Nhà thơ ĐỖ QUYÊN (Canada)

 

 

 

Điều 1:

Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên được 35 năm: theo cách tính truyền thống Việt, Sông Hương 36 tuổi – tuổi có ý nghĩa nhất, tuổi-bản-lề của đời người.

Nhiều cách giải thích. Giản dị và trực diện, bởi đó là nửa đời người. Với mốc thất thập là tuổi “xưa nay hiếm” thời xửa xưa, còn nay thì nhấm nhỉnh giữa tuổi thọ trung bình của nhân loại (71 tuổi, số liệu 2010-WHO) và tuổi thọ trung bình của người Việt Nam (73 tuổi; số liệu 2017). Tuổi 36 là gấp đôi lần tuổi xuân 18, v.v… Để các nhà văn hóa học, kinh dịch học và nhiều thứ học khác bình tán thì mã số 36 sẽ lên tít cung mây. Lịch sử cho thấy rất nhiều nhân vật nổi danh ở tuổi này.

Với riêng tôi, lần đầu đeo ấn tượng mạnh là năm 18 tuổi mụ, đang học lớp 10 – năm cuối trung học. Hôm đó, cô giáo môn Chính trị dạy đến phần Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; mục “Chủ tịch nước” có câu rằng, công dân phải từ 35 tuổi đổ lên mới được ứng cử vào chức vụ này.

 

Hơn 45 năm trôi qua khi lặng lờ lúc sôi động, biết bao nhiêu lời thày chữ sách, bao nhiêu phần mục, sự kiện, con người đã chảy qua tôi, để rồi trơn tuột đi nhiều. Rất nhiều… Thế nhưng cái nhớ về suy tư lúc nghe câu ấy đã là một trong những điều cứ dằng dai tôi. Rất nhớ mình ngẩn ra lúc nghe cô giáo giảng: cớ sao tuổi 35, tức 36 tuổi mụ, hệ trọng vậy? Thời đó sách báo tham khảo hiếm lắm; tía má nhà ông Gúc Gồ còn chưa sanh ra nữa là ổng để mà tra hỏi… Thì tôi, cậu học trò con nhà bình dân cũng chỉ nghĩ nhung nhăng vậy. Thi thoảng sực nhớ lại, liên hệ đến các nhân vật lừng danh xem lúc 36 tuổi họ đã là cái đinh gì chưa trên bức tường xã hội loài người, và tiện nhất là dò nhìn xem những người bình thường thân quen như chú thím, thầy cô mình đang ở độ tuổi có thể thành “Chủ tịch nước”…

 

Khoe một tí, suốt 11 năm học trò, tính cả vỡ lòng, kẻ hèn là tôi kể ra kể vô cũng vào loại “văn toán song toàn”; rồi sau học lên nữa, làm việc, đi đó đây tung tẩy đã chứng minh điều đó. Nhưng hận nhất (nên bị bố nhéo tai hơn một lần; úi đêm nay bố đừng kéo cẳng đứa con nói nhảm nha bố) là chưa hề – ít ra cũng như hai ông anh trên tôi – được dự thi học sinh giỏi hai môn trọng điểm là Toán và Văn ở cấp thành phố và toàn miền Bắc. Thời tôi Tổ quốc ta bị chia đôi lấy đâu ra toàn quốc mà thi hở Giời? Mà cũng chưa có kiểu thi quốc tế các môn Toán, Lý, Hóa thì phải? Cấp xã, huyện với lũ học sinh chúng tôi từ phố sơ tán về làng, chém gió phát, dễ như Quan Vũ lấy đầu Nhan Lương – Văn Xú. Mức tót vời cả đời học trò tôi vươn tới được là cấp thành phố, thế nhưng – chữ “nhưng” làm nên bài báo này – lại ở môn… Chính trị! Của đáng tội lấy trung bình ra cũng oách: thành phố đây là thủ đô Hà Nội cơ đấy.

Hôm đó, làm sao quên được, buổi thi ở phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, tại trụ sở Sở Giáo dục hay là một trường cấp II nào đó, chuyện nhỏ quên rồi. Tầng 3. Chính xác. Leo mãi mới tới. Vừa đi vừa nhai xôi vò thơm ấm mẹ mua. Tôi vào ngồi bàn cuối. Chính xác. Vì chả hứng thú lắm, vào muộn, ai tranh mất mà sợ. Ham đi vòng vòng, ngó ngắm đám anh tài kia: đứa tung tăng vô tư, đứa quan trọng hóa bước vào các phòng thi Toán, thi Văn. Thôi ứ kể lại nữa. Chán!

