NGUYỄN PHƯƠNG

Tác phẩm Biển thức của tác giả Dương Đình Trọng.

Từ ngày 18 đến 30-12, tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội, diễn ra triển lãm Người chiến sĩ hôm nay do Câu lạc bộ (CLB) sáng tác đề tài chiến tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc (Hội Mỹ thuật Việt Nam) tổ chức.

Triển lãm trưng bày 60 tác phẩm của 60 tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và thành viên CLB; sử dụng các chất liệu sơn dầu, sơn mài, acrylic, khắc gỗ, điêu khắc…; với nhiều hình thức, ngôn ngữ biểu đạt phong phú. Các sáng tác mới phản ánh cách nhìn đa dạng về đề tài chiến tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc, qua những đổi thay từ trang thiết bị quân sự hiện đại đến hình ảnh người chiến sĩ đang học tập, rèn luyện để bước tiếp truyền thống anh hùng cùng phẩm chất đẹp đẽ của Anh bộ đội Cụ Hồ. Trong thời kỳ hòa bình, tiếp tục xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trên con đường hiện đại, hội nhập, người chiến sĩ dù ở môi trường nào cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có thể thấy hình ảnh họ say sưa lao động sản xuất trong các xưởng quân khí, quân trang; miệt mài, nghiêm túc trên thao trường tập luyện hay chắc tay súng ngày đêm bảo vệ biển, trời Tổ quốc… Vai trò, phẩm chất tốt đẹp của những người lính thời bình thể hiện rất rõ ở sự gần gũi, chia sẻ với nhân dân trong cuộc sống hằng ngày. Ðó là cảnh bộ đội cứu giúp dân trong thiên tai hoạn nạn qua tác phẩm Vượt qua bão lũ (sơn dầu của Lê Trí Dũng); giúp dân sửa nhà trong Ngói mới (sơn dầu của Nguyễn Sĩ Thành); dạy trẻ em học tập trong Thắp sáng niềm tin (acrylic của Nguyễn Việt Ðông)… Bên cạnh những khung cảnh làm việc, học tập, chiến đấu, là nhiều sinh hoạt giản dị, đời thường toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ như tác phẩm Nắng sớm (sơn mài của Ngô Tuấn Anh) là bức tranh hữu tình về vẻ đẹp vùng cao và tình yêu lãng mạn của người lính; Về phép (bột mầu của Trần Ðức Lợi) khắc họa không khí gia đình đoàn tụ ấm áp khi người chồng, người cha trở về; Chiều trên chiến hạm (sơn dầu của Nguyễn Phú Hậu) khắc họa cảnh các chiến sĩ sinh hoạt văn nghệ trong giờ giải lao…

Trong năm 2017, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn nghệ sĩ tạo hình đi thực tế sáng tác tại quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 đơn vị thuộc các quân chủng: phòng không – không quân, Hải quân và các nhà máy của Bộ Quốc phòng… để cảm nhận những thay đổi về cơ sở vật chất, khí tài hiện đại; cũng như hiểu thêm hình ảnh người lính hôm nay trong học tập, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu. “Ðề tài người lính và chiến tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc không bao giờ cũ, mà vẫn luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo của các nghệ sĩ tạo hình; bởi những chuyển động mới mẻ, đầy sức lôi cuốn trong sự vận động, phát triển ngày càng mạnh mẽ, hiện đại của quân đội và đất nước”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương khẳng định.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version