Giải thưởng văn học quốc tế Man Booker – giải thưởng văn học lớn nhất của Anh được trao định kỳ hàng năm cho một tác phẩm tiểu thuyết hay nhất với phần thưởng lên tới 50.000 bảng Anh. 6 tác phẩm được lọt vào vòng chung kết năm nay vừa chính thức lộ diện.
Giải thưởng văn học này đã vinh danh không ít những tài năng sáng tác của Châu Á. Hai tác phẩm tiêu biểu được sáng tác bởi những nhà văn Châu Á từng nhận giải Man Booker là Life of Pi (Cuộc đời của Pi) do nhà văn Yann Martel sáng tác năm 2002 và Midnight’s Children (Những đứa trẻ lúc nửa đêm) do nhà văn Salman Rushdie viết năm 1981.
Cả hai tác phẩm Life of Pi và Midnight’s Children đều đã được chuyển thể thành các tác phẩm điện ảnh và sẽ chính thức ra mắt khán giả thế giới vào tháng 11 năm nay. Một điều khá thú vị là những nhà văn gốc Ấn rất có duyên với giải Booker. Trong tổng số 43 kỳ trao giải thì có tới 4 kỳ giải thưởng danh giá này thuộc về những nhà văn gốc Ấn. Ngoài ra còn có những nhà văn đến từ một số quốc gia Châu Á khác như Kazuo Ishiguro của Nhật và Michael Ondaatje của Sri Lanka.
Năm 1993, từ 25 tác phẩm đầu tiên giành giải Booker, ban giám khảo đã chọn tiểu thuyết Midnight’s Children của nhà văn Salman Rushdie là tiểu thuyết hay nhất trong 25 năm của giải Booker, tác phẩm này được trao giải Booker of Bookers. Năm 2008, một giải thưởng tương tự được trao cho tác phẩm hay nhất trong lịch sử 40 năm của giải Booker, có tên The Best of the Booker và Midnight’s Children của Salman Rushdie một lần nữa lại là tác phẩm vinh dự nhận được giải thưởng này.
Những tác giả nhận được giải Man Booker sau đó đều nổi tiếng thế giới, sách của họ được lưu hành rộng rãi và dịch ra nhiều thứ tiếng, bên cạnh đó là những hợp đồng xuất bản sách và phần thưởng trị giá 50.000 bảng Anh có thể khiến các tác giả trở thành những vị “đại gia” trong làng văn học thế giới.
Danh sách 6 tác phẩm nổi bật được lọt vào vòng chung kết của giải Man Booker 2012 đã được chính thức công bố:
Bring up the Bodies – Hilary Mantel
(Tạm dịch: Nuôi lớn những con người)
Tác phẩm này là câu chuyện nối tiếp của tác phẩm Wolf Hall (Hang sói) đã nhận được giải Booker năm 2009. Cuốn tiểu thuyết lịch sử này kể về Thomas Cromwell – một nhân vật lịch sử cỡ lớn trong thời kỳ tại vị của vua Henry VIII (1491-1547). Ông là người đã thúc đẩy quá trình ly khai nhà thờ Anh ra khỏi nhà thờ La Mã và cho phép các cặp vợ chồng Anh được phép ly hôn – việc mà các lễ nghi Thiên Chúa Giáo lúc đó tuyệt đối cấm. Ông đã giúp vua Henry VIII ly hôn với Hoàng hậu Catherine để kết hôn với người vợ mới, sau này là Hoàng hậu Anne Boleyn. Ông cũng là người lập nên tất cả những kế hoạch để hạ bệ vị Hoàng hậu lộng hành này và tiếp tục dẫn nhà vua tới cuộc hôn nhân thứ ba, cuộc hôn nhân này về sau thất bại khiến vị thế của Thomas Cromwell bị sụt giảm nghiêm trọng. Sau này, ông bị tịch biên tài sản và bị xử chặt đầu với những cáo buộc về tội phản quốc và dị giáo.
Đây là bộ tiểu thuyết lịch sử đầu tiên xuất hiện tại giải Booker và có nhiều khả năng sẽ trở thành bộ tác phẩm đầu tiên giành giải liên tiếp trong một giải thưởng văn học. Bộ truyện này của tác giả Hilary Mantel dự kiến có 3 phần, phần 2 này khắc hoạ Thomas Cromwell trong thời kỳ đỉnh cao quyền lực.
The Garden of Evening Mists – Tan Twan Eng
(Tạm dịch: Khu vườn đêm huyền ảo)
Đây là tác phẩm tiểu thuyết thứ hai của nhà văn tay ngang Tan Twan Eng. Câu chuyện lấy bối cảnh là đất nước Malaysia năm 1949 dưới ảnh hưởng của cuộc thế chiến II, cuốn tiểu thuyết này xoay quanh câu chuyện của Yun Ling Teoh, một luật sư đã từng tham gia vào cuộc khởi tố những binh lính Nhật từng gây ra tội ác chiến tranh tại Malaysia. Yun Ling Teoh cũng là một nhân chứng sống của lịch sử, từng trải qua giai đoạn chiến tranh này.
