Các biên tập viên kỳ cựu của tờ The New York Times vừa công bố 10 cuốn sách hấp dẫn nhất trong năm 2015.

The Door (Magda Szabo)

Nhà văn Magda Szabo qua đời vào năm 2007, xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên năm 1987. The Door kể về hai người phụ nữ sống trong thế kỷ 20 có mối quan hệ căng thẳng. Một người là tiểu thuyết gia luôn cảm thấy bận rộn với các công việc vặt trong nhà, còn một là người quản gia. Câu chuyện được xây dựng bởi mối quan hệ đặc biệt bằng văn phong ấn tượng.

A Manual for Cleaning Women: Selected Stories (Lucia Berlin)

Berlin, người qua đời vào năm 2004, để lại rất nhiều tác phẩm văn học mà ít người biết đến. Những truyện ngắn của Berlin từng được đăng trên tạp chí văn học và chỉ được đề cập tới trong một vài cuốn sách nhỏ. Cuốn sách là sự pha trộn giữa các cung bậc cảm xúc, trong đó điều người ta nhận thấy rõ ràng nhất là nỗi buồn và sự tuyệt vọng.

Outline (Rachel Cusk)

Tinh tế, độc đáo, mới lạ, thông minh, là những gì các biên tập viên đánh giá về cuốn sách này. Chuyện kể về người phụ nữ đã ly hôn và có một chuyến du lịch ở Hy Lạp. Trong chuyến đi, nhân vật chính đã lắng nghe và thấu hiểu nhiều câu chuyện tình yêu: lừa dối, mất mát, niềm tự hào và đôi khi còn có chút điên rồ.

The Sellout (Paul Beatty)

Đây là cuốn sách châm biếm nhất trong 10 cuốn tiểu thuyết năm nay. Nhà văn Paul Beatty đã khám phá điều mà hàng trăm năm qua nước Mỹ đối mặt – nạn phân biệt chủng tộc. “The Sellout là một trong những tiểu thuyết Mỹ quan trọng nhất và được viết một cách khó khăn nhất trong thế kỷ 21” –  Kiese Laymon, Los Angeles Times đã viết.

03best beatty slide
Một số cuốn sách được bình chọn

Lost Child: The Neapolitan Novels: “Maturity, Old Age” (Elena Ferrante)

Giống như những phần trước của cuốn sách The Story of the Lost Child, câu chuyện kể về tình bạn trong một cuộc sống nghèo đói, tham vọng, bạo lực và đấu tranh chính trị. Truyện xoay quanh hai nhân vật chính Elena và Lila – đại diện cho người phụ nữ hiện đại.

Between the World and Me (Ta-Nehisi Coates)

Được viết dưới dạng thư, Between the World and Me là những lời tâm sự thân thiết và ngọt ngào nhất. Vấn đề người cha viết cho con trai là những câu hỏi lớn xoay quanh lịch sử, lý tưởng của đất nước. Ta-Nehisi Coates đã cung cấp cho độc giả một lượng kiến thức rộng rãi về lịch sử dân tộc và những cuộc khủng hoảng hiện nay.


Empire of Cotton: A Global History (Sven Beckert)

Nếu đường là một trong những mặt hàng được ưa chuộng vào thế kỷ 18, 19 thì chắc chắn sợi bông sẽ đứng đầu trong thế kỷ 20. Trong cuộc khảo sát rộng rãi, Beckert đã cho độc giả cái nhìn toàn diện về ngành công nghiệp toàn cầu.

H Is for Hawk (Helen Macdonald)
H is for Hawk đã giành giải Costa book năm 2014. Tác giả đã có “một nỗi ám ảnh” với loài chim săn mồi. Là một nhà thơ, nhà sử học, nhà tự nhiên học và là một họa sĩ, Macdonald dành tình yêu cho các loài chim từ nhỏ, sau đại học cô dành hầu hết thời gian nghiên cứu loài chim ưng. Câu chuyện kể về mối quan hệ gắn bó giữa con người với loài chim ưng hoang dã. Trong đó, Macdonald tiết lộ cách huấn luyện chim đã giúp cô đối mặt với nỗi đau mất cha của mình.


The Invention of Nature: Alexander von Humboldt’s New World (Andrea Wulf)

Alexander von Humboldt (1769–1859) là nhà khoa học nổi tiếng. Cuộc sống của ông gắn liền với những cuộc phiêu lưu dài ngày. Ông đã từng leo lên nhiều ngọn núi lửa cao nhất thế giới, nghiên cứu thiên nhiên, vạn vật ở khắp mọi nơi. Trong cuốn sách, tác giả tập trung viết về môi trường hoang dã và khám phá về sự tương đồng giữa các vùng khí hậu và thảm thực vật ở các châu lục khác nhau.

One of Us: The Story of Anders Breivik and the Massacre in Norway (Asne Seierstad)

Đây là một trong những tác phẩm phóng sự xuất sắc nhất. Seierstad – một nhà báo người Nauy đã khám phá mặt tối ở vùng Scandinavia (Bắc Âu) qua cuộc sống của tên tội phạm Anders Behring Breivik – kẻ đã giết chết 77 người (trong đó chủ yếu là thanh thiếu niên). Những vấn đề nổi cộm trong xã hội, đặc biệt là vấn đề nữ quyền, đa dạng văn hóa, ảnh hưởng của tôn giáo… được phản ánh chân thực. Cuốn sách được đánh giá không chỉ là văn chương mà còn mang tính biểu tượng.
Theo Đình Phương – Văn nghệ quân đội (dịch từ The NY Times)
Exit mobile version