Lê Lam
Mới đây, Nhà xuất bản Texas Tech University Press đã thông báo xuất bản tập truyện ngắn gồm 10 truyện của Bảo Ninh, đặt tên là ‘Hà Nội at Midnight’.
Nhà văn Bảo Ninh. Ảnh: Thạch Thảo.
Trên trang web của Texas Tech University Press, cuốn sách được giới thiệu đánh dấu sự trở lại của Bảo Ninh sau 30 năm kể từ lần đầu Nỗi buồn chiến tranh được xuất bản ở Mỹ.
Trong tập truyện ngắn Hà Nội at Midnight, độc giả Mỹ sẽ được đọc 10 truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Bảo Ninh: Rửa tay gác kiếm, 301, Lá thư từ Quý Sửu, Trại bảy chú lùn, Giang, Bằng chứng, Bí ẩn của làn nước, Ngôi sao vô danh, Hà Nội lúc 0 giờ, Gió dại…
Phụ trách dịch thuật là Quan Manh Ha (Hà Mạnh Quân), Giáo sư Văn học Mỹ tại Đại học Montana và nhà văn Cab Trần. Đơn vị xuất bản nhận định 2 dịch giả đã làm sống động được ngôn ngữ sáng tạo và giàu chất thơ của Bảo Ninh.
Giới thiệu về tập truyện ngắn Hà Nội at Midnight, đơn vị này viết: “Đan xen với những hình ảnh kinh hoàng của chiến tranh là những giọt nước mắt rơi trong lễ tiễn biệt, khi tân binh phải xa người thân, khi những bậc cha mẹ phải sống trong lo âu và hy vọng về những người con ngoài chiến trường, khi những người lính chôn cất đồng đội, mang gánh nặng ước nguyện chưa thành thay người đã ngã xuống. Hà Nội at Midnight mô tả những diễn biến phức tạp của chiến tranh và cách nó tái định hình mối quan hệ giữa người với người”.
Bìa sách Hà Nội at Midnight. Ảnh: TTUP.
Trong sách, đơn vị xuất bản này đã gửi lời cảm ơn đến nhà văn Bảo Ninh vì đã “tin tưởng và cho phép” họ dịch tác phẩm.
Theo đó, hai dịch giả đã mất gần 2 năm để hoàn thành bản dịch. “Vì chúng tôi không trực tiếp tham gia chiến tranh và hiểu biết về những thuật ngữ trong quân đội còn hạn chế, ông đã từ tốn giảng giải cho chúng tôi hiểu để chuyển ngữ chính xác nhất”, trích lời cảm ơn in trong sách.
TS Nguyễn Văn Thuấn, khoa ngữ văn, Đại học Sư phạm Huế là người viết lời nói đầu cho ấn phẩm này. Trong đó, ông nhận xét về các nhân vật của Bảo Ninh như sau:
“Họ tràn trề sức sống, non dại, trong vắt. Một số ít trong họ rất mực tài hoa, quả cảm và quyết liệt. Dường như tất cả người đẹp nhất, đáng kỳ vọng nhất của thế hệ này, nghiệt ngã thay, đều thành nạn nhân của chiến tranh”.
“Những người may mắn thoát khỏi cuộc chiến chẳng còn cảm nhận được vinh quang, bởi thân thể rã rời, tàn tạ, già nua, tâm hồn bệch bạc. Họ lận đận, khó khăn khi thích ứng, luôn bị kí ức sừng sững ngăn cách, vò nhàu để rồi có nguy cơ mắc kẹt đâu đó trong quá khứ đau nhói tàn tích bom đạn”.
TS Thuấn cũng nhận định: “Truyện ngắn Bảo Ninh cực nhiều âm thanh mà vẫn cực độ âm thầm. Nhiều màu sắc mà lại như tranh mực Tàu cổ điển. Nét từng trải sầu buồn trong văn ông sang quý hiếm gặp mà vẫn là nỗi đau thế kỉ trong mỗi người Việt Nam. Từ khi xuất hiện, Bảo Ninh đã thu hút sự quan tâm của dư luận”.
Rất nhiều ý kiến khẳng định tài năng và vẻ đẹp văn chương của ông. Đọc văn Bảo Ninh, TS Thuấn hoàn toàn đồng tình với ý kiến của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Bảo Ninh thuộc số rất ít nhà văn có văn đẹp và văn hay”.
Trước đây, Bảo Ninh được văn đàn thế giới biết đến qua tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh. Tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Anh từ năm 1993, lấy tên là The Sorrow of War. Tác phẩm này được giảng dạy rộng rãi trong các đại học ở Mỹ, có vị trí trang trọng trong không gian trường học Mỹ.
Đến nay, cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra 15 thứ tiếng, 18 phiên bản (mỗi thứ tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Trung có hai phiên bản), tiếng Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Pháp, Đức, Ba Tư, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Thái Lan.
Nguồn: Baomoi.com