệu, lời ca dạt dào cảm xúc trong không gian văn hóa của làng quê Nghệ An. Trong dòng nhạc đỏ, nhạc sĩ An Thuyên còn ghi dấu ấn với ca khúc Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngoài ra, ông còn có những tác phẩm khí nhạc như nhạc giao hưởng, nhạc vũ kịch, nhạc phim.
Người thầy “nhóm lửa” cho nhiều thế hệ học trò

Không chỉ là nhạc sĩ có nhiều đóng góp về mặt sáng tác, An Thuyên còn là một nhà quản lý âm nhạc có nhiều đột phá, một Hiệu trưởng tâm huyết, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Ông gắn bó với ngôi trường này từ năm 1992 (khi đó là Trường Cao đẳng Nghệ thuật quân đội) và giữ cương vị Hiệu trưởng từ năm 1993 cho đến khi nghỉ hưu (2009).

Trên cương vị quản lý âm nhạc, nhạc sĩ An Thuyên phát hiện và chắp cánh cho nhiều tài năng âm nhạc. Điều làm ông hào hứng nhất là được nói về việc đào tạo những nghệ sĩ trẻ. Gần 20 năm nhóm lửa, lặn lội lên rừng xuống biển tìm học sinh, nhạc sĩ An Thuyên đã cùng các đồng nghiệp của mình đào tạo rất nhiều tài năng âm nhạc.

Những đồng nghiệp ở Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội vẫn nhớ tới câu chuyện thầy hiệu trưởng ra tận bờ đê sông Hồng, để tìm cô bé đoạt giải nhất trong một cuộc thi hát mà ông vừa làm giám khảo, chỉ để nói với cô bé rằng, ông muốn nhận cô làm học sinh của trường.

Biết bao lần, nhạc sĩ lên tận những vùng sâu, vùng xa, biên cương nghèo khó, để tuyển sinh với quyết tâm đào tạo cho miền núi và vùng các dân tộc thiểu số nguồn nhân lực văn hóa văn nghệ quan trọng. Người thầy hiền hậu ấy đã chắp cánh ước mơ ca hát cho biết bao người trẻ tuổi sinh ra trong gian khó, như chàng trai Ploong Thiết, người dân tộc Pa Cô ở A Lưới (Huế) vốn sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo khổ, giành giải Nhì Sao Mai năm nào. Học trò của ông đã có rất nhiều người đang là nòng cốt ở các đoàn nghệ thuật Trung ương và địa phương.

Sau khi nghỉ hưu, mặc dù sức khỏe không được tốt nhưng ông vẫn luôn giữ được ngọn lửa cảm hứng để sáng tác nên nhiều tác phẩm, như: Chú cuội chơi trăng, Chiều sông Thương, Vầng trăng đò đưa…

Với những đóng góp của mình, nhạc sĩ An Thuyên vinh dự được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước về Văn hóa-Nghệ thuật với chùm tác phẩm: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc. Bên cạnh đó là các giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985; Giải nhất của Bộ Văn hóa -Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1985 với bài Khi xe tăng qua miền quan họ và Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Ngày 3-7-2015, nhạc sỹ An Thuyên đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại sự mất mát lớn đối với âm nhạc Việt Nam. Người nhạc sỹ tài hoa với niềm đam mê và khát khao cuộc sống ấy vẫn còn bao sáng tác dở dang và bao điều ấp ủ. Có lẽ ông sẽ lại tiếp tục phiêu diêu, tiếp tục độc hành trên Dòng sông thi ca…