Cuốn sách vừa ra mắt của nhà văn Svetlana Alexievich.

Thời Thế chiến thứ hai, Liên Xô đã sử dụng một đạo quân gồm toàn các nữ xạ thủ bắn tỉa để gieo rắc cái chết cho quân địch. Những chiến tích do họ thực hiện đã khiến kẻ thù khiếp đảm và tự thêu dệt ra đủ loại huyền thoại về họ. Nhưng rất ít khi người ta được nghe những nữ chiến binh này kể lại cuộc chiến của mình, như người phụ nữ trong bài viết này.

Câu chuyện của nữ xạ thủ bắn tỉa Klavdia Grigoryevna Krokhina nằm trong cuốn sách mang tên “The Unwomanly Face of War: An Oral History of Women in World War II” (tạm dịch: “Gương mặt không nữ tính của chiến tranh: Lịch sử truyền miệng về những người phụ nữ trong Thế chiến thứ hai”) của nữ nhà văn đoạt giải Nobel Svetlana Alexievich. Sách ghi lời kể từ khoảng 500 cựu chiến binh trong Thế chiến thứ hai, qua đó tả lại cuộc chiến này chủ yếu dưới góc nhìn của phụ nữ.

Sách vừa ra mắt bản tiếng Anh hôm 25.7 vừa qua. Câu chuyện trong đó cho thấy Krokhina đã trở thành một anh hùng, khi tiêu diệt tổng cộng 75 lính phát xít Đức. Nhưng bà cũng phải trả cái giá không hề nhỏ cho chiến tích đó, khi trở về nhà sau cuộc chiến với tâm hồn đầy nỗi buồn và vết sẹo chiến tranh. Dưới đây là câu chuyện của bà:

“Lần đầu tiên đi làm nhiệm vụ thật đáng sợ… Rất đáng sợ.

Chúng tôi đang ẩn náu và tôi làm nhiệm vụ canh chừng. Đó là khi tôi phát hiện một người lính Đức nhô lên một chút từ chiến hào của đối phương. Tôi xiết cò và anh ta liền đổ sụp xuống. Ngay sau đó, tôi run rẩy không ngừng. Rồi tôi khóc. Khi tập bắn, tôi nã đạn vào các mục tiêu vô tri. Nhưng giờ, tôi đã giết người. Tôi giết một người đàn ông vô danh. Tôi chẳng biết gì về nạn nhân, nhưng vẫn ra tay giết chết anh ta.

Cảm giác đó mau chóng trôi qua. Chúng tôi trở lại cuộc tấn công. Một lần chúng tôi đi ngang qua một khu làng nhỏ, có lẽ là ở Ukraine. Nằm cạnh đường là một trại lính hay một ngôi nhà, tôi chẳng rõ vì nó đã bị đốt cháy trụi, chỉ còn lại phần móng. Nhiều cô gái không muốn tới gần cái nhà cháy, nhưng có gì đó thu hút nên tôi tiến lại… Rồi tôi nhận ra trong tro bụi của ngôi nhà có những mảnh xương người, lẫn với những ngôi sao nhỏ vẫn thường thấy trên quân phục Liên Xô, đã bị đốt cháy.

Đây hẳn phải là các thương binh hoặc binh lính Liên Xô bị bắt làm tù binh và bị thiêu cháy. Sau lần ấy, cho dù có giết thêm bao nhiêu lính Đức, tôi cũng không còn thấy thương xót cho các nạn nhân nữa. Lúc nào tôi cũng nhớ về những ngôi sao nhỏ đã cháy đen đó.

***
Có một lần, những người lính trinh sát của chúng tôi bắt được một sĩ quan Đức làm tù binh. Anh ta vô cùng kinh ngạc trước việc rất nhiều lính dưới quyền bị giết, tất cả gần như đều bị giết ở cùng một địa điểm. Anh ta tin rằng một tay súng bình thường không thể nào bắn trúng nhiều người như thế.

