Trương Nguyên Việt

Khai mạc vào ngày 15-8-2017 tại TP Nha Trang, trải qua hai tuần tập trung sáng tạo, ngày 29/8 Trại sáng tác văn học về đề tài”Lực lượng vũ trang- chiến tranh cách mạng” 2017 do NXB Quân đội nhân dân và Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ VH-TT-DL) tổ chức đã kết thúc và thu được những kết quả bước đầu đáng phấn khởi

Đây là trại sáng tác về đề tài”Lực lượng vũ trang- chiến tranh cách mạng”, chỉ dành cho hai thể lại văn học là tiểu thuyết và trường ca. Có 14 cây bút trong và ngoài quân đội từng có những tác phẩm xuất sắc trước đây về các đề tài người lính và chiến tranh , và đến nay vẫn ấp ủ những khát vọng viết về những đề tài này được mời tham dự. Có thể kể đến các nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Trọng Tân, Trầm Hương, Nguyễn Minh Ngọc, Châu La Việt, Huỳnh Thạch Thảo, Đỗ Ngọc Yên, Nguyễn Xuân Hùng, Quỳnh Nga, Mai Nam Thắng, Lê Huy Quang, Phùng Phương Quý, Phạm Trường Thi…

Đại tá Kiều Bách Tuấn, GĐ-TBT NXB Quân đội nhân dân phát biểu khai mạc Trại viết.

Nhà văn Nguyễn Trọng Tân, nhà văn nhiều năm là phó ban sáng tác của Hội nhà văn VN, cũng từng là người lính và năm qua đã cho ra mắt một tiểu thuyết xuất sắc về người lính là “Thư về quá khứ”, kết thúc trại viết bằng một tập truyện ngắn về chiến tranh và đề cương tiểu thuyết “Thư về tương lai “ mà anh đã ấp ủ nhiều năm. Nhà thơ Mai Nam Thắng- tác giả của trường ca “Cổ tíchh làng Cát” trước đây từng được giải thưởng Bộ quốc phòng 1999-2004, nay hoàn thành trường ca mới mang tên “13 niệm khúc”, ngợi ca sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sỹ thông tin đã hy sinh ở Lèn Hà trên quê hương Quảng Bình của anh năm xưa. Nhà văn Phó chủ tịch Hội văn nghệ Phú Yên Huỳnh Thạch Thảo dù mái tóc đã nhiều sợi bạc, nhưng vẫn tự nhận mình trẻ cây bút trẻ tâm huyết về đề tài chiến tranh và đã hoàn thành tại trại viết tập truyện “Mưa bay qua sông”. Nhà văn Phùng Phương Quý có tiểu thuyết “Cơm bắc giặc nam”…

Các trại viên giao lưu cùng cán bộ chiến sĩ tàu buồm Lê Quý Đôn-Học viện hải quân

Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên đến trại với dự định là viết một tập tiểu thuyết về đơn vị của anh trong chiến tranh ở BT 34 (Tôi là người lính), nhưng những ngày tham gia trại, anh đã thêm cảm hứng để viết tập lý luận phê bình giới thiệu 40 nhà văn mặc áo lính …

Hội Nhà văn TPHCM có ba nhà văn được mời tham gia trại là hai nhà văn từng mặc áo lính: Nguyễn Minh Ngọc, Châu La Việt và nữ nhà văn Trầm Hương. Nhà văn quân đội Nguyễn Minh Ngọc ngoài việc tiếp tục hoàn chỉnh bộ tiểu thuyết nhiều tập rất bề thế mang tên “Cao hơn bầu trời” về các chiến sỹ không quân trong cuộc chiến dịch “Điện biên phủ trên không” Hà nội 1972, (tiểu thuyết đã từng được quay thành 50 tập phim truyện của Hãng phim Giải phóng) thì trong trại này, anh gấp rút hoàn thành bộ tiểu thuyết 300 trang mang tên “Đa kao” viết về cuộc tổng tiến công trong chiến dịch mùa xuân 1968 của quân và dân Sài gòn. Nhà văn Châu La Việt không chỉ mang về trại hai tập sách còn thơm mùi mực in là tiểu thuyết “Triền dâu xanh ngát” (NXB Quân đội nhân dân) và tập truyện ngắn viết về chiến tranh “Huyền ảo trăng” (NXB Văn học), mà đã chấp nhận “trói mình” vào bàn viết liền hai tuần viết xong tập ký sự 350 trang “Bài ca ra trận” và tiểu thuyết “Mùa hạ”. Ngoài ra anh cũng đã hoàn thành đề cương tiểu thuyết “Tiểu đoàn 11” như một ký ức của chính anh những ngày là lính tiểu đoàn này chiến đấu trên tuyến đường Trường sơn. Với nữ nhà văn Trầm Hương, có thể nói đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là đề tài ruột của chị, mang lại cho chị nhiều giải thưởng cao quý. Ở trại viết lần này, chị đã hoàn thiện một tập sách viết về những bà mẹ Việt Nam anh hùng khắp mọi miền quê. Chị tâm sự: “Tôi đánh giá rất cao những người tổ chúc những trại viết thế này. Vì theo nhìn nhận của tôi, nghiệp viết đã ít người, viết đề tài chiến tranh cách mạng còn ít nữa. Đã thế, việc quảng bá, khuyến khích các cây bút viết về đề tài này cũng còn quá ít, thỉnh thoảng có giải thưởng để an ủi, động viên rồi lại quên lãng đi. Thế nên, những trại viết như thế này là cơ hội, là niềm động viên và tạo hứng khởi rất nhiều cho chúng tôi…”

Đại diện NXB Quân đội nhân dân trao tặng bản thảo của các trại viên cho Giám đốc Nhà sáng tác Nha Trang

Trại sáng tác văn học đề tài “Lực lượng vũ trang- chiến tranh cách mạng” 2017 là một niềm hy vọng chúng ta sẽ có nhiều tiểu thuyết và trường ca bề thế và có nhiều khám phá và sức khái quát về hình tượng người cầm súng và những cuộc chiến tranh chúng ta đã đi qua, NXB Quân đội nhân dân sẽ có thêm những ấn phẩm bề thế và dày dặn “ đồng điệu với tâm hồn người lính và đồng hành với bạn đọc hôm nay .Trong hội thảo kết thúc trại, nhà văn Châu La Việt kiến nghị các cấp hãy tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho các thể lọai dài hơi như tiểu thuyết và trường ca, mở thêm những trại viết có chất lượng và mời thêm những nhà văn nhà thơ từng mặc áo lính, từng có những tác phẩm xuất sắc về người lính và vẫn tha thiết với đề tài người lính và chiến tranh cách mạng…

 

Vanvn.net

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài