Tống Ngọc Hân- nữ nhà văn miền núi với những tác phẩm được đồng nghiệp cùng bạn đọc chú ý bởi cách thể hiện khá mới mẻ, chia sẻ với độc giả về cuộc sống và công việc viết lách của mình.


Vài năm trở lại đây, văn đàn Việt Nam chứng kiến sự trình hiện và “phủ sóng” khá ấn tượng của Tống Ngọc Hân. Thiết nghĩ, đối với chủ thể nào cũng thế, đối với chủ thể viết lại càng vậy, “lực” không phải bao giờ cũng “tòng tâm”. Chị đã bước đầu giải thành công bài toán “lực” và “tâm” như thế nào, để có thể liên tục viết, liên tục đăng đàn, liên tục ra sách, liên tục dự giải và “rinh” giải như thế?

+ Nếu xem “tâm” và “lực” là một bài toán mà người viết văn cần giải, thì với tôi, nó là một bài toán đố. Bài toán này có rất nhiều cách giải mà không ai có thể giảng cho ai, hay “gà bài” cho ai. Nhiều khi, mối quan tâm của độc giả và người viết không trùng nhau. Đối với những tác giả nổi tiếng, độc giả tìm họ để đọc, đón đợi sách của họ để đọc. Còn đối với những người bắt đầu cầm bút thì sẽ là hành trình ngược lại – hành trình tác giả đi tìm độc giả. Tôi đã lặng lẽ đi tìm sự đồng cảm của người đọc bằng những trăn trở, rằng bây giờ họ thích đọc gì, họ quan tâm đến vấn đề gì trong cuộc sống, trong văn chương… Khi đã được người đọc biết đến và ủng hộ là lúc tôi mạnh dạn viết ra những gì mình quan tâm nhất, thấu hiểu nhất. Nhiều người cho rằng truyện của tôi xuất hiện dày là do tôi có mối quan hệ tốt với các tạp chí, các báo, mà họ quên mất cốt lõi của vấn đề là nằm ở tác phẩm. Người thợ nói chuyện bằng tay nghề. Người kinh doanh nói chuyện bằng đồng vốn. Còn người viết văn thì phải nói chuyện bằng tác phẩm hoàn chỉnh. Người ta không quan tâm anh đang viết gì, thực hiện kế hoạch gì, mà chỉ cần nhìn thấy tác phẩm của anh. Những trường hợp “lực bất tòng tâm” trong văn chương, theo tôi, hoặc là do thiếu nhạy bén trong cái nhìn về phía độc giả, hoặc là do thiếu khả năng và kĩ năng lôi cuốn độc giả. Với tôi, mỗi tác phẩm là một lần sáng tạo. Mỗi tác phẩm là một phần đời tôi đã sống. Mỗi tác phẩm là một bức thư chân thành mang thông điệp rõ ràng của cá nhân tôi (hoặc của người mà tôi hóa thân, nhập vai) gửi đến cộng đồng để tìm kiếm sự chia sẻ, đồng cảm.

– Cái “cường lực” và “trường lực” viết ở chị như tôi thấy, xét ở khía cạnh vốn sống, vốn văn chương, chắc hẳn phải được tích nén, dồn tụ bởi cả một quá trình dài?

+ Nhiều người cứ tưởng tôi bén duyên với truyện ngắn là từ cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013-2014. Thực ra, trước đó tôi đã in ba tập truyện ngắn ở Nhà xuất bản Phụ nữ và Nhà xuất bản Hà Nội. Hồi ấy tôi viết khá bản năng. Viết tay lên giấy, thích là viết, rảnh là viết, như người đàn bà Mông buông cuốc, buông cày là vớ lấy cuộn lanh hoặc chiếc kim để thêu thùa may vá vậy. Và hồi ấy, tôi ít gửi truyện của mình đến các tòa soạn báo, tạp chí, trừ báo và tạp chí ở Lào Cai. Cái mà bạn gọi là “cường lực”, “trường lực” ấy, chính là sức chịu đựng của tôi trong cuộc sống cá nhân vốn lắm gian truân, nhiều thử thách. Chịu đựng để tồn tại, để vượt qua và để vươn lên. Chính sự trải nghiệm bất đắc dĩ ấy đã cho tôi nguồn vốn văn vô giá. Tôi thuộc tuýp người không dễ gì rũ bỏ đam mê, nhất là đam mê được kiến giải phận người và phận mình bằng văn chương. Chừng nào còn “lực” thì tôi còn viết…

– Cái “nguồn chưa ai khơi” đáng kể nhất mà chị nỗ lực “đào sâu, tìm tòi” khi dấn thân vào đề tài dân tộc miền núi là gì?

