Một cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành vởi Yahoo Nhật Bản đã liệt kê ra 7 phong tục mà người dân nước này muốn xóa bỏ.

Nhật Bản có rất nhiều phong tục độc đáo và không phải tất cả những phong tục này đều có ý nghĩa với những người nước ngoài sinh sống tại Nhật. Song, ngay cả với chính người dân nước Nhật, cũng có rất nhiều những tục lệ mà họ cho là không cần thiết và lãng phí thời gian trong thời đại ngày nay.

Một cuộc thăm dò ý kiến đã được tiến hành bởi Yahoo Nhật Bản, trong đó 200 người tham gia ở độ tuổi 20 và 30 cùng nêu ra những phong tục Nhật Bản nào họ muốn xóa bỏ nhất. Dưới đây là 7 phong tục đứng đầu trong danh sách và lí do vì sao chúng lại gây phiền phức cho người dân Nhật.

1. Rót rượu sake cho sếp của mình trong công ty

Nhật Bản có một xã hội tuân thủ nghiêm ngặt về thứ bậc, và những người xếp ở bậc thang dưới cùng phải khúm núm trước những người ở trên. Đây là đặc điểm điển hình của xã hội Nhật. Tại bữa tiệc rượu của công ty, những nhân viên cấp dưới luôn phải chú ý để rót rượu liên tục cho lãnh đạo cấp trên và tuyệt đối, không được để ly của sếp ở trong tình trạng cạn rượu. Một người tham gia cuộc thăm dò ý kiến nói rằng: “Nếu tôi cứ liên tục phải đi rót rượu cho người khác, tôi sẽ chẳng thể nào thưởng thức bữa tiệc hay tập trung nói chuyện với bất cứ ai khác cả”. Một người khác bình luận: “Mỗi người đều có tốc độ uống của mình, tôi chẳng thể đoán được ai sẽ uống hết vào lúc nào, ai hết trước, ai hết sau”.

2. Phải chịu đựng màn “giải trí” tẻ nhạt trong các bữa tiệc tùng

Tại những bữa tiệc tùng ở Nhật Bản thường phổ biến hình thức giải trí bằng cách chơi những trò thách uống ngớ ngẩn hay bịa ra các bài hát và giai điệu, hoặc ép đồng nghiệp phải nốc hàng tá cốc bia. Chẳng ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng những trò chơi này hết sức trẻ con, lố bịch và họ chỉ mong muốn có thể giải tỏa căng thẳng sau một ngày dài làm việc bằng vài cốc đồ uống nhẹ nhàng và trò chuyện.

3. Có nghĩa vụ tặng sô cô la cho đồng nghiệp trong ngày lễ tình nhân

Vào ngày lễ tình nhân ở Nhật Bản, có hai loại sô cô la được đem tặng: “honki” là loại mà bạn tặng cho người mà bạn thực sự thích, và “giri” là loại mà bạn có nghĩa vụ đem tặng cho tất cả mọi người ở nơi làm việc của mình. Nhiều bình luận đã chỉ trích sự phiền toái của phong tục này. “Nó quả thật là một hình thức lãng phí thời gian” – Nữ, 31 tuổi. “Đó là một gánh nặng cho bất cứ ai khi phải thực hiện, và cho cả những người phải miễn cưỡng nhận món quà” – Nữ, 37 tuổi.

Tặng sô cô la cho tất cả đồng nghiệp trong Lễ tình nhân là phong tục ở Nhật Bản . Ảnh: Japan Today

4. Đáp lễ sau khi nhận được những món quà vào các dịp đặc biệt

Đây là phong tục nhận tiền mừng vào các dịp đặc biệt như lễ cưới, nhưng nó khó lòng mang ý nghĩa của một cử chỉ tốt đẹp khi mà người nhận có trách nhiệm phải đáp lễ bằng một món quà có giá trị tương xứng với một nửa số tiền mà họ nhận. Việc phải tính toán số tiền này và tìm một món quà chi phí thích hợp đã khiến cho việc nhận tiền mừng trở nên nặng nề và mất đi sự vui vẻ. Trong thực tế, toàn bộ những phong tục này làm lãng phí thời gian của cả người cho và người nhận.

5. Đi tăng 2 sau một bữa tiệc tùng

Không chỉ mất thời gian vào những bữa tiệc, những người làm công ăn lương ở Nhật còn phải tham gia các buổi “nijikai” – có nghĩa là các buổi tăng 2 sau khi tiệc chính kết thúc. Họ sẽ phải đến một quán bar hay nhà hàng nào đó, tiếp tục tham gia các buổi nhậu và tán chuyện huyên thuyên thêm vài giờ đồng hồ nữa. Đối với rất nhiều người thì đây là việc hết sức vô nghĩa.

6. Phải trả tiền khi bạn tham dự một đám cưới

Khách đám cưới ở Nhật thường phải mang theo khoảng 10.000 yên khi tham dự đám cưới, thậm chí số tiền này còn lớn hơn nữa nếu họ là người thân của cô dâu chú rể. Thông thường họ đến đám cưới, ăn cỗ tiệc và còn nhận được quà đáp lễ (như mục số 4), nhưng rất nhiều người cảm thấy nặng nề khi phải nhận lời mời đi ăn cưới và phải trả tiền để có thể tham dự.

7. Mang quà lưu niệm về cho tất cả mọi người trong văn phòng sau một chuyến đi

Tại Nhật Bản, một khi bạn đã nghỉ việc để đi du lịch, thì cũng có nghĩa là bạn phải làm gì đó để bù đắp cho sự bất tiện mà bạn gây ra cho mọi người trong phòng vì sự vắng mặt của mình. Điều này có nghĩa là bạn buộc phải chuộc lỗi bằng cách mang quà là những món ngon từ nơi bạn đi nghỉ về cho tất cả mọi người trong phòng. Đối với nhiều người thì việc này không chỉ tốn kém mà còn làm giảm niềm vui của họ khi nghỉ phép để đi chơi.

Theo Hải An – Hà Nội mới (dịch từ Japan Today)