Anh ta đòi được gặp “người đàn ông” đã giết lính của mình. Nghe thấy vậy, chỉ huy trung đoàn trả lời: “Thật không may, tôi không thể cho anh gặp quân nhân này. Đó là một nữ xạ thủ bắn tỉa, nhưng cô ấy hy sinh rồi”. Đúng vậy, nữ xạ thủ đó là Sasha Shliakhova. Cô hy sinh trong một cuộc đấu bắn tỉa tay đôi. Thứ khiến cô bỏ mạng là một chiếc khăn quàng cổ màu đỏ. Cô ấy rất thích cái khăn đó. Nhưng nó lại khiến cô bị lộ vị trí trong điều kiện địa hình tuyết trắng bao phủ.

Khi tay sĩ quan Đức được cho biết rằng đó là một cô gái, anh ta đã rất sốc, không biết phải phản ứng thế nào. Anh ta im lặng trong một lúc lâu. Và trong cuộc thẩm vấn cuối cùng trước khi được chuyển tới Moskva, anh ta thú nhận: “Tôi chưa từng chiến đấu với phụ nữ. Phụ nữ của các anh đều rất xinh đẹp. Bộ máy tuyên truyền Đức vẫn nói rằng chúng tôi đang phải đấu với những sinh vật lưỡng tính, bởi không có phụ nữ trong hàng ngũ Hồng quân”.
***


Một đội nữ xạ thủ bắn tỉa của Hồng quân tập hợp trước khi ra trận vào năm 1943.

Chúng tôi thường ra trận theo cặp. Rất khó để ngồi một mình trong bụi rậm từ lúc mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn. Đôi mắt bạn sẽ trở nên mệt mỏi. Đôi tay bạn sẽ mất cảm giác. Cả thân hình bạn sẽ ê ẩm vì phải nằm một chỗ quá lâu. Tình hình càng trở nên khó khăn khi mùa Xuân tới. Tuyết sẽ chảy ra ở phía dưới và bạn phải nằm cả ngày trong điều kiện ướt nhẹp, lạnh cóng.

Chúng tôi thường sẽ bắt đầu ra đi khi trời lờ mờ sáng và trở lại khi trời tối. Trong 12 giờ hoặc hơn, chúng tôi sẽ nằm trong tuyết hoặc leo lên đỉnh một ngọn cây, mái một ngôi nhà đổ nát hay thứ gì đó tương tự. Ở những vị trí này, chúng tôi sẽ ngụy trang để kẻ thù không thể nhận ra chúng tôi đang quan sát chúng từ đâu. Chúng tôi sẽ tìm một vị trí gần kẻ thù nhất có thể, chỉ cách chừng 700 hoặc 800 mét, đôi khi chỉ cách có 500 mét. Vào buổi sáng sớm, chúng tôi thậm chí có thể nghe thấy tiếng kẻ thù nói. Nghe tiếng chúng cười. Tôi không biết vì sao hồi ấy chúng tôi không biết sợ. Tới giờ chúng tôi cũng không có đáp án.

Đơn vị của chúng tôi tiến quân rất nhanh, nhiều lúc vượt xa bộ phận hậu cần. Kết quả là chúng tôi rơi vào cảnh hết đạn dược, khẩu phần ăn, trong khi khu bếp của đơn vị thì bị pháo phá hủy. Trong ba ngày liền, chúng tôi chẳng có gì ăn ngoài vỏ bánh mỳ khô đét, cứng như đá.

Do bạn đồng hành hy sinh, tôi được điều ra trận cùng một cô gái mới – một tân binh non tơ, chưa nếm mùi lửa đạn. Đột nhiên chúng tôi thấy một con ngựa non đi lạc vào vùng chiến sự. Đó là một con ngựa rất đẹp, với cái đuôi khỏe mạnh đang ve vẩy. Con ngựa di chuyển chầm chậm, như thể chẳng có cuộc chiến nào đang diễn ra cả. Và đó là khi tôi nghe thấy tiếng những người lính Đức đang bàn tán xôn xao, vì nhìn thấy con ngựa. Binh lính của chúng tôi cũng làm điều tương tự.

