Tiểu thuyết ra đời thế nào? Làm thế nào sáng tạo ra các thế giới? Tác phẩm văn học được mã hóa ra sao? Ai, nếu như không phải nhà nghiên cứu ký hiệu học, nhà phê bình văn học và tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng toàn thế giới, biết điều này?Xin gửi bạn đọc mấy trích đoạn từ cuốn “Tự bạch của một nhà văn trẻ” (Confessions of a Young Novelist) của Umberto Eco.

1. Trước tiên, cảm hứng – đó là ngôn từ bất nhã thường được những nhà văn láu cá sử dụng, hòng phóng đại giá trị nghệ thuật của bản thân. Ngạn ngữ xưa có câu: thiên tài có 10% cảm hứng và 90% mồ hôi.


2. Điểm xuất phát để tôi viết những tiểu thuyết của mình chỉ là hình tượng và ý tưởng khởi đầu nào đó. Chỉ tới khi cuốn tiểu thuyết thứ ba được phát hành tôi mới nhận thức đầy đủ rằng, mỗi cuốn trong số đó đã phát triển từ ý tưởng phôi thai nào đó, nó chỉ rõ nét hơn hình tượng mơ hồ một chút. Trong Những ghi chép trên cánh đồng “Tên của hoa hồng”(Il nome della Rosa – tiểu thuyết đầu tiên của Umberto Eco được phát hành ở Italia vào năm 1980. ND) tôi đã viết rằng tôi viết tiểu thuyết bởi “ý định đầu độc một tu sĩ”. Tất nhiên, thực sự tôi không hề dự định đầu độc một ai bên giáo hay bên lương. Chỉ đơn giản là hình tượng tu sĩ bị đầu độc khi đang giảng đạo làm tôi thấy bất an. Có thể trong tâm trí, tôi vẫn vương vấn cảm xúc từ năm 16 tuổi: khi đang đi dạo trong tu viện Benedictus trung cổ thờ Thánh Scholastica ở công xã Subiaco (Italia), tôi đã nhìn vào gian thư phòng tối tăm của tu viện và thấy cuốn “Hành vi của các Thánh” (Acta Sanctorum) trên án thư. Ánh sáng lọt qua các ô cửa kính. Lần giở những trang sách lớn trong không gian hoàn toàn tĩnh lặng, tôi cảm thấy nỗi lo sợ mơ hồ. Bốn mươi năm sau cảm giác của tôi từ thời niên thiếu đã chuyển từ tiềm thức thành ý chí. Hình tượng khởi đầu làm nền móng cho tiểu thuyết là như thế. Phần câu chữ thì hình thành muộn hơn, sau bao lần trăn trở. Ngôn từ dần dần xuất hiện trong quá trình tôi lục tìm những ghi chép đã tích cóp suốt 1/4 thế kỷ nghiên cứu về thời trung cổ, mà ban đầu dự định dành để thực hiện những mục tiêu hoàn toàn khác.


3. Kể chuyện – trước hết là quá trình vũ trụ học. Để dẫn dắt câu chuyện, tác giả, như một người tinh thông (demiurgos), sáng tạo nên thế giới của mình, khi đó các ngôn từ cần cho thế giới đó sẽ tự nhiên xuất hiện. Nó phải vô cùng chính xác để cho tác giả có thể bình tâm, tự tin xoay xở trong thế giới đó. Tôi luôn theo đuổi chính xác và tuyệt đối nguyên tắc này.


4. Để câu chuyện có thể phát triển mà không gặp trở ngại nào, nhà văn cần đặt ra những khuôn khổ có giới hạn nhất định. Bảy cái kèn của bảy thiên thần trong sách Khải huyền (Apocalypse) như một sơ đồ để các sự kiện trong “Tên của hoa hồng” phát triển – đó là giới hạn. Ngoài ra, cần đặt hành động vào giai đoạn lịch sử cụ thể, dựa vào đó sắp xếp để những hành động nào có thể diễn ra, còn những hành động nào thì không. Về phần mình, bằng việc tự hạn chế để sáng suốt quyết định những gì phù hợp với tâm trạng ám ảnh của các nhân vật trong “Con lắc Foucault” (Il pendolo di Foucault – tiểu thuyết thứ hai của Umberto Eco được phát hành ở Italia vào năm 1988. ND) bởi các môn khoa học thần bí, tiểu thuyết sẽ gồm 120 chương, phân chia theo số “Cây đời” (quan niệm xưa về cấu tạo bí ẩn của thế giới. ND)thành mười phần.


