Ngày 22/2/2022, tại Hà Nội, diễn ra buổi lễ đặc biệt: giới thiệu sự nghiệp văn chương qua 2 cuốn tiểu thuyết THƯ VỀ QUÁ KHỨ và THIÊN MỆNH của một nhà văn “gạo cội”, một người lính cầm bút đầy đam mê và trách nhiệm Nguyễn Trọng Tân.
Thư về quá khứ: Cuốn tiểu thuyết đặc biệt, ấn tượng, gây nhiều xúc cảm, lấy đi nước mắt, tấm lòng và bút mực của bao thi sĩ yêu văn học.
Nhà văn Ma Văn Kháng đã vết 2700 từ cho Thư về quá khứ nói về Sức hấp dẫn của một cuốn tiểu thuyết đăng trên báo Văn Nghệ. Ở đó ông viết Thư về quá khứ có một kết cấu có thể coi là hợp lý và đặc sắc; có hệ thống, một vốn sống kỹ càng để có được khối lượng chất liệu thẩm mỹ đáng kể và một khả năng kể lại câu chuyện bằng một giọng điệu trẻ trung hoạt bát; là những trang viết để lại nhiều ấn tượng khủng khiếp nhất về những cái chết bất ngờ không thể tưởng tượng nổi. Như cái cảnh mối ăn hết thịt người tử sĩ trong chốc lát. Như cái chết vì dùng tên lửa để đánh cá của bốn chiến sĩ trẻ. Như những cái chết oanh liệt anh hùng của chiến sĩ trong cuộc đối đầu đẫm máu với hai trăm tên lính dù ở sân bay Thành Sơn. Rồi những cái chết tức tưởi kinh hãi khó hiểu của một tổ trinh sát bởi một loại vũ khí lạ… Cùng với những trang viết về tình yêu của Nhã với Ngàn Chi, cô y tá xinh đẹp, những câu chuyện vui đùa tếu táo, âm điệu tươi sáng của đời sống chiến sĩ trong cuộc sống ngày thường. Tất cả những chất liệu thẩm mỹ mới lạ dầy đặc dồn dập thể hiện một bản lĩnh văn chương dầy dặn của người viết, hợp thành một trữ lượng không nhỏ để tạo nên một bức toàn cảnh của cuộc sống nơi chiến trường với sức cuốn hút có sắc thái riêng khó lẫn.
Nhà văn Ma Văn Kháng cũng nhận định, Thư về quá khứ có một “lịch sử làng quê cật ruột nặng trĩu phận đất phận người! Ăm ắp, chật ních trong một tiểu thuyết viết về chiến tranh những ảnh hình nơi chôn rau cắt rốn, vui có buồn có, trớ trêu quái dị có, sống động và thật sự phong phú đã in sâu không thể phai nhòa trong ký ức Nhã, đã tạo nên một chiều sâu tâm tình, trở thành nỗi trăn trở khắc khoải của anh. đây là một cuốn tiểu thuyết có sức hấp dẫn đặc biệt, một cuốn sách hay của nhà văn Nguyễn Trọng Tân.
Đọc Thư về quá khứ của nhà văn Nguyễn Trọng Tân, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cũng đã Tùy bút cho một tiểu thuyếtđăng trên báo Văn nghệ với hơn 3800 từ. Ông viết:Chuyện về làng. Một ngôi làng Việt nằm ở vùng Bắc Bộ trải qua nhiều biến động dữ dội của thời cuộc từ chế độ phong kiến đến chế độ dân chủ cộng hòa như chúng ta thường nói.
Chuyện về chiến tranh với muôn vàn khốc liệt, kinh hoàng của những người lính và thường dân.
Bao trùm và xuyên suốt tác phẩm, không gì khác chính là số phận của con người, thường rất mong manh, tròng trành và bất ổn với những rủi may chẳng bao giờ lường trước được trong số phận của dân tộc luôn bị vòng xoáy của chiến tranh, xung đột cùng sự thất thường của thiên nhiên tác động.
Cũng có thể là một tự truyện, cụ thể và sinh động như nó vừa hổn hển bước ra từ quá khứ còn lấm láp bùn đất và khét mùi bom đạn.
Những mảng hiện thực cũng là những “vấn đề” quen thuộc ấy trộn lẫn, đan cài, xoắn bện vào nhau tạo nên cái bề bộn, đậm đặc chất đời sống trần trụi, phô phang, khi chói lói, lúc chìm tối. Cái hiện thực cũ xưa được phơi bày rõ nét và trần trụi đến mức tôi có cảm giác nhà văn không mấy dụng công về mặt nghệ thuật khi viết tiểu thuyết Thư về quá khứ. Ngỡ như, tất cả không gian, thời gian, con người, cảnh vật từ kho hồi ức chật chội căng đầy của nhà văn ùa ra để sống lại cuộc đời của mình, như chính nó đã từng tồn tại vậy, không mảy may thêm thắt, bớt xén. Tác giả không cần bịa tạc thì những nhân vật, chi tiết, tình huống có thực trong cuộc sống ấy đã mang trong đó yếu tố văn học rồi. Nói vậy chắc không đúng lắm với lý thuyết thể loại nhưng tôi tin trường hợp Thư về quá khứ của Nguyễn Trọng Tân cơ bản là như thế. Còn nhớ, có lần ở Tam Đảo dự hội nghị Lý luận phê bình văn học ba mươi năm đổi mới do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, Nguyễn Trọng Tân đã kể cho tôi nghe những câu chuyện về làng quê trầm kha và đời lính lăn lốc của ông. Nhiều tình huống, chi tiết có trong tiểu thuyết Thư về quá khứ.
