Kim Nhung
Sáng 28/10, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu) diễn ra cuộc Hội thảo 30 năm giao lưu văn học Việt – Mỹ. Đây là sự kiện đánh dấu kỉ niệm 30 năm Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner (Mỹ) hình thành mối quan hệ hữu nghị và bền chặt.
Toàn cảnh hội thảo – Ảnh: Đại đoàn kết
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã bày tỏ: Cuộc chiến tranh Mỹ xâm lược Việt Nam là cuộc chiến tranh khốc liệt nhất mà dân tộc Việt Nam phải hứng chịu và để lại một hậu quả to lớn. Làm thế nào để hàn gắn vết thương từ đống gạch vỡ và phát triển? Đó là một câu hỏi lớn. Nhưng chúng ta đã vượt qua được giai đoạn đó. Sự dũng cảm, nghị lực của nhà văn, nhà thơ đã đi trước chính trị và ngoại giao. Con đường văn hóa là con đường ngắn nhất chúng ta đã chọn để đi đến hôm nay. Nhà thơ Hữu Thỉnh trích dẫn câu nói của nhà văn Nguyễn Quang Sáng mà ông tâm đắc khi nói về quan hệ Việt – Mỹ: Chúng ta đã trở thành kẻ thù trong một ngày nhưng sẽ làm bạn mãi mãi.
30 năm qua, Trung tâm William Joiner đã nỗ lực hành động giúp Việt Nam và Mỹ xích lại gần nhau hơn. Họ đã bắt đầu sự hàn gắn mà khi đó chính phủ Mỹ vẫn chưa biết đến. Những cựu binh Mỹ thực sự thể hiện mong muốn được làm bạn với Việt Nam bằng sự văn hóa chứ không phải chiến tranh. Họ muốn biết đến một Việt Nam với sự đoàn kết, tự tôn và chiều sâu của vẻ đẹp văn hóa lịch sử, sự cao cả nhân ái của con người. Sự hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner đã thúc đẩy và gắn kết hai dân tộc, dần xóa đi những vết thương và khoảng cách trong quá khứ. Thời gian qua, có gần một trăm nhà văn, nhà thơ Việt Nam đến với nước Mỹ bằng tình cảm hữu nghị ấy, phải kể đến những cái tên đã đi đầu và tiếp tục như Lê Lựu, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Lê Minh Khuê, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều…
Nhà thơ Kevin Bowen, cựu binh Mỹ, nguyên Giám đốc Trung tâm William Joiner, người đầu tiên trở lại Việt Nam sau chiến tranh đã xúc động chia sẻ: “Tôi vinh dự được đến đây và vì chúng ta đã làm bạn trong hơn 30 năm qua. Tôi còn nhớ những người đầu tiên và tất cả những người đã mang thông điệp đến cho đất nước chúng tôi. Đây là công việc đầy khó khăn nhưng xuất phát từ trái tim và tấm lòng chúng ta đã làm được. Và chúng ta còn một con đường dài phía trước. Tôi luôn nhớ về chuyến thăm của các bạn. Các bạn đã dạy chúng tôi về tình yêu, tình bạn và sự cao cả”.
Cũng trong hội thảo, các nhà thơ, nhà văn đến từ hai đất nước cùng nhau chia sẻ, trò chuyện thân tình và ấm áp. Nhà văn Chu Lai, một người lính từng trực tiếp cầm súng khẳng định: “Không ai sòng phẳng và thành thật như người lính”. Và đó là cách để họ trở lại, bắt tay nhau và trở thành bè bạn. Với ông, gặp lại người lính Mỹ như gặp lại kỷ niệm. Còn với nhà thơ, người lính Mỹ Bruce Weigl thì ký ức về chiến tranh Việt Nam chưa phai mờ, điều đó thể hiện trong tập thơ “Sau mưa thôi nã đạn” nhưng ông muốn kết bạn với một Việt Nam với những vẻ đẹp lộng lẫy và tiềm ẩn. Các nhà văn, nhà thơ đều thể hiện mong muốn hòa bình, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau. Đó là con đường họ đã và đang lựa chọn.
Cũng trong dịp này, nhà thơ Hữu Thỉnh trao kỷ niệm chương cho các nhà văn, nhà thơ đã không ngừng nỗ lực để đem lại mối quan hệ tốt đẹp của hai đất nước.
Văn nghệ Quân đội
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài