Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Ngân Giang viết như một dòng sông tuôn chảy điều hòa. Bà là một hiện tượng trên thi đàn Việt Nam: người làm thơ liên tục dài năm nhất (từ 1922 tới khi bà qua đời- 2002), có số lượng thơ thuộc loại nhiều nhất (hơn 5.000 bài) có nhiều bài được truyền tụng (như Trưng nữ vương, Xuân chiến địa…)

Cuộc đời bà là chuỗi những thăng trầm: đầy vinh quang, nhưng cũng không ít cay đắng.

“Tài tình chi lắm cho trời đất ghen…”

Tôi quen bà là khi mới chập chững bước vào nghề báo, còn bà thì đã được nhân gian đúc xong pho “Tượng vàng thi ca”. Tôi còn nhớ lần đầu tiên tìm đến nhà bà, bà hỏi: “Sao biết đường mà tìm đến đây?”. Tôi đọc hai câu thơ của bà: “Trước cửa vài khóm trúc/ Gió về bay phất phơ”, bà cười lớn: “Cậu này ranh thật!”, Tôi chả hiểu là bà khen hay chê. Căn phòng bà ở ngoài bãi Nghĩa Dũng (ngoài đê Sông Hồng, Hà Nội) chật chội, nhưng bà bảo chả bao giờ vắng khách. Bà kêu cô cháu gái lấy cho bà mấy thanh hương trầm. Bà cho vào chiếc lư đồng, đốt lên. Chờ cho hết khói, hương thơm phảng phất bay. Bà lấy ra cút rượu, rót vào hai cái ly con. Bà đưa cho tôi một ly. Lúc bấy giờ tôi mới có dịp ngắm kỹ bà: bà mặc áo lụa vàng-hồng, bên ngoài khoác áo len mỏng màu tím than, cổ khoác chiếc khăn voan mỏng, mặt thoa phấn sáp nhẹ, môi hồng. Điều làm tôi ngạc nhiên là mặt bà hầu như không có nếp nhăn, mặc dù đã ở cái tuổi “cổ lai hy”.

Người đời kể lại rằng, ở lứa tuổi trăng tròn bà là niềm mơ ước của rất nhiều tao nhân mặc khách. Gái Hà Nội, tài sắc vẹn toàn, công-dung-ngôn hạnh, lại nổi tiếng khắp kinh kỳ.

Giờ này trăng chửa qua rèm lụa,

Nửa nấp hoa quỳnh, nửa nấp mây

Tôi đứng bâng khuâng bên ngưỡng cửa,

Mắt buồn tha thiết rõi ngàn cây.

Tưởng ai thức trắng đêm dài viết,

Ánh nến buông xanh, bóng võ gầy

Đời muộn mơ gì công nghiệp lớn,

Về đi, vường ruộng ngát hương say…

(Thơ Ngân Giang)

So với những tài danh cùng thời của phong trào Thơ Mới: Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Phạm Huy Thông, Bích Khê, Hồ Dzếnh thì nữ sĩ Ngân Giang nổi bật hơn nhiều. 9 tuổi bà đã có thơ đăng báo, 16 tuổi đã cho ra đời cả tập thơ “Giọt lệ xuân” và nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Tuy nhiên điều bất công với bà là ngay cả trong “Thi nhân Việt Nam” (của Hoài Thanh-Hoài Chân) và “Nhà Văn hiện đại” (của Vũ Ngọc Phan) cũng không có lấy một bài giới thiệu về bà. Nhà thơ Thẩm Thệ Hà đã từng than thở: “Điều làm cho ta ngạc nhiên là tại sao các nhà phê bình văn học lại bỏ quên một nữ sĩ tài hoa đến thế!”.

Có lần tôi đem câu này hỏi bà. Bà cười: “Cậu đi mà hỏi ông Hoài Thanh ấy”. Dạo ấy ông Hoài Thanh đã qua đời, nhưng vẫn còn Hoài Chân. Có lần tôi tới thăm Hoài Chân, lúc ấy ông đã yếu nhiều. Tôi hỏi, ông không trả lời mà nhũng nha nhũng nhẵng ngâm 2 câu Kiều:

“Nghĩ đời mà ngán cho đời,

Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”.

Có lẻ Hoài Chân nói đúng! Tài sắc vẹn toàn đến như bà không chỉ đồng loại ganh

tỵ với bà mà “trời đất cũng phải ghen tỵ”.

Hôm ấy bà đã đọc, rồi bình cho tôi nghe rất nhiều về thơ bà. Tôi ghi chép đầy cả cuốn sổ tay. Giọng vang. Không chút nhầm lẫn. Một trí nhớ tuyệt vời. Sau này, cứ lâu lâu tôi lại ghé thăm bà. Lại vẫn đốt hương trầm, rót rượu mời khách và đọc thơ.

Và cũng từ hôm ấy, cứ vào dịp cuối năm tôi lại tới thăm bà. Lần nào cũng vậy, bà vẫn mặc đẹp, thoa chút phấn sáp, lấy thỏi son tô lại làn môi, đeo chuỗi hạt ngọc, đốt chiếc lư trầm, đợi khói bốc lên, rót hai chén rượu và… chuyện thơ, văn. Và rồi cũng chưa bao giờ ngồi lại được với bà lâu. Lại những người khách đến. Không từ chối tiếp ai được: “Khổ một nỗi toàn là khách văn chương”. Khách quen đã nhiều mà khách lạ cũng lắm.

“Một tài thơ thiên phú!”

Nữ sĩ Ngân Giang tên thật là Đỗ Thị Quế, sinh năm 1916 tại Hà Nội, trong một gia đình Nho học 5 đời thờ Phật. Truyền thống văn chương của dòng họ ảnh hưởng rất sớm tới nhân cách của Ngân Giang. Ông ngoại của bà là hậu duệ của chúa Trịnh Sâm hay chữ. Ông nội là một nho sĩ nổi tiếng đất Bắc Hà, bạn thân của đại thi hào Nguyễn Du. Cha bà theo ông nội học chữ Hán, chơi đàn nguyệt nổi tiếng kinh thành. Tuy nhiên cái nghề sống chính của dòng họ này lại là nghề thêu ren và bốc thuốc bắc. Đỗ Thị Quế lớn lên với “Truyện Kiều”, “Hoàng Trừu”, “Quan Âm Thị Kính”, “Phạm Công – Cúc Hoa”, “Nhị Độ Mai”… Chính vì vậy mà năm mới lên 6 tuổi, một lần theo người bà bác ra ga, nhìn những con tàu, Đỗ Thị Quế đã thốt lên:

“Tàu về rồi tàu lại đi

Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga”

“Một tài thơ thiên phú!” – người bác bỗng thốt lên. Từ đấy bà đã dạy cho cô cháu của mình cách làm thơ, phú, dịch Đường thi mà bà ưa thích. Năm 1924, lên 8 tuổi, Đỗ Thị Quế đăng bài thơ đầu tiên “Vịnh Kiều” với bút danh Nguyệt Quyên trên tờ “Đông Pháp”. Sự phát tiết quá sớm của một tài thơ tất khó tránh khỏi khổ lụy. Đọc sách Phật, thấy dạy nhiều điều thiện, bé Quế thấy mình có tội quá nhiều. Thế là vào một chiều khi “hoa lan rụng trắng sân đình”, cô bé Đỗ Thị Quế đã gieo mình xuống Hồ Tây. May thay người nhà phát hiện kịp đưa bé về nhà. Năm ấy Đỗ Thị Quế mới tròn 9 tuổi. Quế tiếp tục làm thơ. Từ năm 1929 đến năm 1931 viết cho báo “Trung Bắc Tân Việt” với bút danh Hạnh Liên – Đỗ Thị Quế. Năm 1932 cho in cuốn “Giọt lệ xuân” tại nhà xuất bản Tân Dân. Danh tiếng Hạnh Liên – Đỗ Thị Quế bắt đầu được mến mộ. Đến khi nhật báo “Phụ Nữ Thời Đàm” dành hẳn môt trang để giới thiệu “Giọt lệ xuân” với nữ sĩ tí hon Hạnh Liên – Đỗ Thị Quế thì tiếng tăm của Đỗ Thị Quế đã nổi khắp kinh thành. Năm ấy Đỗ Thị Quế vừa độ tuổi trăng tròn.

