Hôm 25/9 là tròn 130 năm sinh nhật Lỗ Tấn (1881-1936), cha đẻ của văn học hiện đại Trung Quốc, một trong những người khổng lồ của nền văn học thế giới. Tác giả này vẫn là “Thuốc” tiếp tục tạo ảnh hưởng tới thế hệ các nhà văn và độc giả Trung Quốc.

Từ một sinh viên Y khoa ở Sendai (Nhật Bản), Lỗ Tấn đã từ bỏ dao mổ để cầm bút. Ông đã có quyết định bước ngoặt và bắt đầu sự nghiệp văn chương huyền thoại của mình sau khi chứng kiến cảnh đám đông người Trung Quốc đứng xem một người đồng hương của mình, bị nghi là gián điệp của Nga, bị lính Nhật chặt đầu trong cuộc chiến Nga-Nhật (1904-1905), như một trò biểu diễn. Lỗ Tấn nhận thấy việc “điều trị” sự kém cỏi tinh thần của người dân Trung Quốc còn quan trọng hơn cả sự ốm yếu về thể xác.

Song giờ đây khi Trung Quốc đang phát triển ở tốc độ “chóng mặt”, liệu tư tưởng dùng cây bút để “điều trị sự kém cỏi tinh thần” của ông có còn được các thế hệ nhà văn và độc giả hưởng ứng?

 

Vẫn đầy ảnh hưởng

Trong một cuộc thăm dò mới đây, nhà văn Li Er cho biết mình đã cố gắng bắt chước văn phong của Lỗ Tấn khi viết truyện mới. “Khi viết truyện Truth and Variations, tôi đã cố gắng viết khoảng 3.000 chữ bắt chước theo cách diễn tả của Lỗ Tấn. Đây là sự tôn vinh của tôi dành cho ông” –  Li Er nói.

Li nhìn nhận Lỗ Tấn như một “kho” chứa nỗi đau buồn. “Ông là người chịu nhiều đau đớn, nhưng không bao giờ từ bỏ hy vọng. Thời buổi hiện nay, đó là điều thực sự đáng trân trọng”.


Còn Canaan Morse, dịch giả nổi tiếng đồng thời là nhà tư vấn xuất bản của Paper Republic, thì cho rằng thái độ hoài nghi của Lỗ Tấn là một phương tiện hữu ích cho các nhà văn, đặc biệt là trong thời buổi hiện nay. “Lỗ Tấn là người hay hoài nghi, đó chính là lý do tại sao sự hiểu biết của ông lại sâu sắc và nhạy cảm văn học của ông lại tinh tế đến vậy”.

“Đọc Lỗ Tấn thực sự là cách để chúng ta tự cật vấn mình” – Sun Yu, cựu Giám đốc Bảo tàng Lỗ Tấn ở Bắc Kinh, nói. “Các tác phẩm của Lỗ Tấn là tất cả những gì phát ra từ nội tâm ông”.

Ông Sun Yu cho rằng, để hiểu được “tâm can” của Lỗ Tấn không phải là điều dễ dàng. “Càng có tuổi, Lỗ Tấn càng nhận thấy ông không còn giữ được những cách diễn đạt như trước. Cách viết của ông ngày càng cay đắng và mơ hồ hơn. Về cách nghĩ và óc thẩm mỹ, Lỗ Tấn luôn khác người”.

Các tác phẩm của Lỗ Tấn đến được với lượng độc giả tiếng Anh sau khi nhà xuất bản Penguin xuất bản các tác phẩm của ông hồi năm 2009. “Tôi đã nhận được thư của nhiều giáo sư tiếng Anh. Họ đưa Lỗ Tấn vào danh sách các tác giả truyện ngắn vĩ đại nhất thế kỷ 20 – dịch giả Lovell cho biết – Nhiều người không hề có kiến thức gì về Trung Quốc hay các tác phẩm văn học nước này, nhưng khi đọc các truyện ngắn của Lỗ Tấn họ thấy đồng cảm và nhớ về tuổi thơ của mình khi đọc câu chuyện Lỗ Tấn kể về thời thơ ấu của ông ở Thiệu Hưng”.

 

Giúp thế hệ trẻ nhận thức được giá trị cuộc sống

Nhưng giới trẻ ở Trung Quốc lại gắn kết với các tác phẩm của Lỗ Tấn ở một mức độ khác. Các học sinh trung học thì thường lấy tên các nhân vật trong tiểu thuyết AQ chính truyện để đặt tên cho nhau. Dai Anmei, một học sinh trung học ở Thành Đô, Tứ Xuyên, cho biết: “Mẹ thường gọi cháu là Tường Lâm vì tội nói nhiều. Vì thế cháu luôn muốn biết Tường Lâm là người như thế nào”.

Khi tìm hiểu được về nhân vật Tường Lâm, một phụ nữ tội nghiệp, nạn nhân của sự thờ ơ trong xã hội tàn nhẫn, trong câu chuyện Chúc phúc ngày Xuân, Anmei thấy buồn. Nhưng khi đọc lại câu chuyện này, Aimei có cách nhìn tươi sáng hơn. “Cháu cảm thấy thật may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong thời đại mới. Xã hội Trung Quốc đã mở cửa và phát triển hơn. Các tác phẩm văn học của Lỗ Tấn giúp chúng cháu nhận thức được giá trị của cuộc sống mà chúng cháu đang có và dạy chúng cháu biết quý trọng những gì mà đất nước đã đạt được”.

Còn Li Wei, bạn học của Aimei, cho rằng Lỗ Tấn đã trao cho thế hệ hậu duệ chiếc chìa khóa để “mở cửa” được lịch sử Trung Hoa. “Bằng việc phơi bày sự đen tối trong xã hội và sự ngu dốt của người dân thời đó, Lỗ Tấn cho chúng ta thấy mình nên giữ và phải từ bỏ những gì”.

Trong khi đó, Li Shi, người đã giảng dạy văn học Lỗ Tấn 26 năm, cho biết ông đã cố gắng áp dụng các phương pháp dạy mới để giúp các học trò của mình hiểu được các tác phẩm của Lỗ Tấn một cách dễ dàng hơn. “Tôi thường chiếu một bộ phim được dàn dựng theo truyện Chúc phúc ngày Xuân để bổ trợ cho bài giảng của mình. Nhiều học sinh đã xúc động khi xem phim. Các em hiểu được cuộc vật lộn của người phụ nữ không may Tường Lâm và thực sự đồng cảm với câu chuyện”.

Việt Lâm

Nguồn: Thể thao và Văn hoá.

Exit mobile version