+ Đề tài dân tộc miền núi là một đề tài khá hấp dẫn đối với những người mới viết văn và cả những cây bút đã thành danh. Để có thể thoát khỏi cái bóng của các bậc tiền bối đã đóng đinh tên tuổi vào mảng đề tài này, không còn con đường nào khác ngoài con đường mình tự mở. Chuyện để kể, để viết có thể chỉ chừng ấy. Phong tục, tập quán có thể chỉ chừng ấy, thậm chí ít đi. Thiên nhiên vạn vật, làng bản, dòng sông, con suối, ngọn núi cũng chỉ có chừng ấy. Nhưng con người thì đã khác. Tâm thế sống của con người vùng cao ngày nay đã khác so với trong văn của các nhà văn Tô Hoài, Ma Văn Kháng. Con đường tôi tự mở chính là con đường đi vào tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của con người vùng cao ngày nay. Muốn trò truyện với họ, hiểu họ, thì phải đến gần họ, quan tâm đến họ. Dễ đấy, mà cũng khó vô cùng đối với những ai không ở vùng cao. Văn hóa vùng cao giống như những vỉa tầng tài nguyên. Phần nổi người ta nhòm ngó nhiều rồi, bàn tán nhiều rồi, tôi không muốn chen chân nữa. Đành phải vất vả hơn với cái phần chìm sâu mà nhiều người hoặc ái ngại hoặc không có điều kiện để khám phá. Lào Cai nơi tôi sống, có tới hai mươi lăm dân tộc thiểu số. Ước vọng đưa tất cả bản sắc văn hóa của tất cả các dân tộc anh em đó lên trang văn là bất khả hiện thực hóa, nhưng cũng chính sự bất khả này lại là hấp lực khiến tôi không ngừng hăm hở dấn thân…

– Trong một bài viết đã công bố của tôi có đoạn: “Có một nghịch lí khá thú vị là những người viết văn trẻ đang cầm bút trong thời đại được gọi là thời của fast-food (thức ăn nhanh), cái đọc, cái viết theo đó cũng hướng đến tiêu chí nhanh và tiện, nhưng hiện tại, nhiều cây bút truyện ngắn đã thành danh thì rẽ sang hướng tiểu thuyết, nhiều cây bút truyện ngắn mới nổi lên cũng nhanh chóng bập vào tiểu thuyết, nhiều tác giả rất trẻ chọn trình làng những tác phẩm đầu tay cũng là tiểu thuyết”. Là một trong những “cây bút truyện ngắn mới nổi lên nhanh chóng bập vào tiểu thuyết”, chị bình luận, kiến giải như thế nào về hiện tượng nói trên?

+ Hiện tượng bạn nói đến, chính tôi cũng đang tìm cách kiến giải. Dù say mê truyện ngắn, nhưng không thể phủ nhận một điều, rằng tôi luôn ngấm ngầm nuôi tham vọng viết tiểu thuyết. Điều gì ở tiểu thuyết cuốn hút tôi và những bạn trẻ đến thế? Có khi nào, câu trả lời là, người ta, đôi khi tự tìm đến những bài toán khó để giải trước, trong khi còn chưa giải xong những bài toán đơn giản? Khi người ta đang có sức trẻ, có nhiệt huyết, thì tại sao lại không thử thách mình chứ? Nếu coi văn chương là những món ăn, thì bản thân cái sự ăn ấy cũng khác nhau. Có món ăn nhanh, ăn vội cho nóng, để nguội mất ngon, có món ăn nếm dặt dè, có món đủng đỉnh, thong dong mà nhấm nháp. Và có món khiến người ta nhận ra giá trị đích thực của sự thưởng thức, chứ không đơn giản chỉ là “đưa thức ăn vào miệng, nhai và nuốt” như cách định nghĩa “ăn” của từ điển. Vì thế, dù trong thời đại của fast food, vẫn có những người say mê chế biến những món ăn cầu kì, tốn kém thời gian và công sức để cho mình và người khác thưởng thức. Hiện tại, tôi chuẩn bị xuất bản một cuốn truyện thiếu nhi với độ dài tương đương một cuốn sách cho người lớn. Vẫn biết, ngày nay, việc học hành lấy gần hết thời gian vui chơi, giải trí của con trẻ, vậy mà tôi vẫn tin, rằng bọn trẻ con sẽ thích đọc cuốn sách của tôi. Chỉ cần tin như vậy là tôi làm. Các bạn viết khác cũng vậy thôi, có niềm tin là họ làm và sẽ làm được. Tuy nhiên cũng cần mở ngoặc ở đây, rằng trong văn chương, nhiều khi một bài thơ tứ tuyệt đáng giá hơn cả chục cuốn trường ca, nhiều khi một truyện ngắn đáng giá hơn cả chục cuốn tiểu thuyết.

