Các tỉnh miền núi phía bắc còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế – xã hội nhưng vẫn tạo dựng và phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” khá rộng khắp. Tuy nhiên, để phong trào thật sự phát huy hiệu quả, các cấp chính quyền, đoàn thể cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn.
Qua con số thống kê, có thể thấy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển khá đều ở các tỉnh miền núi phía bắc. Tỉnh Thái Nguyên có tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 87,6%; số thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa là 77,53%; tỉnh Hòa Bình có 77,7% gia đình văn hóa, 68,2% làng, bản, tổ dân phố văn hóa; tỉnh Ðiện Biên có 57,7% gia đình văn hóa; 37,2% thôn, bản văn hóa; Lạng Sơn có 72,3% gia đình văn hóa, 47% thôn, bản văn hóa; tỉnh Hà Giang có 56,6% gia đình văn hóa tiêu biểu; 35,6% làng được công nhận làng văn hóa…
Với những tiêu chí chung trong Bộ tiêu chí quốc gia về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các địa phương đã chủ động vận dụng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống ở các gia đình trong khu dân cư, cũng như việc điều chỉnh, lành mạnh hóa phong tục, tập quán của đồng bào. Phong trào thật sự đi vào cuộc sống, phù hợp với vùng miền, lan tỏa vào từng gia đình, từng thôn, bản, khơi dậy niềm tin, sự thi đua sáng tạo trong cộng đồng dân cư. Người dân và các tổ chức xã hội phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết, gắn kết “tình làng nghĩa xóm”. Ðồng bào tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xóa đói, giảm nghèo, củng cố an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc.
Phong trào góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc, thúc đẩy hoạt động văn nghệ quần chúng khắp các bản làng. Nhiều lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp được giữ gìn. Những cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng vùng núi phía bắc thu hút nhiều nghệ nhân, người dân tham gia như Liên hoan xòe vùng Tây Bắc; Liên hoan hát Then – Ðàn tính vùng Ðông Bắc… Nhiều thôn, bản trở thành điểm đến thu hút du khách tại Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh… Phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, tạo môi trường du lịch đa dạng, hấp dẫn.
Tuy nhiên, phong trào cũng gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi lãnh đạo các địa phương quan tâm đầu tư thích đáng, phù hợp yêu cầu thực tế. Trước hết, cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Ðặc điểm của các tỉnh miền núi là không gian rộng, đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung. Ðời sống văn hóa hầu như chỉ được quan tâm ở những nơi đông dân cư, cho nên khi xây dựng nông thôn mới, cần chú trọng xây dựng nhà văn hóa theo đúng quy chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Các nhà văn hóa không chỉ là nơi diễn ra sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà còn là địa điểm hội họp của các tổ chức, đoàn thể. Ðội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở miền núi rất vất vả, thường xuyên phải trèo đèo lội suối đến tận các bản, làng nằm cách xa trung tâm để gây dựng phong trào. Song những cán bộ này thường làm công tác kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản, chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy thường không yên tâm công tác lâu dài.
Để phong trào thật sự thu hút toàn dân tham gia, việc giáo dục tuyên truyền giữ vai trò quan trọng. Ðã và đang xuất hiện nhiều hình thức tuyên truyền mới, có hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua những hoạt động văn hóa – nghệ thuật. Các địa phương cần thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, tôn vinh các danh hiệu văn hóa, kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt. Những hình thức tuyên truyền cũ trước đây như tuyên truyền cổ động ở các phiên chợ, lập đội thông tin lưu động đến tận các bản làng… cũng cần được các địa phương rút kinh nghiệm, tiến hành tổ chức lại, góp phần tăng cường hiệu quả tuyên truyền.
Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử
Lê Thị Hồng Nhung đăng bài