 

À riêng cái này kể mãi không chán: Trường tôi niên khóa đó với môn Toán hình như chỉ được hai bạn bên 10A (lớp này tự sướng là “chuyên Toán” của Trường); 10H chúng tôi là lớp đội sổ – thày cô hay nói nhỏ với nhau là “lớp vét” đầu thừa đuôi thẹo các lớp lại – làm sao có được ai thi giỏi Toán cấp thành phố (dẫu trong thừa thẹo có thằng tôi từng ấp ủ từ hồi cấp I lận). Môn Văn thì có bạn Dũng cũng bên 10A và lớp tôi ơn Phật dang tay vét vớt cho có bạn Thoa. Thế là trong các tuần phụ đạo học sinh giỏi nhiều “đặc quyền đặc lợi” hay diễn cảnh trước cái nhìn của cả lớp có đứa hếch mũi vác mặt lên cùng thầy cô của mình đến phòng bồi dưỡng.

 

Có buổi giờ ra chơi tôi – vô tình hay cố ý chắc chỉ Mít tơ Freud biết – đi xéo qua phòng Ban giám hiệu, thấy thầy Văn Tâm đang trầm bổng điệu nghệ khẽ đỡ gọng kính cận rồi tiện tay đưa mái tóc đã bồng bềnh thêm bềnh bồng, giảng giải cho dăm ba bạn đang trố mắt căng miệng mà nghe mà viết (trong đó có Thoa ngồi quay lưng ra cửa). Nhưng tôi lại không ức, vì sao? Vì dạo đó với chúng tôi và toàn xã hội, Toán là nhất: Toán, Toán nữa, Toán mãi. Dũng bô trai sau này vào đại học cùng khoa Vật lý với tôi: Quả là một tay thực sự văn toán song toàn; ối sau này bạn ấy còn phát tài ở lãnh vực thứ ba mần đến ghế Phó giám đốc thường trực Sở Du lịch! Còn Thoa cán sự Văn tươi xinh, năm ngoái trong Hội khóa 45 năm hội ngộ lúc vừa hết các màn thủ tục để giao lưu tự do, bạn ấy vụt kéo tôi lên sân khấu chụp ảnh, giữa con mắt của chục thầy cô trăm bè bạn hai đứa đứng sát sạt má như nhảy sang nhau: Thật là vinh dự tỏa hương từ một cựu học sinh gái giỏi Văn nửa thế kỷ trước cấp thành phố mà thành phố đó lại là thủ đô Hà Nội!

Không thầy đố Dũng đố Thoa, và càng đố Đỗ, làm nên: Thầy Văn Tâm, hẳn bạn đọc đã rành, nếu không rành đã không là bạn đọc yêu tạp chí văn học tầm cỡ như Sông Hương. Thưa vâng, còn nói giọng xự Huệ là dạ vâng, thầy Văn Tâm của chúng tôi là một nhà giáo, một nhà phê bình – biên khảo văn học xuất sắc của nền giáo dục và văn học Việt Nam hiện đại với nỗi đoạn trường chữ nghĩa của mình giữa thời cuộc. Hết phải xì xèo như 45 năm trước, mươi năm nay chúng tôi được nói cả miệng với nhau, “Thầy mình bị dính vào ‘Nhân văn Nhân veo’ í mà”. Em thưa Thầy ạ, nếu như được Sông Hương ưng, một đứa trong ngàn trò của Thầy là Đỗ em đây, xin sẽ có bài riêng về Thầy mà bản phác thảo từng được nuôi ngay khi đám con chữ của mình còn lơ ngơ lác ngác…

 

Mong bạn đọc chớ trách Đỗ tôi dông dài (rồi rủa: bắn hoài không trúng hồng tâm, tốn chữ; làm sao có thể thi giỏi Văn giỏi Toán; bị thi Chính trị là phải rồi!) Thì vỡn, đang dẫn dụ bạn đọc đến con số 35/36 của Sông Hương cơ mà. Cá là đọc hết, khối bạn (nhất là các bạn nữ) sẽ tiếc thay cho một Đỗ Quyên lẽ ra hắn phải được thi giỏi Văn toàn miền Bắc hồi tháng 3 hay tháng 4 chuyện nhỏ quên rồi năm 1972 mà đến cuối năm mùa Giáng Sinh thì Mỹ mang B52 đến rải thảm thủ đô Hà Nội của chúng tôi. Cái mốc không ai lứa tôi có thể quên!

 

À nữa, đâu phải lần đầu kẻ này bị chê dông dài. Chí ít hai văn hữu có số có má trong làng văn hôm nay từng tỏ lộ nỗi ngán tràn trề: nhà thơ – nhà phê bình Inrasara, và phó giáo sư – nhà phê bình Văn Giá. Giữa năm kia bạn Sara nói toẹt ở đầu một tham luận (mục đích lăng xê cuốn tiểu thuyết mới của tôi) rằng thì mà là cái tay tác giả này này viết cái chi chi cũng dai dài, hổng đọc nổi. Còn thầy Giá (tôi nghe người khác “tám” lại thôi, tội vạ “tám” chịu) nói thẳng mà điềm đạm với một vị biên tập viên (bật mí: của chính bổn báo), “Chớ nhé! Chớ đưa bài của ĐQ tôi coi trước là hết muốn viết nữa”. Khoe đến thế này không phải một mà hai tí rồi. Thôi đủ, mần răng con người ta có ba tí được!?

 

Dông dài tới đâu rồi ta? Thì cái buổi thi giỏi Chính trị cấp thành phố đó đó…. Đề thi gồm 2,3 phần, có cả về Hiến pháp. Thí sinh tôi nghĩ ngay đến con số tuổi của Chủ tịch nước để rồi lại vẩn vơ… Làm bài thi không thể tới chốn. (Giả như có tới, chữ lại cực xấu – rất không hợp với các chuyện đại sự tày đình dù là tày đình đại sự con nít – giám khảo nào nhòm ra cho! Tha đánh đòn như thời lều chõng là may!). Rồi, bỗng có lúc ngó cửa sổ sang phòng bên kia thi Toán, tôi nhận ra ngay cao thủ khét tiếng khắp miền Bắc ở trang lứa tôi. Đích thị là… nó! Khang cũng họ Đỗ. “Bố nó cũng là đồng nghiệp ngành Y như bố mình; thế mà nó được thi Toán, mình thì Chính trị”. (Chả là suốt các năm cao trào thi giải bài trên báo “Toán học và tuổi trẻ”, bố cứ lôi Khang ra làm tấm gương giăng trước anh em tôi, bất kể trong bữa ăn hay khi đi nghe Hoài Thanh bình thơ. Cơ khổ!). Cứ nghĩ thế, rồi quay về ngẫm cái tuổi 36… Vì sao 36? Có ẩn dụ mã số gì trong trỏng mà Hiến pháp vạch đỏ độ tuổi con đường quan lộ tột đỉnh của một đời người? Tôi nộp bài sau chót và hình như còn phải ký biên bản gì đó do nộp chậm, phần vì ngồi bàn dưới cùng; phần bởi khi còn đâu mươi nhăm phút thì mới chịu “vào cuộc”. Múa bút đến lúc thầy giám thị đến bên, chắc tưởng thằng cu thí sinh giỏi nầy đang “phác họa chánh sách đường lối” chi chi nên không nỡ hối giục.

 

Kết quả thi được báo về, dĩ nhiên Đỗ của các bạn nào có để tâm về giải cho môn Chính trị, còn bận xem thằng nào nhất Toán, trường nào nhiều giải hơn… Đúng là trẻ con! Thế mới chết con ạ! Văn hóa, như quan niệm nọ, là cái còn lại sau khi quên hết cái khác. Không biết quên, sẽ không biết nhớ. Cái cần nhớ. Bởi thế, với tôi vấn-đề-tuổi-36 vừa đã được giải quyết nhờ viết ra thế vầy trong ngày vui Sông Hương. Xong, e hèm… Tất cả các liên đới từ thời mài đũng quần ở tuổi “cập kê” trường lớp thầy bạn về vụ này xem như chấm dứt! Để nhớ mà vào một cuộc mới: Tạp chí Sông Hương kể từ tuổi này – “tuổi Chủ tịch nước”.

