‘Hội nhà văn Hà Nội sẽ đoàn kết, tôn trọng sự khác biệt’ – đó là khẳng định của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ với báo chí sau khi đắc cử Chủ tịch hội nhà văn Hà Nội khoá 2015-2020.
(Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ – Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Hội nhà văn Hà Nội sẽ hoạt động theo hướng đoàn kết nhưng tôn trọng sự khác biệt.
Có thể sự khác biệt sẽ vừa ý người này, không vừa ý một số người kia nhưng đã là sự khác biệt thì phải tôn trọng.
Chúng tôi tôn trọng sự khác biệt nhưng còn việc có tác phẩm đỉnh cao hay không thì phụ thuộc vào chính mỗi tác giả. Hội nhà văn không thể làm thay tác giả điều đó được.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ
Trưa 9-8, kết thúc Đại hội hội nhà văn Hà Nội, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã dành cho báo chí cuộc trả lời cởi mở về những dự định sắp tới của chị trên cương vị Chủ tịch hội nhà văn Hà Nội.
Một trong những ưu tiên của hội nhà văn Hà Nội sắp tới là sẽ phát hiện những cây bút trẻ có triển vọng, tài năng để mời vào hội đồng thời đoàn kết hội viên nhưng tôn trọng sự khác biệt.
* Chị có bất ngờ không, khi ban đầu chị không có tên trong danh sách bầu cử, nhưng chị lại là người trúng cử ban chấp hành hội nhà văn Hà Nội khoá mới với số phiếu cao nhất và được bầu làm Chủ tịch với 100% số phiếu của ban chấp hành?
– Trước Đại hội toàn thể này thì hội nhà văn Hà Nội đã tổ chức hai đại hội cơ sở, bầu được hơn 30 ứng cử viên vào danh sách bầu cử, trong đó có tôi.
Tuy nhiên sau đó, ban chuẩn bị Đại hội vì nhiều lý do, đã rút lại danh sách này.
Vì vậy trong danh sách bầu cử của Ban chấp hành không có một số người của Đại hội cơ sở bầu và cũng không có tên tôi.
Nhưng tại phiên Đại hội toàn thể hôm qua, khi gộp lại (danh sách của Đại hội và Ban chấp hành cũ) để đưa ra 22 người trong danh sách bầu cử thì tôi có tên.
Khi đắc cử Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, bên cạnh cảm xúc thì tôi luôn cảm thấy phải có trách nhiệm.
Tôi rất cảm ơn các hội viên đã tin tưởng bầu chọn tôi. Khi nhiều người đặt niềm tin thì trách nhiệm càng lớn lên và lập tức trong đầu phải nghĩ đến các đầu việc để cùng Ban chấp hành mới triển khai.
Trong Ban chấp hành khoá này có 8 người đều khá đủ các thành phần, vừa có nữ, nam. Tuy nhiên hơi tiếc là thiếu người ở lĩnh vực lý luận phê bình, nếu sau này có thể bổ sung được thì sẽ tốt hơn.
Ban chấp hành khoá mới sẽ phát huy vai trò dân chủ cao nhất, đặc biệt phải tôn trọng sự khác biệt. Với nhà văn nói riêng và văn nghệ sĩ nói chung thì sự khác biệt là làm nên tác phẩm lớn.
* Để ra mắt Ban chấp hành khoá mới hôm nay là kết quả của việc tranh cãi nảy lửa trong phiên đầu tiên của Đại hội.
Nhà thơ Vũ Quần Phương bình luận rằng, việc tranh cãi này đã phần nào làm mất đi tình bạn của các hội viên. Chị nghĩ gì về điều này?
– Ban chấp hành khoá trước có quá ít người, hơn nữa lại đều là đàn ông, lo việc lớn nên những việc nhỏ có thể không hết.
Ban chấp hành khoá trước lo được cho Đại hội như thế này đã là thành công. Còn tất cả các cuộc bầu bán bao giờ cũng có ý kiến này, ý kiến khác.
Nếu để danh sách bầu cử là 33 người thì sẽ “loạn”, nhưng khi rút lại thì khiến cho hội viên không thoải mái, dễ phản ứng.
Cùng với đó, có lẽ thời gian gần 7 năm chưa Đại hội, vừa rồi lại nhiều lình xình nên dễ khiến cho mọi người khi đến Đại hội mang tâm trạng không thể vui phơi phới.
Tôi đã dự nhiều Đại hội nhà văn, điện ảnh và tôi coi đây là Đại hội thành công.
* Có những ý kiến cho rằng hội nhà văn Hà Nội giờ chỉ như nơi sinh hoạt của các cụ tổ hưu, không thu hút được những cây bút trẻ tài năng.
Guồng quay của hội đã quá lạc hậu, không còn bắt nhịp được với đời sống văn học đương đại.
Thời gian sắp tới, chị có phương hướng cụ thể nào để hội nhà văn Hà Nội không bị “văng ra khỏi đời sống đương đại”?
– Cá nhân tôi nghĩ hội nhà văn Hà Nội cũng có người trẻ nhưng còn ít. Vì vậy, hội sẽ mời những người trẻ tham gia hội.
Hội có những hội đồng, các hội đồng phải có trách nhiệm tìm để biết trong mảng thơ, văn, lý luận phê bình có những cây bút nào đang nổi trong đời sống mà chưa vào hội thì phải đến mời họ vào.
Những cây viết trẻ có cách nhìn nhận, cách đi cách tiếp cận sáng tác khác với thế hệ những nhà văn cao tuổi. Họ không phải cứ sáng tác theo cách truyền thống…
Họ là những người đến gần với xã hội và công chúng.
Chúng tôi phải có trách nhiệm mời họ đến chứ không ngồi đợi họ. Không thể yêu cầu nhà văn trẻ phải viết đơn xin giới thiệu, phải có cơ quan này, cơ quan khác xác nhận… thì họ sẽ không đến với hội.
Với các nhà văn lớn tuổi vẫn còn sáng tác, tôi sẽ mời các nhà văn gửi đề cương tác phẩm và chúng tôi sẽ giúp đỡ họ đi các trại sáng tác để hoàn thiện.
Nếu nhà văn nào đã viết rồi, nhưng viết tay thì chúng tôi sẽ đánh máy lại tác phẩm cho các bác.
Vì tôi đang là giám đốc trung tâm bản quyền tác phẩm văn học của Hội nhà văn VN, khi đánh máy tôi sẽ kết hợp đăng ký bản quyền cho các bác.
Sau đó chúng tôi sẽ làm việc với các nhà xuất bản để tìm cách xuất bản sách cho các bác.
Sách văn học đang không thu hút các nhà xuất bản vì lợi nhuận doanh thu ít. Nếu không có sự kết nối giữa các nhà xuất bản với tác giả thì rất khó ra được sách.
Vũ Viết Tuân ghi
Nguồn: Tuổi trẻ
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài