Ngày Hiến chương nhà giáo lại đến. Mỗi năm cứ đến ngày này, chúng ta lại có dịp cùng chia sẻ những cảm xúc bâng khuâng, lắng đọng xen lẫn niềm vui sướng tự hào về chức nghiệp của ngành giáo dục, về nghề dạy học của chúng ta – nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.

Từ rất lâu, hình ảnh người thầy đã đi vào ca dao và được nhân dân quý mến, xã hội đề cao:

Muốn sang thì bắc câu Kiều

Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy

Hay là:

Chẳng ham ruộng cả ao liền

Chỉ ham cái bút cái nghiên ông đồ

Quả thật là không có nghề nào lại ảnh hưởng sâu rộng đến từng con người, đến toàn xã hội như ngành giáo dục, như nghề dạy học, bởi:

Ai chẳng từng qua sông làm khách một thời

Kỉ niệm tuổi thơ là màu hoa phượng đỏ…

Đã có rất nhiều bài thơ viết về mái trường thân yêu, về thầy cô, bè bạn với những tình cảm ấm áp, thiêng liêng, ngợi ca những nhân cách lớn, những tâm hồn cao đẹp của người thầy suốt đời tận tụy hy sinh cho học trò, cho sự nghiệp trồng người của nhiều thế hệ người yêu thơ, các nhà giáo, nhà thơ, kể từ những năm 1930, trải qua hai cuộc kháng chiến và cho đến giờ.

Sau 1945, đất nước độc lập nhưng 95% dân ta mù chữ. Bác Hồ phát động phong trào diệt giặc đói, giặc dốt. Các lớp Bình dân học vụ, Bổ túc văn hóa mở khắp nơi nơi, chỉ cần có 2 học trò cũng thành lớp học. Nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ Trường tôi để tặng các chiến sĩ Bình dân học vụ. Câu thơ lục bát như cố ý viết thật giản dị, dễ hiểu cho cả những ai mới biết chữ cùng đọc:

Trường tôi vui giữa luống cày

Bến sông bãi chợ bóng cây lưng đồi

Trường tôi vui giữa biển khơi

Chữ reo mặt sóng, chữ ngời ghe câu…

Xuân Diệu với bài thơ Chào thầy giáo Phụng viết ca ngợi các thầy cô giáo từ miền xuôi mang ánh sáng văn hóa lên mở trường, dựng lớp, vận động người dân nơi các bản làng heo hút đi học: Sáu trò đã một lớp ba/ Tám em tuy vậy cũng là lớp hai/ Núi xa đi một ngày dài/ Một người đến học bằng ai cho vàng… Hẳn là mô hình lớp học ghép đã hình thành từ những năm kháng chiến nhiều gian khổ ấy. Những hy sinh âm thầm, lặng lẽ của thầy cô giáo từ miền xuôi lên miền ngược cũng được thơ ca ghi nhận: Em đi bán chữ trên rừng/ Đã qua mặn ngọt đã từng cay chua (Thơ Lê Đình Cánh). Hay trong bài Gửi cô giáo vùng cao của Huy Trụ: Thoắt tròn ba chục mùa trăng/ Em quen từng ngọn rau rừng suối khe… Và còn cả những khủng bố, tàn phá, thầy cô giáo và học sinh hẳn phải đổ máu để có cái chữ ở những lớp học miền Nam, vùng địch tạm chiếm: Trường giặc đốt rồi còn lại ánh trăng/ Giữa hai trận càn anh dạy em học chữ… (Giang Nam). Nhà thơ Phạm Tiến Duật trong bài thơ Gửi các em bé ở trường Văn hóa Tây Nguyên ngày trước, kể chuyện bộ đội quân đoàn Ba Tây Nguyên đã cứu trẻ em khỏi các đám cháy do giặc ruồng bố. Các chiến sĩ phải tự cắt tay áo, ống quần của mình để may quần áo, cho các em ăn mặc, rồi còn dạy chữ. Thơ như kí sự thật xúc động!

Lá cây lợp thành nhà, gỗ kê thành bàn học

Lính quân đoàn thay nhau làm thầy giáo giảng bài…

…Và giữa Tây Nguyên đạn vẫn nổ xé trời

Các hướng tấn công của bộ binh ta vẫn ào ào bão lửa

Nhưng trường học của các em không một ngày đóng cửa…

Chứng kiến thực tế diệu kì, trong bài thơ, Phạm Tiến Duật đã ngạc nhiên hỏi:

Đã có khi nào, đã có nơi nào

Xuất hiện một trường học như là nơi ấy?

Vậy là một nền giáo dục kiên cường, thần diệu đã song hành suốt cuộc kháng chiến trường chinh của dân tộc với biết bao hình ảnh người giáo viên nhân dân trung kiên, hy sinh thầm lặng, vun xới cho bao thế hệ học trò, như câu thơ trong bài Lời ru của thầy của nhà thơ – thầy giáo Đoàn Vị Thượng: Thầy không ru đủ nghìn câu/ Biết con chữ cũng đứng sau cuộc đời/ Tuổi thơ em có một trời/ Ước mơ thì rộng như trời nghìn năm… Và dù không thể đứng mãi trên bục giảng, nhưng các thầy cô vẫn nuôi dưỡng niềm tin: Thầy thì cũng sẽ già thôi/ Hóa thân vào mỗi cuộc đời các em/ Thì dù phấn trắng bảng đen/ Hành trang ấy đủ thầy đem theo mình. Và trong nguồn mạch yêu thương của các thầy cô dành cho học trò, từ thái độ trách nhiệm với học trò, với cuộc đời, hẳn không ít đồng nghiệp đã cùng tôi “Trở trăn phấn bảng”:

Em xóa bảng còn chăng lời tôi giảng

Tình nước, nỗi ưu đời thành bụi phấn bay đi…

… Sông ra khơi uống qua bao nguồn nước

Mật cho đời đâu dễ với loài ong!

Khi bàn tay em xóa cả dấu tay tôi

Hiểu chăng em niềm trở trăn bảng phấn?

Không ít người trong chúng ta đã có nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục, nghĩa là cùng với tuổi đời, tuổi nghề chất chồng ta càng thấm thía hơn, yêu quý hơn công việc trồng người. Thật vậy, có lẽ ai không tận tụy, không yêu nghề, yêu thương trường lớp và học sinh, thật khó có thể đi trọn nghề, hoặc giả sẽ không có được niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao khi được cho, cống hiến nhiệt tình, sống hết mình vì mái trường và đàn em thân yêu. Trong công tác giáo dục, ai chẳng có đôi lúc chưa hài lòng, cảm thấy thất vọng do công việc hay quan hệ giữa thầy trò, đồng nghiệp hoặc đôi lúc nhọc nhằn buồn bực vì học sinh học kém, chưa ngoan… nhưng bằng tình yêu nghề, chúng ta vẫn trải nghiệm, vượt qua và vẫn luôn cảm nhận hạnh phúc lớn lao, như lời một câu thơ:

Học trò tôi những tiếng cười

Tôi nghe như tiếng cuộc đời ngày mai

Vì đàn em với tương lai

Xin cho tôi được trẻ hoài trái tim

Nếu với các đồng nghiệp trẻ mới ra trường, ngọn lửa sôi nổi trong tim đôi khi còn bồng bột, những hăm hở của buổi đầu lên lớp còn vẹn nguyên những mê say trẻ trung, thì với những người mà tóc đã pha màu thời gian, đã nhiều năm lăn lộn cùng phấn trắng, bảng đen… thì mỗi năm chắc sẽ đón nhận ngày 20/11 với một cảm xúc khác, ngày càng lắng đọng, thâm trầm, sâu sắc hơn. Chúng tôi hiểu rằng:

Cái bục giảng không cao

Nhưng đã có đôi người vấp té

Viên phấn của lòng mình

Không giữ nổi trên tay

Buông thả đấy rồi, những ngón loay quay

Sẽ tự mòn đi và rơi rụng

Như người lính không tự cầm lấy súng

Vách chiến hào đâu dễ ấm lưng…

(Lời trong bài thơ Bụi phấn của nhà thơ Đoàn Vị Thượng)

Lời thơ cũng là lời nhắn nhủ thật ý nghĩa, giúp ta càng ý thức hơn về chỗ đứng bục giảng của mình. Để xứng đáng, thầy cô giáo đã không bao giờ tự bằng lòng với ngần ấy kiến thức và kinh nghiệm đã có, vẫn nỗ lực từng ngày, rèn luyện từng ngày về tri thức lẫn tư cách đạo đức người thầy, để xứng đáng với trọng trách, niềm tin mà cộng đồng xã hội đã phó thác cho ngành giáo dục, và gửi gắm trực tiếp, trước tiên ở người thầy. Như lời câu châm ngôn của Usinxki: “Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được”.