– Trong tương lai, chị nghĩ, mình sẽ trung thành phát huy đặc trội, văn hiệu của mình, hay sẽ đa diện hóa mình?

+ Tôi mãi mãi chỉ muốn mình là người kể chuyện. Kể cho tất cả mọi lứa tuổi nghe. Tôi luôn nỗ lực để, dù là truyện ngắn hay tiểu thuyết, nhắc tới tên tôi là người ta nhớ tới giọng điệu và hình dung ngay ra một miền đề tài tôi quyến luyến không rời suốt cả chục năm qua, ấy là trung du và miền núi phía Bắc.

– Là một người vừa kinh doanh, vừa viết văn, “giá trị thặng dư” từ công việc kinh doanh để chị có thể cho “sinh lãi” trong công việc viết văn của mình là gì?

+ Kinh doanh dễ hơn viết văn là ở chỗ, nếu thiếu vốn thì có thể vay mượn ngân hàng, người thân, bạn bè. Còn viết văn thì vốn phải hoàn toàn là của mình. Mà vốn văn thì lấy đâu ra? Có phải ai cũng có điều kiện trải nghiệm để mà viết đâu. Vì thế mà cần phải tìm tòi huy động thêm từ việc đọc, nghiên cứu, và tưởng tượng. Lợi nhuận từ kinh doanh vừa là tiền bạc, vừa là nguồn vốn văn dồi dào. Trong các mối quan hệ, gọi nôm na là “làm ăn”, với chất xúc tác là đồng tiền, bản chất, tính cách của con người bộc lộ rõ ràng nhất, mạnh mẽ nhất. Mọi mâu thuẫn xã hội cũng hiện ra rõ nhất. Rất nhiều nhân vật truyện ngắn hay tiểu thuyết của tôi có nguyên mẫu từ đời sống kinh doanh của bản thân. Và nữa, nếu bạn kinh doanh, thì khi viết văn, dường như không có áp lực về mặt nhuận bút. Do vậy, bạn có thể loại ra những đơn đặt hàng viết về những vấn đề mà bạn không hứng thú hoặc bạn ít quan tâm. “Cơm áo không đùa với khách thơ” là ở chỗ ấy. Bởi khi chuyện “cơm áo” đã có bàn tay kinh doanh lo rồi thì cái tay cầm bút sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, tung tẩy hơn. Chưa kể, một cái đầu kinh doanh sẽ luôn đủ tỉnh táo để mách bảo con tim nhà văn của bạn biết dừng lại trước những lằn ranh mỏng manh nhất, những khu vực “giới nghiêm” không có biển báo.

Từ lâu tôi đã lấy làm thú vị với cụm từ “lãng mạn trong kinh doanh” mà mình gặp ở những đâu đó. Là một người văn chương, chị đã lãng mạn trong kinh doanh theo cách của mình như thế nào?