5. “Mã hóa kép” – một trong những thành tố hậu hiện đại điển hình, sử dụng đồng thời cách nói mỉa mai nhằm thu hút bạn đọc và một hệ thống tổng hòa các khái niệm, dấu hiệu, biểu tượng, ẩn dụ để diễn tả. Với việc sử dụng kỹ thuật mã hóa kép cho tác phẩm, tác giả đã tham dự vào một thỏa thuận ngầm với bạn đọc lão luyện, khi đó đông đảo bạn đọc, dù không hiểu rõ phần lớn những lời bóng gió, văn hoa có trong tác phẩm, vẫn cảm nhận được rằng “đã trải nghiệm” phần quan trọng của tác phẩm. Nhưng tôi cho rằng, chức năng của văn học không chỉ là giải trí và giúp ta thư giãn. Văn học còn phải động viên và khích lệ được mọi người đọc đi, đọc lại nhiều lần một tác phẩm để hiểu nó tốt hơn. Vì vậy, theo quan niệm thầm kín của tôi, mã hóa kép không phải trò gàn dở, phù phiếm, mà là một phương pháp thể hiện thái độ tôn trọng thiện ý và trí năng của bạn đọc.


6. Mỗi cuốn sách khoa học dứt khoát phải có tính chất phiêu lưu – hệt như bản phúc trình về những tìm tòi của Thánh Graal (Holy Graal).


7. Nhiều nhân vật văn học “sống” ngoài ranh giới bản tổng phổ của tác phẩm đã sinh ra mình. Các nhân vật đó đã di cư tới một vùng không có đường biên giới xác định trên hành tinh. Một số trong các nhân vật đó thậm chí còn di cư từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, bởi qua nhiều thiên kỷ, kể từ khi họ được sinh ra, trí tưởng tượng tập thể đã kịp bồi đắp cho họ vô vàn cảm xúc, bằng cách đó biến các nhân vật thành “dân du mục”. Phần lớn đã diễn ra từ những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại hay từ những huyền thoại, nhưng có lẽ không phải là tất cả. Trong cộng đồng chúng tôi có các nhân vật di cư như: Hamlet và Robin Hood, Heathcliff và Milady, Leopold Bloom và Superman. Việc biến nhân vật thành chủ thể du mục không phụ thuộc vào thẩm mỹ trong tổng phổ của tác phẩm ban đầu.


8. Để viết được một tiểu thuyết thành công, tác giả phải biết giữ bí mật cẩm nang của mình.


9. Tác giả luôn kiêm cả vai trò bạn đọc có tư duy lành mạnh đối với tác phẩm của mình, có toàn quyền bác bỏ bất cứ các lý giải bịa đặt nào. Nhưng thông thường, nhà văn phải tôn trọng các bạn đọc của mình, bởi chính nhà văn đã tung tác phẩm bóng bẩy, ẩn dụ của mình ra thế giới, giống như gửi thư vào trong chai. Vì vậy, sau khi công bố tác phẩm tiếp theo, tôi coi việc không bác bỏ bất cứ lý giải nào về tác phẩm (và không đưa ra lý giải của riêng mình) là trách nhiệm đạo đức. Dù sao thì tác phẩm đã bắt đầu có cuộc sống riêng của nó. Một tác giả có kinh nghiệm nên biết im lặng.

10. Hãy nói ngược – đó là khoái cảm cho cả bạn đọc và nhà văn.


LÊ MY (Theo Chaskor, 22-12-2014)

*Nhà văn, nhà phê bình văn học, giáo sư ký hiệu học Đại học Bologna, Italia

(Nguồn: Báo Văn nghệ số 10+11/2015)

Exit mobile version