 

Điều 2 – 36:

Các “điều” từ 2 đến 36, khỏi cần khoe tí ti nào nữa bạn cũng thấy dù chưa là học sinh giỏi Văn cấp thành phố Đỗ tôi cũng dư chữ (hay dở là chuyện khác) chạy bài dài không kém Điều 1. Nhưng khi hỏi cụ tỷ dài bao nhiêu, Tổng biên tập Thanh Ngọc thư “chỉ đạo” dứt khoát mà tình cảm, “khoảng 2000 chữ anh nhé”. Vậy chỉ nên thảo ra vài hàng then chốt của một số trong 36 “điều” mà tôi tâm đắc.

– Được đọc báo “chùa” chừng 15 năm nay (qua bạn thơ Nguyễn Đức Tùng sống cùng thành phố hình như tháng tháng lại nhận “một cục Sông Hương” để phát cho bạn bè), tôi luôn ráng góp bài để vừa “cúng dường” vừa… được đăng  bài! Các cảm nhận dịp này chỉ về những số báo trong thời gian qua. Chứ ôm thêm Sông Hương thời Đổi mới rồi Hậu đổi mới thì ố là la…

 

Sông Hương là tạp chí văn nghệ địa phương duy nhất (trong 6-7 tạp chí tôi biết rồi từ đó ngoại suy) ở Việt Nam có tính quốc gia, tiêu biểu là mục Nghiên cứu – Bình luận với không ít bài đạt chuẩn quốc tế, ít nhất về thái độ tiếp cận vấn đề. Đa phần các bài trong mục này tiên phong về khuynh hướng với thành tựu sáng giá nhất là về thơ Tân hình thức Việt, và đứng đắn về tư tưởng.

 

– Mục yếu nhất, thiển nghĩ, so với các phần mục khác của Sông Hương, là Truyện ngắn. Mà phần này luôn ở các trang đầu. (Thế mới đau với tôi!) Các phần mạnh là tiểu luận – biên khảo (như nói trên), văn hóa (không chỉ về Huế), dịch thuật và mỹ thuật.

 

– Đây là một tạp chí văn nghệ có hình thức thẩm mỹ cao về toàn bộ cũng như chuyên mục bài, tranh mỹ thuật, nhiếp ảnh. Hình như hiếm thấy báo chí văn nghệ nào được “giới mỹ thuật nội bộ” chầm bập đến vậy; kể cả hai liền chị liền anh trung ương là tuần báo Văn Nghệ và tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi thậm tiếc cho khổ báo của Sông Hương, rất khó trình bày đẹp hơn ngay cả có các tranh, ảnh, mình họa ngon lành. Do sinh sau nên cái khổ báo tối ưu cho một tạp chí văn nghệ Việt đã bị liền anh Văn nghệ Quân đội “ẵm” rồi, còn đâu…

 

– Là người tuyệt đối nâng nựng thơ, dù số phận thơ có thăng trầm ra sao, tôi dĩ nhiên đọc thơ Sông Hương (thề có Nàng Thơ làm chứng!) không sót tác giả nào. Phải nói thiệt lòng qua lời Tố Như, “Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung”: bài dở và bài hay, hiếm ngang nhau.

 

– Cuối cùng, điểm son cuốn hút từ Sông Hương. Điều này khá tinh tế, tôi e viết ra chưa tới ngay cả khi được phép dông dài. Mời bạn đọc đi giữa hai, ba hàng chữ giùm… Cứ theo bài vở đủ thể loại từng đọc khi kỹ lúc lướt, tôi thấy nơi đây dường như không bài nào đến nỗi tệ. Tệ. Trong tiếng Việt, cái chữ này không dễ dùng sao cho đắc địa. Khi cô gái chỉ khẽ bật khỏi đôi môi ướt mọng ba chữ “Anh tệ lắm” rồi quay đi đưa ngón út lên đỡ nửa giọt lệ sắp rơi thì từ cao xanh ông Trời biết anh là ai rồi!

Tôi lại muốn dùng chữ khác xem có tới ý mình chăng. Mở tạp chí Sông Hương, vượt qua mọi chính kiến, khuynh hướng, thị hiếu… tôi gặp các bài báo tử tế.

 

Vancouver, xuân 2018 

Đỗ Quyên