Tài thơ phú bẩm sinh, sắc đẹp diễm kiều, lại đàn hay, họa giỏi, thêu thùa rất khéo, Hạnh Liên – Đỗ Thị Quế đã trở thành niềm mơ ước của biết bao tài danh đất Bắc Hà. Nhưng mà như Phạm Quý Thích đã từng nói: “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”. Hạnh Liên – Đỗ Thị Quế cũng không thoát được cái vòng trầm luân ấy. Dường như bà cũng ý thức được điều ấy. Trong bài “Hoài cảm”, từ thuở ấy, bà đã viết:

“Mỗi bước chân đi, mỗi bước sầu,

Trăm năm thân thế gửi về đâu”.

Hiểu rõ con gái mình, ông đồ Nho Đỗ Hữu Tài muốn Quế sớm yên bề gia thất. Không chịu sự sắp đặt của cha, bà cố tình lẩn trốn. Biết khó bề khuyên bảo, ông đồ Nho đuổi đánh, đập nát 3 giàn hoa thiên lý, Đỗ Thị Quế đành phải bò ra cúi lạy cha xin chịu vâng lời. Thế là bóng dáng chàng “hiệp sĩ” cách mạng mặc áo choàng đen mới kịp hiện hữu trong trái tim mẫn cảm của nàng thi sĩ tuổi trăng tròn đã trở thành dang dở. Lên xe hoa về nhà chồng nàng quay đầu về phương trời nơi người ấy ra đi, tạ tội:

“Ngày chửa sang thu đã thấy buồn

Tình chưa ngời sáng đã hoàng hôn

Trời không mưa gió lòng mưa gió

Người ở đầu thôn mộng cuối thôn”.

Nhưng rồi tổ ấm gia đình cũng không thể giữ nổi con tim sôi nổi, ưa hoạt động của bà. Nhà thơ tìm đến với phong trào cách mạng – Đó là vào năm 1935 – Bắt đầu bằng việc làm giao liên cho Đoàn Thanh niên cộng sản. Cũng từ thời gian này, bút lực của nữ sĩ càng thêm sung sức hơn. Vào một đêm mật thám Pháp đã tới nhà khám xét, tra hỏi vì “cô Hạnh Liên đã làm thơ kêu gọi thanh niên đứng lên cứu nước dán ở Đền Ngọc Sơn”. Mẹ chồng, vì lo cho sự an toàn của gia đình, đã không ngớt lời chì chiết cô con dâu là “mầm mống gieo họa cho cả dòng họ”. Một đêm mưa gió bão bùng, bụng mang dạ chửa, Hạnh Liên lại gieo mình xuống Hồ Tây. “Dường như trời chưa cho tôi thoát kiếp trầm luân” – sau này nữ sĩ nhớ lại. Rồi bà bảo: “Kiếp trước tôi là võ tướng, vì giết nhầm một văn nhân nên kiếp này phải làm thi sĩ để trả nghiệp”. Vì là nghiệp chướng nên cái nợ văn chương cứ đeo đuổi mãi. Năm 21 tuổi nữ sĩ cho xuất bản cuốn “Duyên văn”, rồi vào Sài Gòn viết cho “Điện tín nhật báo” và “Mai” của Đào Trinh Nhất. Một thời gian sau đó, nữ sĩ quay ra Bắc viết cho “Tiểu thuyết thứ bảy”, “Phổ thông bán nguyệt san”, “Đàn bà”…

Năm 1939 “Trưng nữ vương” ra đời đã đánh dấu một giai đoạn mới trong sự nghiệp văn chương của nữ sĩ: tên tuổi của bà đã vang vọng từ Nam ra Bắc và bốn năm sau đó tập thơ “Tiếng vọng sông Ngân” với bút danh Ngân Giang ra đời đã đưa Ngân Giang lên vị trí những người được yêu thích nhất trên thi đàn Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám (1945) bùng nổ. Ngân Giang bị cuốn theo dòng thác cách mạng. Nữ sĩ hô hào cổ vũ cho cuộc kháng chiến. Để tỏ lòng tôn kính các vị anh hùng dân tộc, Hồ Chí Minh, Ngân Giang đã đem hết cái tài thêu thùa được học từ thuở nhỏ, thêu cả một bài thơ “Kính dâng các bậc anh hùng”, trong đó có những câu đầy khí phách “Ta say uy võ Trần Hưng Đạo, ta say sự nghiệp Hồ Chí Minh” và dâng lên ông Hồ. Cảm động trước bầu nhiệt huyết của nữ sĩ, Hồ Chí Minh khen:

“Mấy lời cảm tạ Ngân Giang

Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu”

Ngơ ngác phương trời con én lạc

Do đòi hỏi cấp bách và chiến lược lâu dài của cuộc kháng chiến, Bộ chỉ huy của cách mạng Việt Nam dời về Việt Bắc. Ngân Giang cũng hăng hái đeo ba lô, bồng hai con nhỏ theo đoàn quân cách mạng về Việt Bắc để rồi hai năm sau đó phải quay trở lại nội thành.

“Thân gái bơ vơ giữa dặm trường. Muôn vàn mối đe dọa, cám dỗ” – Ngân Giang nhớ lại. Rồi thì cũng phải tìm chốn nương thân. Trong số những người tìm đến bà chọn con trai tuần phủ Hà Đông với hy vọng “sẽ là lá chắn che chở an toàn để tiếp tục đóng góp cho cách mạng”. Đây cũng là bước ngoặt đầy bi kịch của nữ sĩ. Công bằng mà nói, ở mức độ nào đó, bà có lý. Chẳng thế mà, có lần, với tư cách là con dâu tuần phủ, nữ sĩ vào được tới tận sào huyệt của quân Tưởng cứu được nhiều trinh sát Việt Minh thành. Trong số đó có cả nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Sống trong lòng địch mà lòng nữ sĩ vẫn hướng về Việt Bắc:

“Gác xép mơ màng tin quốc sự

Ngày về mãi mãi nhớ lời nhau”

Cách mạng thành công, hòa bình lập lại, Ngân Giang bắt đầu bị quên lãng. Tên tuổi và thơ văn của nữ sĩ không được xuất hiện trên sách báo, mặc dù những người yêu thơ từ Nam chí Bắc vẫn truyền tay nhau chép thơ bà. Cái chân cán bộ văn hóa quèn của bà cũng bắt đầu bị lung lay. Và năm 1957, ở tuổi 41, Ngân Giang nữ sĩ nổi tiếng đã buộc phải rời khỏi Sở Văn hóa thông tin Hà Nội. “Ra khỏi biên chế nhà nước thời bấy giờ là chuyện kinh khủng” – Ngân Giang nhớ lại. Đi đâu, làm gì để nuôi sống bản thân và gần chục đứa con đây?

Với tâm trạng cô miên nữ sĩ thốt lên:

“Ngơ ngác phương trời con én lạc

Chập chờn khung cửa cánh hoa nghiêng”

Tuyệt vọng, không còn biết bấu víu vào đâu, Ngân Giang cầu cứu Hội Nhà văn, rồi Nhà xuất bản của Hội để may ra kiếm được một công việc gì đấy: biên tập, morat, đóng bìa sách, thậm chí là rửa cốc chén, dọn vệ sinh… miễn là có việc, có lương.

Viết đơn, chờ đợi. Lại viết đơn. Đến lần thứ 10, không chờ được nữa bà chạy tới “cạy cục” nhà thơ Xuân Diệu. Xuân Diệu thương bà lắm, nhưng rồi ông cũng chỉ biết thở dài: “Khổ quá, tôi là

thiểu số!”, sau khi đã vò đến nát đầu, gãi đến đỏ tai.

Tuyệt vọng đến cùng cực, “chết không được đành phải sống”. Ngày ngày nữ sĩ ra bãi sông Hồng quét là khô để bán, tối về đi rửa bát, chai lọ thuê. Làm quần quật cũng chỉ đủ tiền mua gạo nấu cháo cho 10 đứa con sống lay lắt qua ngày. ông Tú Mỡ, thủ quỹ Hội Nhà văn lúc bấy giờ thương tình ứng trước cho bà 20 đồng với điều kiện: “Hết tháng phải trả nợ cả gốc lẫn lãi bằng… thơ”. Cụ Tú thương mà làm vậy, chứ thực tình cụ thừa biết suốt ngày đầu tắt mặt tối kiếm cơm, kiếm cháo thì còn tâm trí đâu mà nghĩ tới chuyện văn chương. Mà có trả vốn và lãi bằng thơ cho cụ thì đăng ở đâu bây giờ?

