(Ảnh minh họa: Tùng Lâm/TTXVN) |
Các cổ vật này bao gồm 10 công cụ lao động thô sơ bằng đá và 8 công cụ lao động, săn bắt bằng đồng.
Cảnh sát bang Berlin đã nhờ các chuyên gia khảo cổ tại nhiều bảo tàng khác nhau ở Berlin tiến hành nghiên cứu và xác định các cổ vật này có niên đại từ thế kỷ thứ 2 đến thứ 7 trước Công nguyên, có thể là từ các mộ cổ ở thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.
Theo Công ước của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) năm 1970 về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc xuất nhập cảnh và buôn bán trái phép các tài sản văn hóa và Luật bảo tồn tài sản văn hóa của Đức, do không chứng minh được nguồn gốc cũng như quyền sở hữu, doanh nhân người Việt trên đã đồng ý tự nguyện trao lại số cổ vật này để trả lại cho Nhà nước Việt Nam.
Tiếp nhận các cổ vật, Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng cảm ơn chính quyền và các cơ quan chức năng bang Berlin và Bộ Ngoại giao Đức đã hỗ trợ, tạm thu giữ các cổ vật và trả lại cho Nhà nước Việt Nam.
Các cổ vật này sẽ được chuyển về nước, phục vụ cho công tác nghiên cứu và trưng bày, triển lãm.
Đại sứ cũng đánh giá cao Đức là một thành viên thực hiện nghiêm túc Công ước của UNESCO năm 1970 về việc phòng ngừa, ngăn chặn, buôn bán trái phép các tài sản văn hóa, đồng thời ghi nhận Đức là nước tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc bảo tồn các di tích văn hóa, đặc biệt tại cố đô Huế.
Theo Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, tệ nạn đào bới trộm các cổ vật ở Việt Nam hiện đã được kiểm soát tốt hơn nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn được hết. Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và phối hợp từ các cơ quan chức năng của Đức trong thời gian tới.
Liên quan đến các cổ vật của Việt Nam, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2018, Việt Nam đã tổ chức triển lãm Báu vật khảo cổ Việt Nam tại Đức với sự bảo trợ của Bộ trưởng Ngoại giao Đức và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tại các bang Nordrhein-Westfalen, Sachsen và Baden-Württemberg.
Trải qua quá trình chuẩn bị kéo dài 10 năm với sự hỗ trợ của các chuyên gia Đức, triển lãm trưng bày 400 cổ vật của Việt Nam đã gây được tiếng vang lớn, thu hút hàng trăm nghìn khách Đức đến tham quan, tìm hiểu.