Hiểu vậy nên mỗi thầy cô giáo vẫn luôn tâm niệm cần nỗ lực phấn đấu để mãi xứng đáng với mắt nhìn tin yêu của đàn em:

Mẹ ru con ngủ tròn đêm

Thầy ru khi mặt trời lên mỗi ngày

Trong em hạt chữ xếp dày

Đừng quên mẹ vẫn lo gầy hạt cơm

Từ trong vòm mát ngôi trường

Xin lời ru được dẫn đường em đi.

Có lẽ khắp đất nước mình, từ thành thị đến các huyện, các miền quê xa xôi, tin là ở đâu có trường học thì ở đấy vẫn luôn có những người thầy tận tâm. Và để dạy được cái chữ, ắt hẳn sau những ngày vừa qua đỉnh lũ năm 2012, trên tay người thầy đâu chỉ có trang giáo án. Các thầy cô đã phải dọn lại ngôi trường, sửa cái bàn, cái ghế, có khi chia sớt cả đồng lương ít ỏi, cho học trò bút, mực, áo, cơm…để các em không phải nghỉ học. Tất cả những tấm lòng của người thầy, người cô yêu thương học trò chắc hẳn là luôn tỏa ra một thứ ánh sáng làm cho biết bao ánh mắt tuổi thơ long lanh và môi cười rạng rỡ. Tất cả là vì những ánh mắt trẻ thơ ấy. Và chúng ta hiểu, chúng ta có cả một mùa xuân khi đứng ở chỗ đứng của mình: bục giảng.

Một học sinh, em Phi Tuyết Ba khi tốt nghiệp rời trường đã cảm phục về sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo, những người ngày ngày vun đắp trí tuệ, tâm hồn cho bao thế hệ, luôn cho đi mà không chờ nhận lại, em viết tặng bài thơ Một vùng phấn bay:

Bao nhiêu phấn trắng đã mòn

Bao nhiêu giáo án chẳng còn trẻ trung

Nước trôi về phía vô cùng

Thương thầy ở lại một vùng phấn bay

Vậy là hình ảnh người thầy tận tâm, chân chính – dù ở thời đại nào cũng luôn được tôn trọng, kính phục, yêu thương.

Dẫu biết rằng “con đường đến lớp” của mỗi người cũng rất đổi khác nhau, muôn hình tùy theo hoàn cảnh sống, tuổi đời, tuổi nghề, kinh nghiệm ứng xử… tuy nhiên vẫn tin rằng, dẫu con đường nào thì ở đâu cũng có những người thầy luôn vững chân bước tới.

Ươm mầm cho xã hội và trao cho xã hội những con người hữu ích đó luôn là niềm hạnh phúc lớn lao nhất, và điều ấy giúp ta vượt qua mọi trở ngại để từ những con đường đến trường gian lao hay thuận lợi khác nhau, ta đều cùng gặp nhau ở một đích đến: đó là để ngành giáo dục bắt kịp thời đại, không ngừng phát triển lớn mạnh, để có nhiều thế hệ học sinh, sinh viên ra trường trở thành những con người hữu dụng.

Và nếu nói đến thơ viết về thầy giáo và nhà trường có lẽ cũng sẽ là vô cùng, không bao giờ vơi cạn, xin mượn 2 câu thơ của Hà Thiên Sơn để kết thúc bài viết:

Thơ sao nói hết thầy ơi

Phía sau câu chữ là lời trái tim.

———————————

Bài viết có tham khảo

1. Kỷ yếu hội thảo khoa học: Thơ với nhà trường Trường Đại học Đồng Tháp (1/2011)

2. Nhà giáo, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh – Tìm hiểu thơ viết về thầy giáo và nhà trường.

Nguồn: Vanhocquenha.vn

Exit mobile version