Bích Khê – nhà thơ đặc sắc của thời kỳ thơ mới, tại thế chỉ ba mươi năm, nhưng tài thơ của ông không đợi tuổi, chỉ đợi được người đời tri âm và tri kỷ.
Hơn 70 năm trước, tài năng thơ Bích Khê được khẳng định qua nhận xét của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam: “Tôi đã gặp trong Tinh huyết những câu thơ hay vào bực nhất trong thơ Việt Nam”, Hàn Mặc Tử thì xem Bích Khê là “thi sĩ thần linh”, còn đối với Chế Lan Viên thì là “đỉnh núi lạ”.
Phân tích những đóng góp độc đáo của Bích Khê trong phong trào Thơ Mới, nhà thơ Hữu Thỉnh từng nhận xét: “Thơ Bích Khê như một thứ tài nguyên chìm trong lòng đất. Càng đi sâu càng thấy sự dồi dào của nó. Ông là nhà thơ đầy ý thức và rất có trách nhiệm trong việc cách tân cho thơ. Lúc Thơ Mới đang ở đỉnh cao, thì Bích Khê đã làm một cuộc cách tân ngoạn mục. Ông xứng đáng để chúng ta tôn vinh như một nhà thơ hàng đầu trong việc cách tân cho thơ”.
Ông mất cách đây tròn 70 năm, ngày 17/01/1946.
Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24/3/1916, tại xã Phước Lộc, quận Sơn Tịnh, nay là huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).
Bích Khê là con thứ 9 trong một gia đình nho học. Ông của nhà thơ từng tuẫn tiết vì không chịu theo Nguyễn Thân đàn áp cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Thân sinh của nhà thơ từng tham gia phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Là nhà thơ thuộc phong trào Thơ Mới nhưng Bích Khê cũng như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên đã đi xa hơn Thơ Mới và thực sự đã có công lớn thực hiện một cuộc cách tân trong thơ Việt Nam vào đêm trước cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Có thể xếp thơ Bích Khê vào trào lưu thơ tượng trưng có phần nhấn sang siêu thực, trong thơ Bích Khê có sự kết hợp giữa hồn cốt Đường thi và khả năng đột phá của thơ Baudelaire hay Mallarme (Pháp), một sự kết hợp mà bây giờ người ta gọi là cuộc giao hòa Đông-Tây. Nhưng chính từ quê hương núi Ấn sông Trà với tất cả những quặn thắt và bay bổng, đau đớn và kiêu hãnh mà hồn thơ Bích Khê mang một khí vị riêng biệt không thể lẫn với bất cứ nhà thơ nào khác trong phong trào Thơ Mới hồi ấy.
Tinh huyết (1939) tác phẩm duy nhất ra đời khi Bích Khê còn sống đã thành nguồn cảm hứng cho những nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình nghiên cứu đương đại. Điều đó nói lên rằng thơ ông đặc sắc và thơ ông luôn tồn tại cùng thời gian. Thơ Bích Khê được nhân dân miền núi Ấn, sông Trà quê hương ông truyền qua các thế hệ: “Hồn tôi đã thoát để tiêu dao!/Những tờ thơ nát đầy hơi hám/Tay khách đa tình sẽ chuyển trao”.
Bích Khê đã từng viết như vậy. Ông tin vào người đọc, tin vào năng lượng thơ của mình, tin vào sức sống của thơ ca. Cũng là tin vào thiện năng của con người. Sự bền lòng ấy đáng khâm phục biết bao! Bài học từ cuộc đời ngắn ngủi chỉ 30 năm của Bích Khê (ông mất ngày 17-1-1946), là bài học về cách tích hợp và bùng nổ năng lượng cho một tình yêu lớn nhất của đời mình: Tình yêu văn học, và sự tập trung cao độ cho tình yêu ấy.
Phong trào Thơ Mới (1932-1945) là một cuộc chạy “nước rút” của thơ Việt để bắt kịp thơ hiện đại thế giới với hình mẫu là thơ lãng mạn Pháp thế kỷ XIX. Nhưng ở Bích Khê và một vài nhà thơ khác, Thơ Mới đã vượt qua chủ nghĩa lãng mạn để tiến tới chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực đầu thế kỷ XX.
Thơ tượng trưng dùng các biểu tượng và sự ám gợi liên tưởng thay cho phát ngôn trực tiếp. Các nhà thơ tượng trưng cố nắm bắt cảm xúc và trạng thái của trí não nằm ngoài ý thức thông thường bằng cách làm phong phú cảm giác của họ.
Bích Khê cố gắng đưa thơ đi theo hướng đó. Ông có hẳn một bài Xuân tượng trưng: Hỡi lời ca man dại / Điệu nhạc thở hơi rừng / Đêm nay Xuân đã lại / Thuần túy và tượng trưng / Nâng lên núm vú đồi / Sữa trăng nhi nhỉ giọt / Bay qua cụm liễu phơi / Những cườm tay điểm hột.
Ông chủ trương “duy tân” thơ: Đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới / Của lời thơ lóng đẹp. Hạt châu trong.
Thơ Bích Khê, vì vậy, góp thêm một tiếng nói lạ và mới, cho phong trào Thơ Mới nói riêng, cho thơ Việt nói chung.
Bích Khê táo bạo không chỉ ở nghệ thuật thơ, ông táo bạo cả ở nội dung đề tài. Có thể nói tới cảm quan nhân bản như một nét đặc sắc của thơ Bích Khê, và về mặt này dường như khó có thể một nhà Thơ Mới nào vượt nổi ông.
Bích Khê tại thế chỉ ba mươi năm, nhưng tài thơ của ông không đợi tuổi, chỉ đợi được người đời tri âm và tri kỷ. Biết mình không qua khỏi được căn bệnh thuộc loại “tứ chứng nan y” thời đó, ông đã có lời tuyệt mệnh để lại.
Lời tuyệt mệnh nhưng là lời khẳng định, là một niềm tha thiết yêu đời, ham sống, và tin tưởng ở sự sống sau cái chết của mình. Thân bệnh: ngô vàng mưa lá rụng / Bút thần: sông lạnh ánh sao rơi / Sau nghìn Thu nữa trên trần thế / Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi.
Không đợi nghìn thu nữa, ngày nay thơ Bích Khê đã là dấu ấn đặc sắc trong thơ Việt.
Sinh thời nhà thơ Bích Khê chỉ in một tập thơ Tinh huyết (1939). Nhưng ông còn để lại bốn tập thơ khác chưa xuất bản là Tinh hoa (1938-1944); Đẹp (1939); Ngũ hành sơn; Mấy dòng thơ cũ (1931-1936). Đến năm 1988, các tập thơ của ông được in thành tập: Thơ Bích Khê (Nghĩa Bình, 1988) và Bích khê tuyển tập (Hà Nội, 1988).
Theo Thể thao & Văn hóa