Sau Mtislav Rostropovich (cello), Hilary Hahn, Sarah Chang (violin)…, người yêu nhạc cổ điển Việt Nam lại có cơ hội lắng nghe một nghệ sỹ đẳng cấp thế giới đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, Matthias Goerner.
Matthias Goerner là một trong những nghệ sỹ giọng nam trung (baritone) hàng đầu thế giới ở cả địa hạt opera và thính phòng, với một phạm vi biểu diễn rộng từ Bach (thời kỳ Baroque), Schubert, Schumann, Brahms, Wagner, Mahler (thời kỳ Lãng mạn), Batork (thời kỳ Hiện đại) đến Eschenbach, Leif Ove Andsnes (Đương đại)…
Sinh năm 1967 tại Weimar, ngay từ khi còn nhỏ, Goerner đã suy nghĩ rất nghiêm túc về con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. “Tôi nhớ lúc chín tuổi, khi bạn bè, người thân hỏi tôi muốn làm gì, tôi đã nói rằng mình muốn trở thành một ca sỹ cổ điển”, anh kể trên Limelight, một tạp chí chuyên về âm nhạc và nghệ thuật của Australia. Năm 10 tuổi, anh đã là thành viên dàn hợp xướng nhà thờ và hát trong nhiều vở nhạc kịch cần đến sự góp mặt của hợp xướng thiếu nhi, ví dụ như La Bohème hay Carmen.
Goerne chạm đến thành công khá sớm: vai diễn Papageno trong Cây sáo thần (Mozart) tại Festival Salzburg năm 1997 đã mở ra cho anh con đường tới các nhà hát opera hàng đầu thế giới – Covent Garden, Vienna State Opera, Metropilitan. Anh cũng không ngại biểu diễn những vai đòi hỏi kỹ thuật và cường độ cảm xúc lớn trong các vở opera của Wagner như Tannhäuser, Tristan, Parsifal hay các tác phẩm của các nhà soạn nhạc hiện đại như Mathis der Maler (Hindemith), Lear (Reimann). Khi được hỏi vai diễn nào có ý nghĩa lớn nhất với mình, anh cho biết không khó để trả lời, đó chính là Wozzeck của Alban Berg. “Có thể bộ Chiếc nhẫn của người Nibelung [Rhinegold, Valkyrie, Siegfried, Twilight of the Gods] đứng ở vị trí tiếp theo nhưng công bằng mà nói diễn cả bốn vở liên tiếp ở cùng một đẳng cấp là điều rất khó…”.
Không riêng opera, Goerne còn ghi dấu ấn ở địa hạt lieder. Góp phần tạo dựng thành công này của Goerne là những người thầy của anh như Dietrich Fischer-Dieskau và Elisabeth Schwarzkopf, hai trong số những giọng ca chuyên hát lieder vĩ đại nhất thời đại mình. “Không chỉ dạy hát một cách đơn thuần, Fischer-Dieskau còn đòi hỏi sự nghiên cứu một tỉ mỉ, chính xác về phong cách nhà soạn nhạc cũng như bản thân tác phẩm. Ngược lại, Schwarzkopf tập trung nhiều vào sự chính xác trong nghệ thuật hát. Bà ấy hoàn toàn đúng khi đòi hỏi như vậy bởi nó có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp bạn chuyển giọng một cách trơn tru từ một đoạn forte (cường độ mạnh) với màu sắc tươi sáng sang pianissimo (cường độ nhẹ) với màu sắc có phần tối tăm ảm đạm. Đó là những gì mà bạn cần phải học và người ta vẫn gọi là kỹ thuật”, Goerne nói.
Bên cạnh đó còn có một tên tuổi khác, Hans Hotter, người có giọng ca mà Goerne cảm thấy gần gụi nhất với mình. “Không chỉ vì ông có chất giọng hết sức lạ lùng mà còn bởi sự linh hoạt trong cách thể hiện. Sự cân bằng và cảm xúc mạnh mẽ đến một cách tự nhiên mà không cần đến bất kỳ cố gắng nào thực sự là món quà trời cho ông ấy”.
Trong hai đêm biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 11 và 12/11, Goerne hát chùm ca khúc“Kindertotenlieder” (Bài hát về cái chết của những đứa trẻ) của Gustav Mahler với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji (Nhật Bản). Một lần nữa, dấu ấn người thầy lại thể hiện đậm nét: đây là chùm tác phẩm mà anh từng được mời hát thế Fischer-Dieskau vào phút chót do ông không đủ sức khỏe biểu diễn.
Thanh Nhàn – TC Tia Sáng