VŨ LÂM

Tác phẩm “Tôi” của họa sĩ Dương Ngọc Hùng.

Mỹ thuật hiện đại Việt Nam, hình thành cùng với ngôi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đầu tiên năm 1925 tại Thủ đô. Nhưng mỹ thuật của riêng Hà Nội không hình thành một “trường phái họa” rõ nét qua nhiều thập kỷ trước, như đã từng hình thành những trường phái nghệ thuật mang tên một vùng đất trung tâm như ở nhiều nơi trên thế giới. Có lẽ, triển lãm “Dưỡng Sắc” khai mạc vào ngày 21 – 1 vừa qua tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã định nghĩa thêm một cách tường minh cho “trường phái Hà Nội” này.

“Dưỡng Sắc” là cuộc đối thoại của hai thế hệ họa sĩ 5x và 7x. Ba người cao niên nhất là các họa sĩ Lương Xuân Đoàn (sinh năm 1952), Nguyễn Xuân Tiệp và Dương Ngọc Hùng (đều sinh năm 1956). Ba họa sĩ trẻ thế hệ 7x là Nguyễn Xuân Long (1974), Vũ Hồng Nguyên (1976) và Trần Mạnh Hùng (1977). Cân bằng giữa hai “đầu đòn gánh” hội họa của hai thế hệ này là các tác phẩm gốm của nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Khắc Quân (1962).

Hai họa sĩ có thâm niên sáng tác nhất, Lương Xuân Đoàn và Nguyễn Xuân Tiệp đều là người Hà Nội, sinh ra trong gia đình nghệ thuật và cái “chất thị thành” lãng mạn có âm hưởng sâu sắc trong sáng tác của họ. Cha của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp là nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng Nguyễn Đình Phúc; và họa sĩ Đông Dương nổi tiếng Lương Xuân Nhị, là bác ruột của họa sĩ Lương Xuân Đoàn. Hai họa sĩ Lương Xuân Đoàn và Nguyễn Xuân Tiệp đều là các họa sĩ trụ cột của nghệ thuật thời Đổi Mới. Các sáng tác của họ: “Tháng bảy”, “Tháng tám” và “Sáng Thế Kỷ” (Lương Xuân Đoàn) hay “Miền ký ức 1, 2, 3” (Nguyễn Xuân Tiệp) dù vẽ đen trắng hay mầu dầu, đều đậm chất hoài cảm, lãng mạn, mơ mộng tột cùng trong ám ảnh tín ngưỡng riêng của các tác giả.

Nhưng các tác phẩm thuộc loại đặc biệt nhất trong triển lãm, lại là các sáng tác của họa sĩ Dương Ngọc Hùng. Đam mê mỹ thuật từ nhỏ, tuổi thiếu niên, ông đã cuốc bộ từ Đan Phượng lên Hà Nội để dự thi vào khóa trung cấp của Trường mỹ thuật Yết Kiêu, hay gọi nôm na là khóa “thiếu sinh quân mỹ thuật”. Sau năm thứ hai học trung cấp, ông đã vượt lên dẫn đầu lớp, ngang ngửa không kém gì các bạn bè con nhà nòi nghệ thuật khác. Tiếp tục học và tốt nghiệp đại học năm 1986, ông về công tác tại Báo Nhân Dân, và làm việc ở đây cho đến khi về hưu. Chính vì cống hiến toàn bộ thời gian tuổi trẻ cho báo chí, nên khi đang là viên chức, ông chưa được toàn tâm toàn ý cho sáng tác. Phải tận đến khi về hưu, họa sĩ mới có thêm thời gian dành toàn bộ tâm huyết cho sự nghiệp hội họa. Các sáng tác mới nhất của ông trộn giữa tình cảm đạo và đời, những thánh nữ, tiểu thiên thần có cánh lơ lửng trong những không gian hoang đường, vừa thanh khiết, nhưng cũng phô bày, gợi cảm mãnh liệt.

Cùng tìm về những nguồn mạch văn hóa cổ của cha ông để chuyển tải hơi thở đương đại trên giấy dó, nhưng hai họa sĩ Nguyễn Xuân Long và Trần Mạnh Hùng lại có cách khơi nguồn khác nhau. Tranh của Nguyễn Xuân Long nhìn qua phảng phất tinh thần của tờ sắc phong, hay bùa chú, bởi những hoa văn cổ được họa sĩ vẽ lên dầy đặc. Nhưng nếu nhìn kỹ, thì dưới những hoa văn đó, lại có những hình vẽ sinh thực khí với ẩn ức khá bạo liệt. Họa sĩ Trần Mạnh Hùng thì vẽ những “điệu múa cổ”, nhưng không phải kiểu “điệu múa cổ” của Nguyễn Tư Nghiêm, mà là những “điệu múa cổ” kỳ ảo và mỵ hoặc của riêng anh. Đối lập với những sáng tác của hai đồng nghiệp 7x, là các bức trừu tượng vẽ bằng acrylic loang chảy của Vũ Hồng Nguyên. Và, đem lại “sức nặng” ba chiều cho triển lãm là loạt tượng gốm đàn bà vô cùng phồn thực và khỏe khoắn của Nguyễn Khắc Quân…

“Dưỡng sắc cũng là dưỡng tâm, cứ thuận mệnh mà đi…” là câu nói của họa sĩ Lương Xuân Đoàn trong lời giới thiệu. Riêng tôi muốn thêm, rằng việc “dưỡng sắc” này là việc các nghệ sĩ chốn Thủ đô làm đậm nữa thêm cho tâm hồn Hà Nội bằng mỹ thuật. Cái nghệ thuật “kiểu Hà thành” này không tạo nên sự cách tân gì ghê gớm, nhưng tha thiết, và rất mực tinh tế…

Theo Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version