dsc_0125_02

Khi lần đầu mò mẫm tập chụp ảnh, ba tôi thường nói “ảnh xấu hay đẹp không quan trọng, quan trọng là ảnh có nội dung hay không”. Chính vì vậy, thay vì để ý nhiều vào kĩ thuật chụp, tôi thường tập trung vào câu chuyện trong bức ảnh của mình. Đó có thể là biểu cảm trên gương mặt nhân vật của tôi; là ánh sáng, màu sắc của thiên nhiên và cảnh vật, tóm lại là những khoảnh khắc cuộc sống. Tôi cố gắng tái hiện nhiều nhất có thể, vì suy cho cùng “Một bức ảnh giá trị bằng một ngàn chữ”.

Một bức ảnh giá trị bằng một ngàn chữ.

Câu nói từ lâu được mặc định như một châm ngôn trong nhiếp ảnh, câu nói mà có thể dễ dàng bắt gặp trong những tài liệu, những website dạy chụp ảnh, thậm chí trở thành câu cửa miệng khi người ta đề cập đến chuyện chụp ảnh hay những thứ đại loại như vậy. Một châm ngôn mà bất cứ nhiếp ảnh gia nào cũng đều muốn hướng tới

Đúng như vậy, một bức ảnh đẹp có thể truyền tải một hay nhiều câu chuyện mà ngôn từ không thể diễn tả hết. Ảnh là phiên bản thu nhỏ của cuộc sống, có màu sắc, có con người, có sự chuyển động. Một bức ảnh đẹp lưu giữ các chi tiết sống động ấy rồi trải phẳng trên cái khung bốn cạnh của nó, nhưng những chi tiết đó phải là chọn lọc. Nếu như sách sử dụng ngôn ngữ để kể diễn biến câu chuyện, truyền hình thuật lại quá trình một sự việc qua những thước phim, thì nhiếp ảnh lại chọn lựa khoảnh khắc đắt giá nhất, có nhiều lớp nghĩa nhất để thực hiện mục đích của mình.

Một bức ảnh có giá trị bằng một ngàn chữ chính là có ý nghĩa như thế.

Và đó là tất cả những gì tôi hiểu về nhiếp ảnh trước khi vào Đại học.

Tôi học chuyên ngành Báo in, một chuyên ngành không liên quan đến ảnh nhiều lắm nhưng chụp ảnh vẫn là một kĩ năng cần thiết cho công việc sau này. Có một môn học gọi là Ảnh báo chí, nó hơi khác so với nhiếp ảnh nói chung một chút, tức là ảnh của tôi phải bám sát vào dòng thời sự, hàm chứa thông tin. Đôi khi những tác phẩm ảnh chỉ dùng để minh họa, đôi khi chúng là thành phần chính của một bài phóng sự ảnh, tin ảnh.

Chỉ đến khi học môn này tôi mới biết tác giả của câu nói trên lại là một nhà văn, tên ông ấy là William Saroyan, đặc biệt hơn nữa, câu nói tôi thường nghe chỉ là một phần của một triết lý khác lớn hơn:

“Một bức ảnh giá trị bằng một ngàn chữ. Đúng vậy, nhưng đó là khi bạn nhìn vào bức ảnh và nói hay nghĩ bằng một ngàn lời”

Đứa trẻ đã bị chết khi quân Sài Gòn truy đuổi du kích Giải phóng

Tác phẩm trên được chụp ngày 19/3/1964 bởi phóng viên người Đức – Horst Faas (AP) và đoạt giải Pulitzer một năm sau đó. Tôi có khá nhiều kỉ niệm với bức ảnh này. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó qua một bài báo tổng hợp những khoảnh khắc của chiến tranh Việt Nam, bức ảnh được đặt lẫn trong hàng loạt những tác phẩm ảnh khác về cùng một chủ đề, không chú thích, chỉ ghi tên tác giả và ngày chụp. Ánh mắt thất thần, đau thương xen lẫn sợ hãi của người đàn ông ôm đứa bé ám ảnh tôi. Tôi không rõ toán lính ngồi trên xe thiết giáp là ai, là người qua đường hay là họ đã làm gì với đứa trẻ đó, nhưng hai phía trái phải của khung hình là hai thứ cảm xúc khác biệt, một bên đầy đau đớn, bên còn lại dường như là thờ ơ.

