Trong “Bắc hành tạp lục” (Ghi chép tản mạn trên đường đi sứ phương Bắc), đại thi hào Nguyễn Du đã dùng ngòi bút của mình để thể hiện tư tưởng tình cảm mà ông đã cố kìm nén bao lâu nay.
Một buổi hội thảo với chủ đề “Bắc hành tạp lục” sẽ được tổ chức tại Viện Văn học vào sáng 01/11/2013 nhằm hướng đến ngày kỷ niệm 200 năm ra đời tác phẩm “Bắc hành tạp lục” của Đại thi hào Nguyễn Du (1813 – 2013).
Những nhà nghiên cứu và những người yêu mến Nguyễn Du sẽ tham gia thảo luận những tư tưởng, triết lí, tình cảm, cảm xúc của tác giả Nguyễn Du, để hiểu thêm những hàm chứa tâm sự của ông qua từng câu thơ. Qua thơ của ông để nhận thấy Nguyễn Du đã dùng ngòi bút của mình để thể hiện tư tưởng tình cảm của mình mà bao lâu nay cố kìm hãm, cố nén mà bây giờ mới có dịp nói ra.
Tập thơ “Bắc hành tạp lục” bao gồm 131 bài thơ chữ Hán do Nguyễn Du sáng tác trong khoảng thời gian ông dẫn đầu đoàn sứ bộ nhà Nguyễn sang Trung Quốc từ đầu năm Quý Dậu 1813 đến đầu năm Giáp Tuất 1814. Đây là một tập thơ nói lên lòng thương cảm sâu xa những người trung nghĩa bị hãm hại, những người tài hoa bị vùi dập, những người lao động cùng khổ bị đói rét cùng nỗi khinh ghét giới thống trị kiêu căng và tàn bạo, được Nguyễn Du nói lên bằng những vần thơ hết sức sâu sắc
“Bắc hành tạp lục” là đỉnh cao nhất trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Những cái khác lạ của của “Bắc hành tạp lục” là cái tất yếu thể hiện cái cốt cách cứng cỏi, thâm trầm, tình cảm lớn lao của Nguyễn Du- nhà tư tưởng, nhà Văn hoá lớn đồng thời cũng là người nghệ sỹ lớn của dân tộc và thời đại.
Nguồn: Dantri