Cũng không thể ngờ được rằng cuộc sống bằng nghề quét lá ấy kéo dài tới 10 năm, và kết quả là:

“Mười năm quét lá bên sông

Hình hài để lại cái còng trên lưng”

Bạn bè, những người yêu thơ Ngân Giang đến thăm bà, không ai cầm được nước mắt. Nhưng vận may có lúc cũng mỉm cười với nữ sĩ. Nhờ tài thêu ren từ tấm bé, Ngân Giang được nhận vào Hợp tác xã thêu ren Song Hỷ.

“Chiếc kim chiếc bút vui ngày tháng

Nào có ham gì miếng ngọt ngon”

Nhưng cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy cũng tồn tại chẳng được bao lâu. HTX phát động phong trào “phê bình và tự phê bình”. Bà hăm hở hưởng ứng “chống tiêu cực, tố cáo kẻ tham ô” và kết quả là bị đuổi ra khỏi HTX vì “gây rối trật tự công cộng. Bôi xấu cán bộ lãnh đạo”.

Thế là nữ sĩ lại bơ vơ. Giờ thì không còn đủ sức để quét lá, rửa bát, chai lọ thuê nữa rồi. Bà ra đường mở quán bán nước:

“Một quán bên sông cuối phố nghèo

Miếng trầu bát nước có bao nhiêu”

Khổ một nỗi vốn liếng đã ít, khách thì phần đông lại là bạn văn chương “thừa tình cảm nhưng lại chẳng có tiền”. Biết làm sao được. Rồi hy vọng cứ nhạt nhòa theo năm tháng:

“Sớm tối dăm ba đồng vốn liếng

Tháng ngày dăm bảy khách văn chương

Ôi năm cứ hết, xuân không hẹn…”

Cuộc sống cứ kéo dài, và nữ sĩ vẫn ngày ngày: “Còm cõi bên sông tóc úa dần/ Tay nâng chén nước lệ đầy khăn”. Tuy nhiên bất chấp khó khăn níu kéo, bất chấp miệng tiếng thị phi. Nữ sĩ không những tỏ ra có nghị lực mà con đầy phách lực, bà cứ thản nhiên, nhi nhiên sống và chiêm nghiệm:

“Sớm khuya ngâm ngợi câu thành bại

Dưa muối đôi chiều cũng thấy ngon”

Quả thực nếu chỉ quẩn quanh vì chuyện áo cơm và những bất hạnh chồng chất hẳn nữ sĩ không tài nào đứng vững được. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Ngân Giang viết như một dòng sông tuôn chảy điều hòa. Ngân Giang là một hiện tượng trên thi đàn Việt Nam: bà là người làm thơ liên tục dài năm nhất (từ 1922 tới khi bà qua đời- 2002) có số lượng thơ thuộc loại nhiều nhất (hơn 4.000 bài) có nhiều bài được truyền tụng và được coi là hay trong áng văn thơ nước nhà (như Trưng nữ vương, Xuân chiến địa…)

Ngày tháng rồi sẽ qua đi. Những bất hạnh của cuộc đời sẽ lùi dần vào quá khứ. Nhưng sự nghiệp văn chương của bà sẽ còn được nói đến:

“Rằng ngày xưa ấy Ngân Giang

Một dòng sông lạnh muôn vàn sao rơi”.

Mối tình si

Theo nữ sĩ Ngân Giang thì bà có khá nhiều người mê, có người si mê. “Bây giờ vẫn còn có người mê đấy”- có lần bà bảo với tôi như vậy. Lúc ấy bà đã 80 tuổi. “Người ta mê nhau là vì cái tài, chứ sắc thì nay hết rồi”- bà bảo.

Trong nhân gian người ta hay đồn nhiều về chuyện thi sĩ-nhà giáo Đông Hồ chết trên bục giảng khi đang bình thơ bà. Đó là khi ông bình bài thơ “Trưng nữ Vương”, một trong những bài thơ được coi là hay nhất của Ngân Giang.

Người ta coi nó là tuyệt tác là bởi: Từ trước tới nay, hình tượng hai Bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị) nói chung và Bà Trưng Trắc nói riêng đã nhiều lần đi vào văn, thơ, nhạc, họa. Song đằng thẳng mà nói, ở thể loại thơ, hiếm có tác phẩm nào thể hiện được hình ảnh Bà Trưng Trắc đẹp một cách quyền quý, đài các như trong “Trưng nữ vương” của Ngân Giang. Có thể với những câu chữ đầy hình ảnh ước lệ, kiểu như: “khóe hạnh”, “bóng sao rơi”, “chim bằng”, “đường kiếm mã”, “gót ngọc”…, ta sẽ thấy “không gian thơ hơi ca kịch” (như nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét), song thiết nghĩ, chúng ta từng quen với một hình ảnh Bà Trưng Trắc mộc mạc, dân dã trong “Đại Nam quốc sử diễn ca” từng một thời được đưa vào sách giáo khoa (Bà Trưng quê ở Châu Phong/ Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên/ Chị em nặng một lời nguyền/ Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân/ Ngàn tây nổi áng phong trần/ Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên/ Hồng quần nhẹ bước chinh yên/ Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành/ Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh/ Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta/ Ba thu gánh vác sơn hà/ Một là báo phục, hai là Bá vương…) thì cũng nên biết đến một hình ảnh Bà Trưng Trắc trong phong thái của một vị nữ vương đài các. Thật hiếm có câu thơ nào tả được nỗi cô đơn bi tráng của vị Nữ vương trong khi vừa để tang chồng vừa mưu đền nợ nước đẹp và ấn tượng như mấy câu thơ này

“Hồn người chín suối cười an ủi

Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi”

và:

“Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận

Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời”.

Đặc biệt, hình ảnh xuất hiện ở đoạn kết bài thơ cùng với tiếng than não ruột đã nâng tầm bài thơ lên thành một bản “anh hùng ca” kết hợp với “tình ca”. Cái đẹp, cái mới trong tâm hồn một nữ thi sĩ sống ở thế kỷ XX đã nhập vào tâm hồn của một nhân vật lịch sử sống cách đó hai chục thế kỷ, khiến tâm thế nhân vật trở nên sống động, gần gũi hơn với độc giả thời nay. Và đó là một trong những thành công của bài thơ. Không phải ngẫu nhiên mà với khổ thơ kết bài:

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa

Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi

Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá

Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi…

Người ta kẻ lại rằng, vào ngày 25 tháng 3 năm 1969, trong khi đang bình bài thơ này cho các sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn cùng thưởng thức, đọc đến câu: “Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa/ Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi” và ông mới thốt lên: “Chàng ơi….” thì ngất xỉu ngay trên bục giảng, để rồi sau đó ít giờ, ông vĩnh viễn giã biệt thế gian. Cái chết của thi sĩ – nhà giáo Đông Hồ trong lúc trình diễn bài thơ của nữ sỹ Ngân Giang được xác định là do chấn động tâm lý, dẫn tới cơn tai biến mạch máu não. Đây được xem là một trong những giai thoại văn chương đẹp nhất từ trước tới nay.

Sau này tôi có đem câu chuyện này kể lại cho bà nghe, bà ý nhị bảo, bà cũng chỉ nghe người ta đồn thổi thế thôi.

Một tuần trước khi bà qua đời, tôi và một nữ đồng nghiệp đến thăm bà. Bà đã rất yếu, người cháu dìu bà ngồi lên xe lăn. Giọng đọc thơ của bà ngắt quảng sau những cơn thở dốc. Khi ra về bà cứ nắm mãi tay chúng tôi như không muốn rời. Khi chúng tôi đã đi ra cuối ngõ, nhìn lại vẫn thấy bà ngồi trên xe lăn trước cửa. Bà đưa tay lên định vẫy nhưng dường như cánh tay đã “không chịu nghe” bà.

Ngày 17/8/2002 bà đã trút hơi thở cuối cùng mang theo tất cả những vinh quan và cay đắng mà bà “được” và “phải” gánh chịu trên thế gian này.

Theo Lê Thọ Bình – Dân trí

Exit mobile version