Năm 2016, giới văn học nước ngoài đón nhận nhiều biến động và có những bất ngờ nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia. Đây cũng là năm tôn vinh những tác giả mới, những cây bút đến từ nhiều thủ phủ văn học khác nhau trên thế giới.

1. Nobel Văn học trao cho một nghệ sĩ
Có lẽ gây bất ngời nhất trong năm qua là việc giải thưởng văn học được mong chờ nhất thế giới thuộc về ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, họa sĩ, nhà văn và nhà biên kịch Bob Dylan (tên thật là Robert Allen Zimmerman, sinh năm 1941). Nếu như nhà cái Ladbrokes có khả năng dự đoán tên của người đạt giải trong các năm trước trong danh sách top 5 người có khả năng chiến thắng thì năm nay, Bob Dylan nằm ngoài dự đoán đó. Và dường như, không ai nghĩ đến cái tên của nghệ sĩ đa tài này.

2. Năm của J.K.Rowling
Năm 2016 là năm khá thành công của tác giả người Anh. Tháng 1/2016, Giải PEN trao cho bà giải thưởng vì những cống hiến và biện hộ cho quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Tiếp đó, 1/8/2016,Harry Potter and the Cursed Child ra đời, khép lại những chuyến phưu lưu của phù thủy Harry Potter nổi tiếng. Sự dừng lại đó lại làm khuấy động các nhà sách trên toàn thế giới. Không những thế, doanh thu của Harry Potter vẫn không hề giảm nhiệt sau 19 năm xuất bản trên toàn thế giới. Những tháng cuối năm 2016, tác giả còn tiết lộ về sự ra mắt của hai cuốn sách mới trong năm tới.

3. Goncourt trị giá 10 euro
Giải thưởng danh giá của nước Pháp được sáng lập để trao hàng năm cho “tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất trong năm”, nhưng chủ yếu chỉ trao cho tiểu thuyết.Với dấu ấn của mình, nhà văn Pháp gốc Maroc, Leila Slimani giành chiến thắng với cuốn tiểu thuyết Chanson douce (tạm dịch: Bài hát ngọt ngào). Theo Ban giám khảo, Chanson douce là câu chuyện có diễn biến tâm lý nhân vật hấp dẫn, các tình tiết đan xen, kết nối chặt chẽ, đặc biệt là bí ẩn của người vú em Louise.

4. Man Booker quốc tế thuộc về nhà văn Hàn Quốc
Từ năm 2005, Man Booker giành thêm một giải thưởng cho các nhà văn quốc tế có các tác phẩm viết bằng tiếng Anh được trao hai năm một lần. Tháng 5/2016, nhà văn Han Kang nhận được giải thưởng này cho tác phẩm The Vegetarian (đã xuất bản tại Việt nam với tên gọi Người ăn chay). Trưởng Ban giám khảo Man Booker Quốc tế, Boyd Tonki cho biết đây là câu chuyện “lạ lùng”, “nó nhấn mạnh những câu tục ngữ một cách khéo léo, phi thường và kiểm soát”.
Năm 2016 cũng gây bất ngờ khi Man Booker, giải thưởng danh giá của Anh Quốc trao cho một nhà văn Mỹ sau ba năm thay đổi luật lệ – trao giải cho những tác phẩm viết bằng tiếng Anh xuất bản trên toàn thế giới. Giành chiến thắng là tác phẩm The Sellout, với giọng điệu châm biếm về nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ với câu chuyện về Bonbon, một người đàn ông da đen trẻ tuổi cố gắng khôi phục lại chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc ở ngoại ô Los Angeles.

5. 400 năm ngày mất Shakespeare
Sự kiện được ghi dấu bởi nhiều hoạt động diễn ra sôi động trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam như: Triển lãm các tác phẩm đầu tiên của William Shakespeare sẽ được khai mạc vào ngày 6/9 tại Đại học Leeds (Anh); Cuộc thi “Shakespeare lives in Sonnets”, Dự án Shakespeare Lives tại Việt Nam; Liên hoan William Shakespeare 2016 được đồng tổ chức bởi Hiệp hội Sân khấu thế giới  (ITI), Học viện Kịch nghệ Thượng Hải, Trung Quốc; bộ tem gồm 10 chiếc, in những câu nói nổi tiếng trong tác phẩm của William Shakespeare nhằm tưởng nhớ những đóng góp to lớn cho nước Anh và toàn thế giới..

6. Quỹ Sách Quốc gia Mỹ trao Huy chương Thành Tựu trọn đời cho một nhà báo

Robert A. Caro – nhà báo và cây bút tiểu sử nổi tiếng – vinh dự nhận giải thưởng này vào Lễ Kỉ niệm Giải thưởng Sách Quốc gia Tổ chức vào 16/11 tại New York (Mỹ).
Ông đã từng 2 lần giành giải Pulitzer ở hạng mục tiểu sử, 2 lần giành giải thưởng của Hội đồng Phê bình sách quốc gia cho Cuốn sách phi hư cấu hay nhất của năm và giải Tiểu sử hay nhất của năm, vô số giải thưởng liên quan được trao tặng bởi Viện Văn học và Nghệ thuật Mĩ và Huân chương Nhân văn Quốc gia từ Tổng thống Obama.

7. Giải thưởng Văn học Quốc tế Dublin thuộc về nhà văn gốc Ấn
Với mức thưởng 100.000  Euro (khoảng 2,5 tỷ Đồng), đây là giải thưởng hấp dẫn nhất thế giới của thành phố Dublin (Ireland) đối với tác phẩm viết bằng bất cứ ngôn ngữ nào nhưng được xuất bản bằng tiếng Anh. Năm nay, giải thưởng này thuộc về cuốn tự truyện của nhà văn gốc Ấn Độ Akhil Sharma cho tác phẩm Family Life (tạm dịch: Cuộc sống gia đình). Trước đó, cuốn sách cũng đã giành giải thưởng Folio năm 2015.

8. Lisa McInerney ghi dấu ấn cho giải Baileys ngay cuốn tiểu thuyết đầu tiên
Lisa McInerney bắt đầu sự nghiệp của mình như là một nhà văn viết truyện chia sẻ trên blog. Tác phẩm của cô đã đánh bại người chiến thắng Man Booker – Anne Enright và người có sách bán chạy nhất, Hanya Yanagihara để mang về giải thưởng trị giá 30.000 bảng Anh (gần 1 tỷ VNĐ).
The Glorious Heresies được đánh giá là “cuốn tiểu thuyết động lòng trắc ẩn, đem đến chỉ dẫn cho cuộc sống tăm tối bằng lối viết hài hước và cách kể chuyện khéo léo”.

Cuốn sách của Lisa McInerney đã đánh bại 10 cuốn sách khác trong danh sách chung khảo


9. Giải thưởng thơ được mong đợi nhất nước Anh
Nữ nhà thơ người Anh, Sarah Howe giành giải thưởng thơ TS Eliot với tuyển tập thơ đầu tay Loop of Jade (Tạm dịch: Vòng quay của Jade). TS Eliot là Giải thưởng thi ca lớn nhất Vương quốc Anh mang tên nhà thơ TS Eliot, trao cho các tác phẩm thơ được xuất bản ở Vương quốc Anh và Ai-len. 
Sarah Howe đã vượt qua chín nhà thơ khác trong vòng chung kết để giành phần thưởng trị giá 20.000 bảng Anh (khoảng 650 triệu VNĐ), trong đó có những cây bút có tiếng như: Mark Doty, Selima Hall, Les Murray, Sean O’Brien và Don Paterson. Trước đó, cô đã từng đoạt giải Eric Gregory cho cuốn A Certain Chinese Encyclopaedia, giải thưởng nhà văn trẻ của năm.

10. Costa Book năm ghi dấu bằng cuốn sách viết cho thiếu nhi
Costa Book trao giải cho các hạng mục: tiểu thuyết, tiểu thuyết đầu tay, tiểu sử, sách thiếu nhi và thơ. Giải thưởng đã nhận được 630 cuốn sách tham dự giải, trong đó chủ yếu là tác phẩm đến từ Anh và Ireland. Mỗi tác giả chiến thắng trong từng hạng mục sẽ nhận phần thưởng 5.000 bảng Anh và cùng tranh giải Costa của năm.
Chiến thắng cuối cùng thuộc về The Lie Tree (Tạm dịch: Cây nói dối) – cuốn sách viết cho thiếu nhi của nhà văn Frances Hardinge. Ban giám khảo cho biết, cuốn sách là sự kết hợp giữa các yếu tố kinh dị, trinh thám và một phần tiểu thuyết lịch sử. Cuốn sách có một nhịp điệu xuyên suốt và cực kỳ chính xác, là tiếng nói vô cùng khéo léo của một cô gái 14 tuổi. 

PV – Văn nghệ Quân đội