Tác giả Tan Twan Eng là một luật sư người Malaysia sinh năm 1972. Tác phẩm đầu tay của anh có tên là The Gift of Rain (Quà tặng của cơn mưa) xuất bản năm 2007 đã từng được đề cử nhận giải Booker trong năm đó. Truyện khắc hoạ cuộc sống của người dân tỉnh Penang, Malaysia trước và trong thời kỳ Nhật đóng quân tại đây. Truyện cũng lấy bối cảnh là cuộc Thế chiến II và nhận được nhiều lời khen ngợi của các nhà phê bình văn học từ khắp nơi trên thế giới.
Hiện nay, tác giả Tan Twan Eng đã dành tất cả thời gian để cống hiến cho việc viết văn. Phong cách viết văn của anh được đánh giá là nhẹ nhàng nhưng ám ảnh về đề tài chiến tranh. Nó vừa mang tính lịch sử vừa mang tính nghệ thuật.
Narcopolis – Jeet Thayil
(Tạm dịch: Khói thuốc phiện)
Theo đánh giá của tờ Guardian, tác phẩm này là một “giấc mơ dài giữa ban ngày, thú vị và mê đắm như vị thuốc phiện khiến bạn muốn mơ đi mơ lại”. Trong cuốn tiểu thuyết đầu tay này, nhà thơ người Ấn Độ Thayil đã ghi chép lại quá trình thuốc phiện, heroin và những “động ma tuý” đã ảnh hưởng thế nào đến đời sống của thanh niên Mumbai trong thập niên 1970 khiến một số lượng không nhỏ những thanh niên sa ngã sống trong nghiện ngập.
Truyện phản ánh mặt trái của cuộc sống đô thị trong quá trình hiện đại hoá. Thayil đã kể về câu chuyện của chính mình, về “những thập kỷ bị đánh mất” trong cuộc đời anh vì nghiện rượu và nghiện ma tuý. “Tôi đã dành tất cả thời gian để ngồi trong những quán bar, say xỉn tối ngày, khoác lác về chuyện viết văn nhưng chẳng bao giờ viết nổi cái gì. Đó thực sự là một sự lãng phí to lớn. Nhưng sau khi tôi thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó, những gì tôi làm được trong 2 năm tỉnh táo còn nhiều hơn những gì tôi đã làm trong suốt 20 năm nghiện ngập.”
Swimming Home – Deborah Levy
(Tạm dịch: Bơi trên sông quê)
Một phụ nữ trẻ bám theo một nhà thơ nổi tiếng trong chuyến du lịch của gia đình anh ta tới miền Nam nước Pháp. Cô cố gắng tiếp xúc và kết bạn với đứa con gái của anh nhà thơ, theo dõi vợ anh ta và khiến người phụ nữ này thiện cảm với mình tới mức mời cô ở lại chơi với gia đình. Cốt truyện diễn ra trong 5 ngày hè nóng nhất tháng 7/1994. Và một điều quan trọng nhất: Người phụ nữ này bị mắc bệnh tâm thần. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Levy trong suốt 15 năm qua được coi là tác phẩm vừa kịch tính vừa xúc động ẩn chứa những bí mật cuốn hút nhất trong cuộc đời của mỗi nhân vật xuất hiện trong tiểu thuyết.
Umbrella – Will Self
(Tạm dịch: Chiếc ô)
Tác phẩm là dòng suy nghĩ không phải của một nhân vật mà là của ba nhân vật trong những bối cảnh lịch sử khác nhau bao gồm nhân vật Audrey Death ở đầu thế kỷ 20, nhân vật “tôi” dẫn truyện – bác sĩ Zack Busner ở thập niên 1970, và một cụ già có tên là Busner trong năm 2010. Truyện là tác phẩm tổng hợp của khoa học tâm lý, tư tưởng hiện đại, chiến tranh và tình trạng huyền bí của những người bị chứng hôn mê sâu. Tất cả những khía cạnh tưởng như rất xa nhau ấy cùng được khai thác trong tác phẩm văn học vừa có lập luận chặt chẽ vừa vô cùng hấp dẫn.
The Lighthouse – Alison Moore
(Tạm dịch: Ngọn hải đăng)
Tác phẩm đầu tay của nhà văn Alison Moore kể về quá trình một người đàn ông cố gắng tìm hiểu, khám phá về chính bản thân anh ta bằng một chuyến du lịch bộ hành ở Đức nhưng càng cố gắng hiểu chính mình, càng cố gắng đi tìm cái bản ngã của mình, anh càng cảm thấy mất mát, trống vắng từ bên trong và càng thấy mình phiêu dạt, lênh đênh vô định giữa dòng đời. U buồn và ám ảnh là hai tính từ mà các nhà phê bình thường dùng để đánh giá về tác phẩm này, theo đó mỗi ngả đường mà chúng ta lựa chọn hoặc bỏ qua đều khiến ta thấy lo lắng, bất an.