Tôi bắt đầu tìm hiểu câu chuyện đằng sau bức ảnh ấy. Tên của nó là “Đứa trẻ đã bị chết khi quân Sài Gòn truy đuổi du kích Giải phóng”. Người đàn ông Việt Nam ôm xác đứa trẻ chính là cha của em và phía bên kia khung hình là toán lính biệt kích của quân đội Sài Gòn. Đứa trẻ đã bị chết khi quân Sài Gòn truy đuổi du kích Giải phóng trong một ngôi làng gần biên giới Campuchia. Đó là toàn bộ những gì mà bức ảnh tái hiện.

Bức ảnh đen trắng, cùng với một chú thích ảnh, Horst Faas đã hoàn thành nhiệm vụ của mình – kể một câu chuyện có giá trị bằng một ngàn chữ.

Nhiệm vụ còn lại, hay nửa còn lại của triết lý, thuộc về công chúng.

Một bức ảnh có ý nghĩa hay không, còn phụ thuộc vào cách người ta nhìn nhận và suy ngẫm về nó.

Mà cũng còn tùy vào từng người, dù sao công chúng cũng được chia làm nhiều loại.

Có người sẽ nhìn vào với ánh mắt đồng cảm và thương xót với người cha trong bức ảnh. Có người sẽ nhìn vào với ánh mắt sợ hãi và rùng mình trước sự khốc liệt của chiến tranh. Những người nghĩ sâu xa hơn thì chiêm nghiệm về giá trị của hòa bình đối với trẻ thơ. Nhưng cũng có những người vì một bức ảnh mà bị thôi thúc hành động, họ đấu tranh cho hòa bình, phản đối chiến tranh, họ dùng chính sức mạnh tự có của mình – áp lực công chúng, để đấu tranh cho điều mà họ cho là ý nghĩa. Cách ứng xử của người xem ảnh phản ánh phần nào việc họ đặt suy nghĩ của mình vào bức ảnh đến đâu.

Ảnh nói chung hay ảnh báo chí đều là sản phẩm sáng tạo của người chụp ảnh, nghĩa là sẽ được trình bày trước công chúng một ngày nào đó (không nói đến những tác phẩm họ giữ cho riêng mình). Đến lúc ấy, tác phẩm ảnh không đơn thuần là sản phẩm sáng tạo của người chụp ảnh nữa, nó là sản phẩm mang tính tương tác giữa người chụp và người xem. Tác giả kể một câu chuyện một ngàn chữ cho người xem, và người xem đáp lại họ bằng những cảm xúc và suy nghĩ về câu chuyện ấy. Bản thân nội dung của bức ảnh đã làm nên giá trị cho chính nó nhưng chính cái cách công chúng nhìn vào và suy nghĩ hay nói bằng một ngàn lời mới khiến giá trị đó trở nên trọn vẹn.

Hay nói cách khác, tự thân bức ảnh đã là giá trị thông tin, nghệ thuật, còn công chúng đơn giản là bổ sung thêm giá trị xã hội cho nó mà thôi.

Một ngàn chữ hay một ngàn lời chỉ là một sự so sánh mang tính tương đối, điều quan trọng nằm ở cái tâm của người chụp ảnh lẫn người xem ảnh. Nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh hay kể cả những người chụp ảnh nghiệp dư cần biết mình định chụp gì, mình muốn tái hiện điều gì, truyền tải điều gì, liệu những giá trị họ thể hiện trong bức ảnh có đủ độ nặng để công chúng đánh giá và suy nghĩ? Và công chúng, liệu họ có đủ chân thành để đón nhận những tác phẩm ấy? Một vòng tròn kiến tạo giá trị và đem đến ý nghĩa giáo dục bằng hình ảnh có lẽ là điều cuối cùng mà William Saroyan muốn chúng ta hiểu.

Minh Anh

Exit mobile version