“Con ngựa sắp chạy mất rồi kìa. Ta có thể nấu được một nồi súp ngon với nó”.

“Không thể dùng súng máy mà bắn nó từ cự ly xa như thế. Bọn Đức sẽ thấy chúng ta mất”.

“Các xạ thủ bắn tỉa đang tới kìa. Họ sẽ hạ được nó ngay. Coi nào, các cô gái!”.

Tôi chẳng có thời gian để suy nghĩ quá nhiều. Như một thói quen, tôi giương súng lên ngắm bắn. Con ngựa đổ vật sang một bên. Chẳng biết tôi có tưởng tượng hay không, nhưng hình như trước lúc trút hơi thở cuối cùng, con ngựa còn cố hí lên khe khẽ.

Chỉ tới khi đó, tôi mới bừng tỉnh: Tại sao mình lại làm điều đó? Con ngựa quá đẹp và tôi đã ra tay giết nó, chỉ để có thứ gì cho vào nồi súp! Rồi tôi nghe tiếng khóc ở sau lưng, từ cô gái tân binh.

“Có chuyện gì thế?” – tôi hỏi.

“Tôi thấy thương con ngựa” – cô trả lời, đôi mắt nhòa lệ.

“Ồ, cô thật nhạy cảm quá! Nhưng chúng ta đã đói ăn trong suốt 3 ngày qua. Cô thấy thương con ngựa, chỉ vì chưa có cơ hội được tự tay chôn cất ai cả. Hãy thử hành quân cùng tất cả quân trang, vũ khí 20 dặm một ngày, trong cảnh đói lả xem sao. Trước tiên hãy đánh đuổi bọn Đức ra khỏi bờ cõi. Sau đó hãy nói tới chuyện xúc động”.
Rồi tôi quay sang nhìn những người lính khác, lúc này đang tung hô tôi. Mới chỉ cách đó một vài phút, chẳng có ai chú ý tới, như thể tôi không tồn tại. Họ coi tôi như thể một đồ tể máu lạnh, chẳng suy nghĩ gì khi giết kẻ khác từ xa. Có phải tôi là người như thế? Thực tế thì từ bé tôi đã luôn yêu các loài động vật. Gia đình tôi từng có một con bò và do mắc bệnh, nó bị giết. Lần ấy, tôi đã khóc suốt 2 ngày. Không thể bình tĩnh trở lại. Nhưng ở đây tôi lại bình thản giết một con ngựa non không có khả năng tự vệ.

Buổi tối hôm đó, anh nuôi nấu món súp thịt ngựa. Họ mang một nồi súp tới chỗ của các nữ xạ thủ, nhưng chẳng cô gái nào chạm vào. Tôi hiểu điều đó có nghĩa là gì nên bật khóc và bỏ chạy… Chính các cô gái trong đội bắn tỉa đã đuổi theo, an ủi tôi. Và rồi sau đó, tất cả chúng tôi trở lại chia sẻ nồi thịt ngựa.

Đêm xuống, chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện. Về gia đình, về những người mẹ, người anh, người cha đang ở mặt trận. Về việc chúng tôi sẽ làm sau chiến tranh, rằng chúng tôi sẽ kết hôn ra sao và những người chồng có yêu mình không. Sĩ quan chỉ huy của chúng tôi cười to trước ý tưởng này: “Coi nào các cô. Các cô rất giỏi, nhưng sau chiến tranh, đàn ông sẽ chẳng dám lấy các cô. Tất cả các cô đều ngắm bắn rất giỏi và chỉ cần phi đĩa là đã đủ để khiến họ rồi đời”. Đó chỉ là một câu nói bông đùa, nhưng phần nào có chút cay đắng nghiệt ngã trong đó.

***


Các nữ xạ thủ tại mặt trận Kalinin vào năm 1943.

Tôi còn có thể kể được gì nữa nhỉ? Sau khi xuất ngũ, tôi quyết định trở về Moskva. Và để đến được thành phố, tôi phải đi nhờ xe, trước khi đi bộ dài dặm. Giờ thì có tàu điện ngầm và đủ loại phương tiện giao thông tiện lợi, nhưng khi đó đi lại rất khó khăn. Có một khe núi rất lớn và tôi phải băng qua nó trong điều kiện trời tối đen, một mình. Dĩ nhiên tôi rất sợ. Nghe thật kỳ lạ phải không, tôi đã đi qua cuộc chiến, chứng kiến đủ loại cái chết – tôi vẫn còn nhớ mùi của xác chết pha lẫn mùi thuốc lá rẻ tiền khi nằm trong các chiến hào – nhưng nay lại thấy sợ hãi vì không gian tĩnh mịch ở khe núi đó.

Nhưng khi ấy tôi vẫn còn là một cô gái trẻ, tâm hồn vẫn còn giữ được chút trong trẻo của lứa tuổi. Tôi nhớ có lần cùng đồng đội đi tàu để về nhà, một con chuột đã nhảy ra khỏi balô của một người lính và chạy về phía chúng tôi. Tất cả các cô gái đều nhảy dựng lên, la hét inh ỏi. Có một viên đại úy đi cùng chuyến đó và anh đã rất ngạc nhiên trước phản ứng này: “Các cô đều là quân nhân đã được khen thưởng vì có nhiều chiến công, nhưng lại đi sợ một con chuột à”.

Tôi về đến nhà với mái tóc bạc trắng. Tôi mới chỉ 21 tuổi, nhưng đầu tôi chẳng còn sợi tóc đen nào cả. Tôi bị trúng đạn pháo nổ gần nên suy giảm thính lực một bên tai, nhưng may mắn không ảnh hưởng tới ngoại hình. Khi gặp tôi, mẹ chỉ nói câu này: “Mẹ tin con sẽ trở lại. Mẹ đã cầu nguyện cho con suốt cả ngày lẫn đêm”. Anh trai không được may mắn như tôi, đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường.

Ở vùng Chelyabinsk, nơi tôi sinh ra, họ tiến hành công việc khai mỏ tại khu vực nằm không xa nhà tôi. Ngay khi các tiếng nổ xuất hiện – thường thì họ luôn cho nổ mìn vào đêm vì lý do nào đó – tôi lập tức nhảy khỏi giường, vớ lấy cái áo khoác và cắm cổ chạy. Tôi muốn chạy đi đâu đó thật nhanh. Mẹ thường đuổi theo, ôm lấy tôi và an ủi: “Tỉnh dậy, tỉnh dậy đi con. Chiến tranh kết thúc rồi. Con đã về nhà”. Lời nói của mẹ khiến tôi dần tỉnh táo hơn. Và tôi cũng nhận ra rằng mẹ đang nói rất khẽ. Vì nếu mẹ lớn tiếng, tôi sẽ lại rơi vào trạng thái sợ hãi khủng khiếp.

Tôi gặp chồng mình trong cuộc chiến. Chúng tôi ở cùng trung đoàn. Anh ấy trúng đạn bị thương 2 lần, bị pháo dập một lần. Anh ấy đi qua cuộc chiến và tiếp tục phục vụ tại quân ngũ cho tới lúc về hưu. Tôi chẳng cần phải giải thích cho anh ấy biết chiến tranh là gì? Tôi đã từng làm những gì? Mỗi lần tôi cao giọng, anh thường chẳng bận tâm hoặc giữ bình tĩnh tuyệt đối. Và tôi đã học được tinh thần tha thứ của anh ấy.

Trở về nhà, tôi phải học lại mọi thứ từ đầu. Tôi phải học cách buộc dây giày, bởi đã có 3 năm ở chiến trường mà không bỏ giày ra khỏi chân. Chúng tôi quen với việc dùng tắt lưng để buộc túm quần áo rộng thùng thình vào cơ thể nên đã vô cùng lúng túng khi mặc váy. Ngoài mặt trận, chẳng ai mặc váy cả, chỉ mặc quần. Chúng tôi thường giặt quần vào ban đêm và ngủ luôn với quần ướt. Đúng thế, những cái quần không thực sự khô hẳn và giá lạnh thường khiến chúng khô cứng.