+ Khác với một số người viết văn rồi mới tìm đến kinh doanh, tôi kinh doanh rồi mới viết văn. Nói đến kinh doanh là nói đến chuyện lợi nhuận, chuyện lỗ lãi, mà người kinh doanh phải là người có óc thực tế. Kinh doanh để làm giàu, để đổi đời khác với kinh doanh để đảm bảo cuộc sống. Nhưng dù là thể loại kinh doanh nào thì người kinh doanh cũng đối mặt với rất nhiều áp lực. Với khuynh hướng làm giảm thiểu tính chất khốc liệt của thương trường, nhiều người rất muốn “mềm mại” hóa hoạt động kinh doanh bằng những chiến lược tác động vào tâm lí khách hàng. Bạn có muốn họ là khách hàng lâu dài của bạn không? Bạn có muốn cả gia đình họ, người thân của họ, bạn bè của họ là khách hàng của bạn không? Nếu muốn, thì thực sự bạn nên biết lãng mạn trong kinh doanh. Trời cho người viết văn những linh cảm rất hữu ích khi tiếp xúc với người đối diện. Chỉ qua ít phút giao dịch, bạn có thể sơ đoán tính cách, cũng như tiềm năng tài chính của đối tượng. Và qua đó, việc tư vấn sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn. Chưa kể, một nụ cười đúng lúc, một câu chia sẻ đúng lúc, một cử chỉ thân thiện đúng lúc, một hành động giúp đỡ nho nhỏ khi người ta cần… tất cả đều có thể biến người qua đường thành khách hàng thân thiết của bạn (không lúc này thì lúc khác). Cũng có thể gọi là “nghệ thuật kinh doanh” vậy. Tôi nhớ mãi câu chuyện hồi xưa bán tranh thổ cẩm. Một vị khách sau khi chọn ra tám bức tranh đẹp nhất, gấp vào để trong túi, rồi thanh toán tiền. Khi ra đến cửa, vị khách bỗng hỏi: “Tôi giặt nó thế nào?”. Chỉ có vài giây để bản chất “con buôn” đấu tranh với nhân cách người cầm bút. Sau cuối, nhân cách đã thắng. Tôi trả lời: “Bạn chỉ có thể giặt khô. Vì giặt nước thì tranh sẽ phai màu và lem vào nhau”. Vị khách lắc đầu: “Thật đáng tiếc, tôi không có điều kiện để giặt khô”. Và tám bức tranh được treo trả về chỗ cũ, tôi phải trả tiền lại cho khách. Buổi chiều hôm sau, vị khách ấy quay lại, cô ta mua một bức trong số tám bức đã chọn và nói: “Tôi đi bảy cửa hàng, ai cũng nói tranh giặt nước không phai, nên tôi quay về đây”. Trong kinh doanh, tôi đã gặp vô vàn tình huống tương tự. Tôi luôn chọn nói thật dù thiệt hại tài chính có thể là rất lớn. Tôi luôn coi khách hàng là bạn. Mà bạn thì không thể dối gian. Cái đầu lạnh nhưng trái tim phải nóng. Đến giờ này, nhìn lại, tôi thầm cám ơn văn chương. Vì văn chương đã khiến tôi nhân đạo hơn. Mà nhân đạo chính là nền tảng của chiến lược kinh doanh lâu bền.

Là người sáng tác, chị nhìn “đám phê bình” như thế nào? Trong một lần ra sách phê bình của mình, tôi đã không ngại đặt hai bài phê bình về tác phẩm của chị cạnh nhau, bài trước về truyện ngắn “Hồn xưa lưu lạc”, bài sau về truyện ngắn “Mầm đắng”, bài trước thì không tiếc lời khen, bài sau thì… không dè dặt lời chê. Thật lòng mà nói, chị đã đón nhận “khen”, “chê” này ra sao?

+ Không có đầu bếp nào, kể cả vua đầu bếp, dám khẳng định rằng món ăn nào mình chế biến ra cũng là tuyệt đỉnh, huống là tôi, người kiêm nhiệm quá nhiều “vai” trong cuộc sống. Bạn có lí do để khen thì bạn cũng có lí do để chê. Giống như những món ăn trên bàn tiệc, bạn thích món Hồn xưa lưu lạc thì bạn trầm trồ gật gù, bạn không thích món Mầm đắng thì bạn lắc đầu nhăn mặt. Còn tôi, người chế biến món ăn, cứ thấy Mầm đắng ngon. Vì khẩu vị của tôi khác bạn. Nếu tôi mà quá bận tâm đến việc khen chê thì tôi đã chẳng viết được nhiều như bạn đã thấy. Trong mắt tôi, dân “phê bình” đôi khi còn nhức đầu hơn cả dân sáng tác. Vì khen không đúng thì ngượng miệng, mà chê không đúng thì cắn rứt. Khen đúng thì được yêu, nhưng chê đúng thì… vẫn bị ghét. Là tôi đoán thế…

– Cám ơn nhà văn Tống Ngọc Hân!

(Nguồn: Văn nghệ Quân đội)

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài