Một ngày chớm đông tôi đến thăm Phương, một cô giáo vùng cao. Hỏi kỷ niệm khó quên nhất trong nghề dạy học là gì? Phương trả lời không do dự: đó là kỷ niệm ngày 20/11 năm đầu tiên cô giáo Phạm Thị Phương ra trường được phân công dạy lớp 5 tại bản Pá Hịa, xã Chiềng Sơ, một xã xa nhất của huyện Điện Biên Đông.

Học sinh điểm trường Pa Cá, Trường Tiểu học xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo trên đường đi học về. Ảnh: K.C

Phương kể: “Hôm đó là tiết sinh hoạt cuối tuần, còn hai ngày nữa là đến ngày kỷ niệm hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi hỏi học trò mình xem có ai biết ý nghĩa của ngày này là gì không? Cả lớp ngơ ngác nhìn nhau im lặng, Lò Văn Tưởng cậu lớp trưởng trả lời sau vài phút suy nghĩ. Thưa cô! Đó là ngày Nhà giáo Việt Nam – Tôi chạnh lòng thoáng buồn, nếu là ở môi trường thành phố, hỏi trẻ học mầm non có lẽ chúng sẽ trả lời vanh vách, học trò của tôi giờ đã là cuối cấp tiểu học mà chẳng hiểu ngày 20/11 là ngày gì, cả thầy và trò chúng tôi nhìn nhau cười như mếu. Sau một hồi cắt nghĩa, đám học trò dân tộc Xinh Mun cũng hiểu được đó là ngày tết của các thầy cô, là ngày học trò bày tỏ lòng biết ơn với thầy cô giáo.
Sáng hôm sau, khi tôi vừa mở cửa bước ra, trời lạnh, mặc mấy lần áo, đi tất, đeo găng tay mà vẫn run cầm cập, còn lũ học trò của tôi chỉ mặc manh áo mỏng, đôi chân trần nhỏ xíu, vượt hai ba quả đồi, con suối trong cái rét cắt da cắt thịt để đến chúc mừng cô giáo nhân ngày 20/11. Tôi cũng chẳng biết chúng đã tụ tập từ khi nào. Trên tay mỗi đứa cầm một thứ. Đứa xách nải chuối xanh, đứa cầm bọc gạo, đứa ôm cả bó hoa dại, nào là hoa mua, hoa cải, hoa trạng nguyên, hoa cúc dại… đứa thì giắt cả trứng gà vào cạp quần, chúng ùa đến ngượng ngịu cho cô đấy tôi đã òa khóc trong niềm xúc động. Đưa cả bọn trẻ vào phòng ở là 2 gian nhà gỗ lợp prô xi măng, có trò chẳng biết nói gì, cứ để luôn ra bàn. Hoa đặt lên bàn, cắm trong xô, giắt trên bậu cửa sổ toàn là hoa dại. Rồi anh Lò Inh trưởng bản cũng mang lên cho tôi một mớ cá anh quăng chài được ngoài sông Mã. Tôi, trưởng bản và 13 học trò mượn nồi niêu nấu cơm, chuối xanh cho vào kho cá, trứng rán, rau luộc tưng bừng liên hoan. Ban đầu bọn trẻ ngại ngùng sau chúng tranh nhau ăn ngon lành.
Khuôn mặt Phương ánh lên niềm xúc động, cô kể tiếp: Núi thì cao mà bàn chân học trò thì nhỏ bé quá, các em đói quá, nghèo quá! Mặt em nào cũng nhọ nhem, nứt nẻ có em một manh áo mỏng mặc suốt cả mùa đông, nhìn các em thật tội. Mình đã khổ rồi nhưng nghĩ đến hoàn cảnh các em, thương lắm!.
Những bậc làm cha làm mẹ người Xinh Mun, họ cứ để con tha thẩn chơi tự nhiên, lớn lên tự nhiên như ngô như khoai trên nương. Những đứa trẻ ở truồng, rét tím tái, đi học còn địu em theo. Cảnh nghèo đã khiến họ không mấy quan tâm đến việc học của con mình, vụ giáp hạt họ phải đi đào sắn, đào mài về ăn thay cơm. Nhưng những người dân ít học, ít chữ này lại rất quý giáo viên. Những dịp nghỉ Tết, nghỉ hè, họ góp nhau mỗi nhà một bát gạo nếp, vài quả trứng gà đến tặng cho các thầy cô.
Nụ cười hồn nhiên của trẻ em vùng cao đã “níu” chân các cô giáo ở lại với bản. Và, ngày 20/11 năm nay, Phương và đồng nghiệp lại cùng vui với học sinh trên bản vùng cao.
Trần Thị Hương