Các bài hát, bản nhạc buồn có xu hướng được ưa chuộng hơn, giành thứ hạng cao hơn trên nhiều bảng xếp hạng, cuộc thi. Người nghe có thực sự thích nhạc u buồn không, nếu có thì tại sao?

Bài Happy của Pharrell Williams là bài hát được cực kỳ yêu thích và thành công của năm 2014, đã leo lên vị trí số 1 bảng xếp hạng của hơn 20 nước. Thành công của Happy khiến nhiều người nhớ đến Rolling in the Deep của Adele năm 2010. Lời bài hát gần như không được chú trọng, rất đơn giản, giống như hỗ trợ để kích thích người nghe, lúc đầu nhịp chân theo, sau đó là những tràng vỗ tay; câu chữ chỉ đủ để người nghe cảm nhận được họ thực sự không có gì ràng buộc, kìm hãm, chi phối cả, cứ tự tin, thỏa sức bộc lộ cảm xúc, đam mê của mình đi (clap along if you feel like a room without a roof).

Hoàn toàn không sâu sắc về ý nghĩa câu chữ mà vẫn có thể trở thành điểm sáng, quả là hiếm có ở thị trường âm nhạc quốc tế. Nhưng không phải đến bây giờ mới có mốt thích bài hát buồn. Trong danh sách các bài hát được yêu thích nhất, bán chạy nhất mọi thời đại, có tới 4 bài hát mà bao trùm là bầu không khí u sầu, buồn bã, tuyệt vọng: Candle in the Wind của Elton John, White Christmas của Bing Crosby, I Will always Love You của Whitney Houston, My Heart will Go on của Celine Dion.


Nỗi đau hạnh phúc

Công trình nghiên cứu khoa học Frontiers of Psychology thực hiện năm 2013 đã chỉ ra rằng: âm nhạc buồn có sức hấp dẫn khác thường, khiến chúng ta dù đang vui hay buồn đều thấy dễ chịu hơn, có động lực sống tốt hơn. Bài hát buồn thường đưa người nghe gián tiếp đến với những trải nghiệm cảm xúc qua lời, nhịp điệu. Con người không chỉ có phản ứng với nỗi buồn của bản thân, nỗi buồn của người khác cũng có thể tác động để sản sinh ra một loại hóa chất trong não. Hóa chất này qua một vài phản ứng (cực nhanh) sản xuất ra nước mắt, xúc động, nhịp tim nhanh tích cực, có nghĩa là nó không gây khó chịu cho họ. Đây chính là lý do người nghe thích những bài hát buồn và nhạc sĩ cũng thích sáng tác những bài hát buồn.

Mỗi bài hát lại có một nguyên cớ riêng cho cảm xúc, có thể xuất phát từ chính trải nghiệm đau buồn của nhạc sĩ hoặc của những người xung quanh họ. Trong chuyến lưu diễn năm 2013 của Emmylou Harris, cô đã giới thiệu phiên bản mới của Love Hurts (bản trước đó là của Felice và Boudleaux Bryant). Điều thôi thúc Emmylou Harris viết lên giai điệu mới cho Love Hurts chính là mối tình đơn phương tuyệt vọng của cô. Richard Thompson nói về những bài hát buồn: “Thú vị làm sao khi hát những ca khúc buồn. Nghe những giai điệu buồn lại càng thú vị. Cảm giác luôn là tận hưởng và thỏa mãn”.

Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đã xoáy vào nỗi đau khổ để gây chú ý từ ngay nhan đề album hay bài hát như: album I Like to Keep Myself in Pain của Kelly Hogan (2012). Về xu hướng sáng tác và nghe “buồn” này, Hogan cho rằng: “Đôi khi đơn giản là nghe để cảm nhận, hiểu rằng mình hạnh phúc hơn nhân vật được nói đến trong bài hát, bản nhạc”.

Không chỉ là cảm xúc

Khi nghe những bài hát, bản nhạc buồn, người nghe không chỉ kết nối với chính cảm xúc của bài hát đó, nó phức tạp hơn nhiều. Một nghiên cứu của Đại học McGill chỉ ra rằng: âm nhạc (cả buồn và vui) đều có khả năng kích thích trung tâm khoái cảm của não bộ; giống như một số loại thực phẩm, hoặc thuốc. Con người có cảm xúc cực kỳ mạnh với những thứ phức tạp thuộc về cảm xúc. Độ sâu của cảm xúc sẽ được hình thành từ những phức tạp này cũng như chế độ xử lý thông tin sâu của não bộ. Quá trình này có thể gói gọn trong ba bước: tiếp nhận – phân tích – phản ứng. Tuy nhiên, có một lưu ý với quá trình này là các bước được thực hiện liên tục, lặp lại hàng chục lần chỉ trong một giây.

Quay trở lại với Happy, lời của bài hát đơn giản, dễ hiểu và giai điệu hài hòa, nhịp nhàng, cách phối duyên dáng, cộng với giọng hát mượt mà đã khiến nó nổi rất nhanh ngay sau khi xuất hiện. Pharrell từng có nhiều bài được yêu thích nhưng Happy đem đến cho người nghe những cảm xúc rất khác. Đặc biệt, với những ai yêu thích dòng nhạc Pharrell theo đuổi và từng nghe các bài hát, bản nhạc của anh thì điều đọng lại cuối cùng là hạnh phúc và cảm xúc không đau đớn, tuyệt vọng.

Theo Minh Anh – Đại biểu Nhân dân (dịch từ BBC)

Exit mobile version