Nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của các nghiên cứu viên trẻ, nhận diện – lý giải một hiện tượng văn học nổi bật trong đời sống văn chương những năm gần đây, Viện Văn học dự kiến tổ chức Tọa đàm Văn xuôi nữ trong bối cảnh văn học Việt Nam đương đại cuối tháng 11.2012. Ban Tổ chức Tọa đàm đã nhận được gần 30 tham luận, tập trung bàn thảo một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn sáng tác văn học nữ đương đại. Văn nghệ Trẻ (đơn vị bảo trợ thông tin cho Tọa đàm) trân trọng giới thiệu một số ý kiến tham dự.


Ở Việt Nam từ sau những năm đổi mới và đặc biệt là từ thập kỉ 90 trở đi, văn xuôi nữ đã thực sự chiếm ưu thế trên văn đàn… Diện mạo văn học Việt Nam thế kỉ XXI đang được tạo nên bởi sự góp sức của một lực lượng sáng tác dồi dào là các cây bút nữ. Chính họ sẽ làm nên giá trị của văn học đương đại nước ta.

Đặng Thị Thái Hà (Viện Văn học): Vấn đề nữ quyền cần được đặt ra

“Một điều đáng ghi nhận trong công trình của Pierre Bourdieu khi bàn về “Sự thống trị của nam giới” có lẽ chính là việc ông đã mở rộng vấn đề trung tâm về quyền lực phụ hệ tới một điểm nhìn rộng và bao quát hơn khi phê phán cái gọi là “nghịch lí của dư luận” (paradoxe de la doxa). Ý niệm “doxa” được rút ra từ triết học Platon, vừa mang nghĩa là “giọng nói của tự nhiên” (the voice of natural), vừa mang nghĩa là giọng nói của sự vong thân, tha hóa (alienation). Đúng như Bourdieu đã chỉ ra, nó là biểu trưng cho một “trật tự thế giới như nó hiện hữu, với những hướng duy nhất và những hướng bị cấm, theo nghĩa đen và theo nghĩa bóng, với những nghĩa vụ và những chế tài của nó (…), hoặc, đáng kinh ngạc hơn nữa, là trật tự được thiết lập với những quan hệ thống trị của nó, những luật pháp và những điều phi pháp của nó, những đặc quyền và những sự bất công của nó, rốt cuộc cứ vĩnh tồn một cách dễ dàng đến thế, và những điều kiện sống khó chịu đựng nhất lại có thể xuất hiện như chấp nhận được, thậm chí là tự nhiên, một cách thường xuyên đến thế”. Như vậy, “Doxa”, không gì khác, là biểu trưng của quyền lực văn hóa thống trị, của sức mạnh che giấu, biến mọi tồn tại lịch sử trở thành phi lịch sử, và làm cho mọi kiến tạo xã hội trở nên mang tính tự nhiên. Quy chiếu từ điểm nhìn này, bất cứ một động thái nữ quyền nào cũng phải tự đặt nó trong thế đối mặt với cái “Doxa” mặc định về một thân phận bị trị dành cho người phụ nữ, mà đi kèm với nó là những chuẩn mực, luật pháp, điều kiện,… được xã hội quy định sao cho phù hợp với địa vị nô lệ của chính họ. Có nghĩa là, vấn đề nữ quyền cần phải được đặt ra trong lòng những tra vấn về bản chất ngụy tạo của văn hóa, và “trật tự giới” cần được xem xét trong tổng thể một trật tự được gán cho là “tự nhiên” và “vĩnh viễn” của sự vật….”

Nguyễn Thị Vân Anh (ĐH Sư phạm Hà Nội II): Lý thuyết phê bình nữ quyền cần phải là lý thuyết lịch sử

“Phê bình nữ quyền được ghi nhận như một khuynh hướng nghiên cứu, một lí thuyết văn học nổi bật của tư duy lí luận hậu hiện đại phương Tây. Việc tham chiếu, ứng dụng lí thuyết phê bình nữ quyền vào nghiên cứu thực tiễn văn học của mỗi quốc gia là cần thiết và mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực…., song cũng không thể coi đây là thứ công cụ sẵn có, dùng để “đóng đinh”, “bắt vít” vào mọi thực thể văn học. Người nghiên cứu nếu thiếu tỉnh táo có nguy cơ trở thành một chủ thể áp đặt, chủ quan và khiên cưỡng trong những kết luận của mình. Do vậy, theo quan điểm của chúng tôi, lí thuyết văn học nữ quyền cần phải là lí thuyết lịch sử, gắn với những nét đặc thù của mỗi nền văn học, mỗi không gian văn học cụ thể. Khuynh hướng nữ quyền trong văn học Việt Nam, ngoài một số nét tương đồng loại hình với văn học nữ quyền của nhiều quốc gia trên thế giới chắc chắn có những biểu hiện khác biệt mang tính đặc thù. Cũng do thế, việc vận dụng lí thuyết nữ quyền phương Tây vào văn học nước ta cần phải có sự linh hoạt, bám sát vào thực tiễn để phát hiện đặc điểm bản chất của nó… Do bị “chế định” bởi lí thuyết nên một số tác giả vô hình trung đã làm “nghèo nàn” thực tiễn văn học vốn rất sống động. Ví như, cứ nói đến ý thức nữ quyền là phải tìm cho ra xem tác phẩm ấy có tư tưởng thù ghét, tẩy chay, đả phá đàn ông hay không; có khẳng định giá trị của người phụ nữ hay không; có nói về nhu cầu tình dục rồi yếu tố nhục thể hay không. Hệ quả theo đây là, có khá nhiều bài viết tuy khai thác các chất liệu khác nhau nhưng lại na ná nhau về tiêu mục. Đương nhiên, việc tham chiếu lí thuyết nữ quyền phương Tây và phát hiện những phương diện như đã nói ở trên là cần thiết nhưng với điều kiện phải có sự tương thích với thực tiễn chứ không nên cố “gò” để cho tác phẩm của nhà văn phải mang chứa những biểu hiện đó….”

Nguyễn Thị Minh Thương (Viện Văn học, ĐH Nhân Dân Trung Quốc): Ảnh hưởng của lí luận thân thể của Foucault đối với chủ nghĩa nữ quyền

“Luận điểm chủ yếu trong lý luận thân thể của Foucault là sự vận hành của quyền lực trong xã hội thông qua thân thể con người. Ông cho rằng, giới tính không chỉ là thuộc tính bên trong của tự nhiên, mà còn là sản phẩm của quan hệ quyền lực đặc thù, chính những quan niệm, định kiến trong xã hội đã hình thành nên ý thức về vấn đề giới tính, tức là hình thành nên sự phân biệt đẳng cấp giữa đàn ông và đàn bà. Vì thế, thông qua vấn đề thân thể con người, có thể nhận ra dấu ấn của quyền lực xã hội, nhận ra sự phân chia đẳng cấp, nhận ra sự áp bức, sự thống trị của nam giới với nữ giới. Trong thời kì mẫu hệ, thân thể phụ nữ lại có uy quyền hơn thân thể đàn ông, nhưng trong chế độ phụ hệ, thì thân thể đàn ông lại có uy quyền với thân thể phụ nữ. Điều này cho thấy vấn đề “giới tính” là sản phẩm của quan hệ quyền lực. Chủ nghĩa nữ quyền căn cứ vào quan điểm của Foucault đã nhận ra: bản thân sinh lý, tự nhiên của đàn ông và đàn bà là không phân biệt đẳng cấp, nhưng chế độ chính trị, xã hội, quan niệm văn hóa, quan hệ quyền lực đã tạo nên sự bất bình đẳng về giới. Và trên cơ sở lý luận của Foucautl, chủ nghĩa nữ quyền cho rằng: bản thân người phụ nữ, với đặc điểm tự nhiên, hoàn toàn có thể có những thể nghiệm phong phú, thậm chí mãnh liệt và đa dạng. Quan điểm này đã cung cấp cho những người theo chủ nghĩa nữ quyền một khung lí luận để phân tích những thể nghiệm sinh tồn của phụ nữ tại sao lại đơn điệu nghèo nàn, phụ nữ vì sao lại bị ràng buộc bởi những áp chế của văn hóa truyền thống. …Những người theo chủ nghĩa nữ quyền cho rằng nam giới chiếm hữu ngôn ngữ nhân loại, dùng ngôn ngữ đem kẻ khác (bao gồm phụ nữ) khách thể hóa, để tiến hành khống chế với những người này. Nam giới dùng ngôn ngữ cướp quyền được nói của nữ giới, để được làm người nói thay. Cho nên những người theo chủ nghĩa nữ quyền Pháp chủ trương khai quật ngôn ngữ cắm rễ vào thân thể phụ nữ, đề xuất chủ trương “phụ nữ nhất thiết tham gia viết, nhất thiết phải viết về chính mình, nhất thiết viết về phụ nữ”, cho rằng “cũng như cái thân thể bị truy đuổi của họ, phụ nữ luôn bị truy đuổi một cách bạo ngược trong lĩnh vực sáng tác”. Chủ trương mới này lần đầu tiên đem lập trường giới một cách sáng rõ vào trong văn bản, “lối viết thân thể” mà họ đề xướng đem đến cho sáng tác văn học và thực tiễn mỹ học của nửa cuối thể kỉ 20 những thay đổi cực lớn. Trong đó có ảnh hưởng nhất là Helene Cixous, Lucy Irigaray, Julia Kristeva….”

Nguyễn Thị Thanh Xuân (ĐH Hà Nội): “Xét lại” thế giới đàn ông bằng cái nhìn đàn bà

“… Ở Việt Nam, ý thức phái tính đã được manh nha hình thành trong lý luận phê bình văn học đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, phải từ năm 1986 trở đi, âm hưởng nữ quyền trong văn học mới thực sự được các nhà văn, nhà phê bình và độc giả chú ý. Các tác giả nữ đã dùng ngôn ngữ như một phương tiện hữu hiệu để tìm lối thoát, để “cởi trói” và để khẳng định vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong nghệ thuật. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong tác phẩm của các nhà văn nữ thời gian gần đây ở cả nội dung và nghệ thuật, trong đó việc “xét lại” thế giới đàn ông bằng cái nhìn đàn bà là một biểu hiện cụ thể…  Đành rằng có thể là phiến diện khi người phụ nữ viết về đàn ông trong tác phẩm với cái nhìn đàn bà của mình, nhưng có một điều chúng ta có thể nhận thấy một cách rõ ràng rằng, những người phụ nữ đã bước qua khỏi nỗi ám ảnh về thân phận, về kiếp đàn bà bé mọn trong văn học truyền thống. Họ đã đứng lên đối diện với đàn ông, đi sâu tìm hiểu để “xét lại” bản chất của những người đàn ông mà xưa kia họ chỉ cỏ một mối quan tâm là phục tùng và dâng hiến. Hình ảnh người đàn ông bất toàn trong con mắt những người phụ nữ là sự thể hiện một phần âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam đương đại những năm gần đây”.

Lê Hương Thủy (Viện Văn học): Truyện ngắn nữ đã dần có “thương hiệu”

“Những thập niên gần đây, con số các nhà văn nữ tăng lên đáng kể – một sự tăng lên đột biến với đông đảo các cây bút văn xuôi (nhất là truyện ngắn) có lối viết và giọng điệu khác nhau. Khuynh hướng “thiên nữ” hay “âm hưởng nữ quyền” đã được nói tới trong thực tiễn đời sống văn học Việt Nam đương đại. Điều này xuất phát từ thực tiễn sáng tác của các cây bút nữ. Những cây bút như Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Lê Minh Khuê, Y Ban, Phan Thị Vàng Anh đã sớm thành danh với những giải thưởng trên các báo và tạp chí có uy tín cũng như giải thưởng của các hội nghề nghiệp. Quan trọng hơn sáng tác của họ đã tạo được dư luận, gây được sự chú ý của độc giả. Những năm đầu thiên niên kỷ mới, các cây bút nữ lại thêm một lần làm nóng văn đàn bởi sáng tác của những cây bút nữ trẻ như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu. Gần đây trên thị trường sách Việt Nam xuất hiện nhiều tập truyện ngắn mà phạm vi và tiêu chí lựa chọn của người làm sách, của nhà xuất bản là sáng tác của các cây bút nữ. Chẳng hạn như Truyện ngắn bốn cây bút nữ, Truyện ngắn của các nhà văn nữ Việt Nam, Truyện ngắn nữ văn nghệ quân đội, Truyện ngắn các tác giả nữ Hà Nội, Truyện ngắn nữ 2000-2006, Truyện ngắn nữ thập niên 90, Truyện ngắn chọn lọc 14 tác giả nữ, Truyện ngắn nữ chào thiên niên kỷ mới, Vũ điệu thân gầy – truyện ngắn 12 cây bút nữ, v.v và v.v. Không phải tất cả đều là những cuốn sách đọc được nhưng qua đó để thấy rằng, truyện ngắn nữ đã dần có “thương hiệu”. Đây là dấu hiệu đáng chú ý dù rằng cùng với những thành tựu đáng ghi nhận sáng tác của họ cũng còn có nhiều vấn đề gây tranh cãi”.

Trần Lê Hoa Tranh (Trường ĐHKHXH & NV,TP.HCM): Yếu tố tự truyện là một đặc điểm nổi bật trong sáng tác của các cây bút nữ hải ngoại

“Cũng như các dòng văn học di dân khác, dòng văn học di dân Việt Nam có lực lượng cầm bút đa dạng gồm nhiều thế hệ (các nhà văn thế hệ thứ nhất, một rưỡi, hai và ba). Đặc điểm của thế hệ tạo ra những thuận lợi và khó khăn riêng đối với người cầm bút, điều này thể hiện rõ ở trong các tiểu thuyết của họ. Các nhà văn thế hệ thứ nhất là những người có phần lớn cuộc đời trải qua nơi quê nhà. Họ như những cái cây mà nền móng của sự sinh trưởng đã được quyết định từ mảnh đất mà nó được gieo, đột ngột bị “bứng gốc” khỏi môi trường văn hóa quen thuộc của mình đặt vào một môi trường văn hóa xa lạ. Họ mang tâm thế lạc lõng, khó hòa nhập được với môi trường mới, nền văn hóa mới. Nỗi cô đơn buộc chặt họ với quá khứ. Trong bầu khí quyển của cô đơn, nhớ nhung, nuối tiếc, thứ duy nhất là chỗ dựa, niềm an ủi của họ chính là những kí ức hoài niệm nơi “khung trời bỏ lại” và còn bởi “ngoái đầu lại là cái thường tình của kẻ ra đi” (Võ Phiến). Điều này dễ dàng lí giải vì sao đề tài sáng tác của các nhà văn thế hệ thứ nhất khá hạn hẹp, chủ yếu xoay quanh những hoài niệm về đất nước, về thân phận người di dân, về những cú sốc văn hóa… Đa phần các nhà văn này không sử dụng được tiếng bản địa mà dùng ngôn ngữ mẹ đẻ để sáng tác. Hạn chế này khiến cho số lượng độc giả bị bó hẹp trong giới hạn cộng đồng của họ. Đứng từ góc nhìn của văn học sở tại, sáng tác của các nhà văn này được xếp vào nhóm văn học thiểu số. Một số nhà văn thuộc thế hệ này ý thức được tầm quan trọng ngôn ngữ nên khi định cư đã học tập nâng cao trình độ, dần tiếp cận được với ngôn ngữ mới….. Đối với những nhà văn nữ thế hệ thứ nhất, tự truyện là một đặc điểm khá rõ trong tác phẩm của họ. Họ thường viết về những hồi ức, kỷ niệm, một đoạn đời nào đó của mình… với một văn phong truyền thống, mạch lạc và dễ đọc. Có thể kể đến tác phẩm Hồi ký mất ngày tháng, Chớp mắt một thời (Nhã Ca), Cây liễu linh thiêng, Bốn thế hệ trong cuộc đời một gia đình người Việt (Duong Van Mai Eliott), Khi trời và đất giao nhau (Le Ly Hayslip)… Tìm hiểu chất tự truyện trong tác phẩm các nhà văn nữ thế hệ thứ hai, khảo sát những tác phẩm viết bằng tiếng Anh, như một đối tượng so sánh với các nhà văn nữ thế hệ thứ nhất, chúng tôi nhận thấy rằng, yếu tố tự truyện ở các nhà văn nữ trẻ này vẫn xuất hiện khá nhiều, tuy không bằng thế hệ trước. Có thể tìm thấy những yếu tố tự truyện trong: Daughters of the River Huong – Người con gái sông Hương (Dương Như Nguyện), Stealing Buddha’s Dinner – Trộm đồ cúng Phật (Bích Minh Nguyên), The Gangster We Are All Looking for – Tên du đãng mà chúng ta tìm kiếm (Le Thi Diem Thuy)…”

Trần Thục (Trường ĐHKHXH&NV, Hà Nội): Từ thập kỉ 1990 trở đi, văn xuôi nữ đã thực sự chiếm ưu thế trên văn đàn

“Nếu như ở Trung Quốc, lớp nhà văn nữ sinh ra vào thập kỉ 1970 xuất hiện khá nhiều và tác phẩm của họ gây ấn tượng; ở Pháp thập kỉ 90 của thế kỉ trước chứng kiến giới văn chương nữ đã bước nước bước cuối cùng để sánh vai nam giới; ở châu Phi từ những năm 80 trở đi, một thế hệ thứ hai các cây bút nữ châu Phi đã xuất hiện tạo ra một hiện tượng xâm lấn, đôi khi có tính lật lại trật tự trên văn đàn; ở Nga văn xuôi nữ mạnh dạn cất tiếng nói về bản thân vào những thập niên 80-90 cũng chiếm ưu thế; thì ở Việt Nam từ sau những năm đổi mới và đặc biệt là từ thập kỉ 90 trở đi, văn xuôi nữ đã thực sự chiếm ưu thế trên văn đàn…… Diện mạo văn học Việt Nam thế kỉ XXI đang được tạo nên bởi sự góp sức của một lực lượng sáng tác dồi dào là các cây bút nữ. Chính họ sẽ làm nên giá trị của văn học đương đại nước ta”.

Nguồn: Văn nghệ trẻ

Exit mobile version