Có lần tôi tới tiệm bánh, lấy thật nhiều bánh mỳ mang về rồi quên không trả tiền. Cô gái thu ngân biết tôi, cũng như việc tôi là một anh hùng, nên quá ngại không dám nhắc nhở. Về nhà tôi mới nhớ ra và thật xấu hổ. Ngày hôm sau tôi tới tiệm bánh thật sớm để mua thêm một số thứ nữa và trả tiền cho tất cả những gì đã lấy. Đấy, tôi đã phải học lại mọi thứ như thế. Học cách sống như một người bình thường.

Cách nay 8 năm, chúng tôi tìm thấy một thành viên của đội bắn tỉa là Mashenka Alkhimova. Trong chiến tranh, chỉ huy của đơn vị pháo bị thương và cô ấy bò tới để cứu ông. Một quả đạn pháo đã nổ ngay phía trước cô, giết chết viên chỉ huy và mảnh đạn bắn ra tiện đứt luôn đôi chân của cô ấy. Chúng tôi đã rất vất vả đưa Mashenka tới trạm xá tiền phương và dọc đường cô ấy liên tục nài nỉ: “Các chị ơi… Bắn chết em đi. Em không muốn sống trong tình trạng như thế này”.

Chúng tôi mặc kệ và vẫn đưa cô ấy tới bệnh xá. Sau đó thì chúng tôi mất liên lạc với cô ấy. Phải mất 30 năm sau, chúng tôi mới tìm lại được cô ấy, lúc này đang sống trong một khu vực chăm sóc cựu chiến binh ở vùng Altai. Trong suốt ngần ấy năm, cô ấy đã di chuyển từ nơi này sang nơi khác, trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật khác nhau. Nhưng cô ấy xấu hổ vì tình trạng tàn phế, không muốn cho mẹ đẻ biết mình vẫn còn sống.

Khi gặp nhau, chúng tôi khóc như mưa. Rồi chúng tôi đã giúp cô ấy đoàn tụ với mẹ sau 30 năm. Mẹ cô ấy vui tới phát điên và tới lúc này Mashenka mới nói: “Giờ tôi không còn sợ gặp người khác nữa, đơn giản vì tôi đã già rồi”.
Nhiều khi tôi băn khoăn tự hỏi rằng cuộc chiến mình từng trải qua đã kéo dài bao lâu? 4 năm à? Tôi chỉ nhớ nó rất dài. Mấy năm chiến tranh tôi đã chẳng còn nhớ những con chim hay bông hoa trông như thế nào. Người ta có thể làm phim màu về chiến tranh ư? Với tôi, mọi thứ trong đó đều mang một màu đen. Chỉ có một thứ mang màu khác: Màu đỏ của máu.

Tôi vẫn nhớ những đêm nằm trong hầm cá nhân. Tôi không thể ngủ, bởi pháo bắn ầm ầm khắp nơi. Tôi thực sự không muốn chết. Tôi đã tuyên thệ, đã đọc lời thề của quân nhân, rằng sẽ cống hiến đời mình cho cuộc chiến, nhưng sâu thẳm trong thâm tâm, tôi không muốn bị tước đi mạng sống. Tôi may mắn sống sót trở về, nhưng tâm hồn tôi không còn như xưa nữa. Nó đã vĩnh viễn bị tổn thương.

Đôi khi tôi ước rằng mình đã bị mất đi một chân hay một tay trong cuộc chiến đó. Như thế, tôi sẽ chỉ phải chịu nỗi đau của thể xác, không phải tinh thần. Bởi sự đau đớn về tinh thần thật vô cùng khủng khiếp”.

Hương Giang
Lao động cuối tuần

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài

Exit mobile version