Chương trình Thành phố Văn học của UNESCO là một phần của Mạng lưới các thành phố sáng tạo, được sáng lập từ năm 2004 nhằm thúc đẩy sự phát triển xã hội, kinh tế và văn hóa ở các thành phố thuộc các nước phát triển và đang phát triển. Dưới đây là giới thiệu sơ lược về 5 Thành phố Văn học này.
1. Edinburgh (Scotland-2004): Edinburgh là Thành phố Văn học đầu tiên được UNESCO công nhận vào năm 2004 nhờ di sản văn học phong phú và thị trường xuất bản đa dạng. Mỗi năm, các liên hoan, sự kiện và hội thảo liên quan đến văn học đã đem về cho thành phố này tới 3,3 triệu USD.
Edinburgh thường được mô tả là thành phố xây dựng trên những cuốn sách. Nơi này từ lâu đã được xem là trung tâm xuất bản của thế giới. Nhà in đầu tiên của thành phố được xây dựng vào năm 1507. Bộ bách khoa toàn thư tiếng Anh Encylopaedia Britannica được biên soạn và xuất bản lần đầu tiên ở Edinburgh. Chưa kể, nơi đây còn có những nhà văn đã tạo ra những nhân vật nổi tiếng thế giới như Conan Doyle có thám tử Sherlock Holmes, J.M. Barrie với Peter Pan…
2. Dublin (Ireland-2008): Dublin là quê hương của những khổng lồ văn chương như Jonathan Swift, Oscar Wilde và James Joyce – một trong những nhà văn có ảnh hưởng và cách tân nhất trong ngôn ngữ tiếng Anh. Thêm nữa, đã có 4 giải Nobel Văn học được trao cho các nhà văn có gắn kết với Dublin, gồm nhà soạn kịch George Bernard Shaw, các nhà thơ W.B. Yeats và Seamus Heaney và Samuel Beckett. Giờ đây, các nhà văn ở Dublin vẫn tiếp tục gây tiếng vang trên trường quốc tế. Dublin còn có giải thưởng văn học thanh thế – giải Văn học Dublin IMPAC Quốc tế.
3. Iowa City (Mỹ-2008): Trong 80 năm qua, Iowa City đã “dạy” cả thế giới cách viết văn thông qua các hoạt động của trường ĐHTH Iowa. Làm sao mà một thành phố nhỏ như vậy ở miền Trung nước Mỹ lại tạo được ảnh hưởng rộng lớn như vậy tới cách viết? Câu trả lời là Iowa City được xem là một trong những thành phố yêu văn chương nhất thế giới. Nơi này có những thiết chế văn học có sức ảnh hưởng lớn, chuyên khảo sát những cách dạy mới và hỗ trợ các hoạt động của các nhà văn. Kể từ năm 1955 tới nay, các sinh viên và giảng viên của trường ĐHTH Iowa đã giành được hơn 25 giải Văn học Pulitzer. Mỗi năm, các thiết chế văn học của thành phố này còn bảo trợ cho hơn 180 sự kiện văn học.
4. Melbourne (Australia-2010): Melbourne có nhiều nhà văn, có nền công nghiệp xuất bản thịnh vượng. Mỗi năm thị trường bán lẻ sách của thành phố này thu về được 453,1 triệu USD. Là thành phố có nhiều hoạt động văn học đa dạng, Melbourne còn là nơi lý tưởng để sáng tác văn học. Điều thú vị là Thành phố Văn học này tọa lạc trên miền đất từng thuộc về tộc người Kulin – một tộc người đã biết khắc trên đá, vẽ trên vỏ cây hay da thú những câu chuyện từ cách đây hơn 40.000 năm.
Melbourne còn có Ngày hội Các nhà văn thu hút hơn 40.000 người viết hằng năm. Còn trong Ngày hội thơ, các nhà thơ bản địa và toàn cầu đã tụ hội để tôn vinh thi ca Melbourne. Năm 2007, Trung tâm Thơ Australia đã được thành lập ở Melbourne.
5. Reykjavík (Iceland-2011): The Sagas và The Poetic Edda là những thể loại hình văn học nghệ thuật lâu đời nhất ở Iceland và là những cột mốc của nền văn học thế giới. Hiện nay, bình quân sách dành cho mỗi đầu người ở Iceland cao bậc nhất thế giới. Nền văn học ở Reykjavík phát triển mạnh với các cây bút thuộc nhiều thể loại. Văn học Iceland ngày càng được phổ cập hóa bằng nhiều thứ tiếng khác. Reykjavík đang muốn thúc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động văn học và một trong những mục tiêu của họ là mở Trung tâm Văn học. Ngoài ra, Reykjavík còn muốn thúc đẩy hợp tác quốc tế cũng như kết nối mọi người trong thành phố nhờ văn chương. Thành phố này cũng đã đặt mục tiêu xây dựng Trung tâm Ngôn ngữ Thế giới tại Viện Ngôn ngữ nước ngoài Vigdís Finnbogadóttir.
Tiêu chí của Thành phố Văn học:
– Chất lượng, số lượng và sự đa dạng của ngành xuất bản trong thành phố.
– Chất lượng và số lượng của các chương trình giáo dục chú trọng đến nền văn học bản địa và nước ngoài tại các trường tiểu học, trung học.
– Văn học, kịch và thơ đóng vai trò quan trọng trong thành phố.
– Tổ chức các sự kiện văn học và liên hoan thúc đẩy văn học bản địa và nước ngoài.
– Số lượng thư viện, cửa hàng sách và các trung tâm văn hóa công cộng hoặc tư nhân, nơi bảo tồn, thúc đẩy và phổ biến văn học bản địa và nước ngoài.
– Tham gia tích cực vào việc quảng bá văn học và đẩy mạnh thị trường sách văn học.
Việt Lâm
Nguồn: Thể thao và Văn hoá.