Tại triển lãm tranh dân gian Hàn Quốc đang diễn ra tại 49 Nguyễn Du, người xem đã có dịp thưởng thức các tác phẩm được tiếp nối dòng chảy truyền thống của xứ sở kim chi. Trong sắc độ tươi sáng, vương giả và sự hưng thịnh của dòng tranh dân gian cung đình Hàn Quốc cùng thời gian, người xem chợt lắng lại với thực tế buồn của 4 dòng tranh dân gian nức tiếng Việt Nam là Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng và Làng Sình.
Tranh dân gian Hàn Quốc sử dụng nét khắc và vẽ tay tỉ mỉ, rất giống với cách làm của tranh Hàng Trống
Bản khắc còn, nhưng kỹ thuật vẽ biến mất
Sau khi xem các tác phẩm trưng bày tại triển lãm do bà Jung Seung Hui thực hiện, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã nhận xét: “Tranh dân gian Việt Nam và Hàn Quốc có rất nhiều điểm tương đồng. Các tác phẩm được bày ở đây có quy trình sáng tác và hoàn thiện tác phẩm rất giống với dòng tranh Hàng Trống. Tuy vậy, chỉ nhìn vào các bức tranh này, các nhà quản lý văn hóa như tôi không khỏi giật mình về dòng tranh dân gian Hàn Quốc, hoàn toàn không biến mất trong nền công nghiệp văn hóa của xứ sở kim chi mà trái lại đang rất hưng thịnh.
Nhiều bài học về văn hóa đã được đặt ra từ triển lãm này”. Bởi theo ông Vi Kiến Thành, các bức tranh đem đến người dân Thủ đô lần này hoàn toàn không chỉ là các bức tranh in khắc mà còn được vẽ tay rất tỉ mỉ. Điều đó chứng tỏ, tác giả của các bức tranh, bà Jung Seung Hui đã được lĩnh hội kiến thức và khả năng phóng tác các tác phẩm từ thế hệ đi trước.
Còn tranh Hàng Trống Việt Nam, dòng tranh rất gần gũi với tranh dân gian Hàn Quốc lại cho thấy một thực trạng hoàn toàn khác. Các bản khắc còn đấy và được các gia đình, dòng họ coi như bảo vật nhưng kỹ thuật khắc và vẽ nét đã theo các bậc tiền nhân đi về cõi vĩnh hằng. Dòng tranh này hiện nay chỉ còn lại một nghệ nhân duy nhất, ông Lê Đình Nghiên vẫn đang ngày ngày cặm cũi bên các bản khắc cổ, nhưng ông cũng đã ở cái tuổi xế chiều.
Ông Lê Đình Nghiên bày tỏ, “giá như nghề tranh này có thêm vài người thợ nữa thì tốt biết mấy. Nếu phải đánh đổi bằng danh hiệu đang có, tôi cũng vui vẻ gật đầu”. Nguyện vọng của người nghệ nhân này là vậy nhưng nếu không nhanh thì rất có thể, ông Lê Đình Nghiên sẽ mang các bí quyết nhà nghề sang thế giới bên kia, còn hậu thế sau này có hối lại cũng chỉ biết nhìn đó tiếc nuối.
Không gian mở cho người nghệ sỹ
Và còn nữa Đông Hồ, Làng Sình, Kim Hoàng, nguy cơ thất truyền và biến mất của các dòng tranh dân gian nổi tiếng Việt Nam luôn thường trực trước sự xâm lấn của các loại hình giải trí. Cho dù, Bộ VH-TT&DL đã có nhiều biện pháp để chấn hưng các làng nghề như phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, tổ chức, vận động các làng xã cho con em theo học nghề truyền thống… và bước đầu đã gặt hái được thành công, nhưng xem ra, việc đưa dòng tranh này trở lại đời sống của người dân Việt vẫn còn nhiều nỗi gian nan.
Bởi việc dòng tranh được tiếp nối, giữ gìn và phát triển phụ thuộc nhiều vào ý thức các thành viên trong gia đình nghệ nhân và phần khác rất quan trọng là đầu ra cho tác phẩm. Cả hai điều này, tranh dân gian Việt đều yếu và thiếu. Do vậy, trước sức ép cạnh tranh của các loại hình giải trí, tranh dân gian Việt Nam đã lùi sâu và nhường sân chơi lại cho các dòng tranh đương đại.
Trong khi ấy, Hàn Quốc với cuộc trưng bày lần này không chỉ cho khán giả Việt Nam thưởng thức nét đẹp tranh dân gian cung đình, tranh dân gian sinh hoạt, mà còn cho thấy sức sống của một dòng tranh được bảo tồn, giữ gìn và phát triển đến ngày nay. Theo ông Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, tranh dân gian chỉ cần giữ gìn và bảo tồn đã vô cùng khó khăn, nhưng Hàn Quốc còn nâng dòng tranh lên thêm một mức nữa là phát triển, thật đáng kinh ngạc.
Các tác phẩm đã đi vào đời sống người dân khi được in lên quạt, lên các tấm bình phong, lên các đồ dùng sinh hoạt. Ông Lương Xuân Đoàn nhận định, người dân Việt Nam đang hướng đến các tác phẩm nghệ thuật đương đại mang yếu tố dân gian nhiều hơn. Và tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Làng Sình hay Kim Hoàng sẽ là không gian mở cho các họa sỹ sáng tạo các tác phẩm đẹp mắt.
Thời gian gần đây, nhiều họa sỹ Việt Nam đã ghi dấu ấn với cuộc chinh phục các chất liệu truyền thống có sự kết hợp cùng yếu tố nghệ thuật mới. Và vì thế, dù tranh dân gian Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong bảo tồn và phát triển, người dân vẫn có quyền tin tưởng vào sự tiếp nối của các họa sỹ Việt Nam, để tạo nên một dòng chảy không ngừng nghỉ từ truyền thống
Theo Phạm Thu Hương – An ninh Thủ đô