Chiến tranh!
Tiểu thuyết Thư về quá khứ không dựng lên hình hài của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước bằng những kỳ tích lẫy lừng, với các anh hùng dũng sĩ, muôn ánh hào quang chấp chới trên vai tướng lĩnh, binh lính. Chiến tranh qua góc nhìn của nhân vật chính, cựu binh Nguyễn Bá Nhã, một đứa con làng Phù rất đơn sơ trần trụi. Người lính trong tiểu thuyết này không tạc vào thế kỷ bằng Dáng đứng Việt Nam mang ý nghĩa biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng mà nó cụ thể, có phần nhỏ bé, mong manh trong cuộc chiến. Không phải chiến binh nào cũng ngã xuống nơi hòn tên mũi đạn, có muôn vàn cách chết, kiểu chết đến với họ mỗi ngày, mỗi giờ đôi khi chẳng khác gì một trò đùa của số phận. Cái oan nghiệt của chiến tranh nằm ở chỗ này chăng? Nói chính xác hơn là cái oan nghiệt của kiếp người trong bể khổ trần gian.
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai, sau khi đọc Thư về quá khứ của nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã bày tỏ cảm xúc của mình bằng một bài viết dài hơn 900 từ trong đó có đoạn: Thư về quá khứ là cuốn tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng như bao cuốn tiểu thuyết của các nhà văn cùng thời với Nguyễn Trọng Tân, nhưng sức hút của nó, giá trị của nó chính là góc nhìn chiến tranh thông qua thân phận con người của tác giả. Ông xây dựng nhân vật chân thực, dụng công, tính điển hình và cá biệt rất rõ. Từ nhân vật chính, trung tâm (Nguyễn Bá Nhã) đến các nhân vật phụ (như Cao Mừng, bà Thứ câm, bủ The, Ngàn Chi…) đều sống động, đặc biệt, không chỉ khác thường mà còn phi thường khiến độc giả đã đọc không thể quên họ.
Chúng ta và các thế hệ sau ta nữa rất cần hiểu đúng bản chất cuộc chiến tranh yêu nước đầy kiêu hãnh và đau thương thông qua những cuốn tiểu thuyết đặc sắc như cuốn “Thư về quá khứ” của nhà văn Nguyễn Trọng Tân”.
Đọc tiểu thuyết Thư về quá khứ của nhà văn Nguyễn Trọng Tân, Nhà giáoPhạm Thị Thúy Nga cũng đặt bút viết hơn 3000 chữ đăng trên báo Văn Nghệ với tiêu đềKhoảng lặng sóng ngầm: Có lẽ đây là tác phẩm mà ông gửi gắm nhiều nhất tình cảm của mình. Nó lưu giữ hình bóng cuộc đời ông, làng quê ông trong bóng hình một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước.
Tôi đồ rằng khi viết những trang này ngòi bút của nhà văn cũng phải ứa lệ. Là một người lính trực tiếp ra chiến trường, chứng kiến đồng đội của mình ngã xuống, hy sinh đã đủ đau lắm rồi, chứng kiến nỗi đau của những người mẹ đã đủ xót xa lắm rồi nhưng chứng kiến cái cách người ta đối xử, hành xử với Bủ The, với bà Nhận thì quả là tận cùng nỗi cay đắng tủi cực. Có triết gia đã từng nói “Nhà văn là phần đau đớn của nhân loại”, còn nhà văn đã từng nói: “Người lính cầm bút nỗi đau còn nhân đôi”, hẳn người đọc cảm nhận rất rõ điều đó mỗi khi đọc lại tác phẩm “Thư về quá khứ”.
Mỗi câu, mỗi từ trong tiểu thuyết “Thư về quá khứ” cứ cồn lên cứ cứa vào tâm can người đọc. Không xót xa, không cay đắng, không hãi hùng sao được khi những bức họa bằng ngôn từ dung dị với bút pháp miêu tả chân thực và cảm xúc mãnh liệt của nhà văn cứ hiển hiện trong cật vấn người đọc. Chiến tranh, cải cách ruộng đất không chỉ có mất mát đau thương mà còn biết bao hệ lụy.
Ngòi bút của nhà văn Nguyễn Trọng Tân dường như đau hơn, nhức nhối, day dứt hơn khi ông viết về những người phụ nữ. Nỗi đau của họ không chỉ là nỗi đau của số phận mà còn là nỗi đau của thời đại của lịch sử. Nỗi đau của số phận có thể mờ đi, phai đi, qua đi, nhưng nỗi đau của lịch sử thì còn mãi ám ảnh và nhức nhối.
Thậm chí, cuốn sách còn được giáo viên Hóa học Bùi Văn Do, trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc cũng chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình:Chín lá thư trong tiểu thuyết “Thư về quá khứ” của nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã đem đến cho người đọc những cảm xúc đặc biệt khác lạ… Từ những sự kiện khác nhau, từ nhiều câu chuyện phong phú đa dạng, được tác giả mô tả trong từng lá thư hết sức hàm xúc mà ly kỳ, lạ lùng nhưng lại rõ nét như những bức chân dung của những con người, của những sự kiện vừa bước ra từ thời gian nhuốm màu che phủ. Những nhân duyên gặp gỡ lạ lùng mang phong vị huyền bí của cụ Nguyễn Bá Hiến với cái hài nhi tai ương Nguyễn Bá Tuyển, đưa đến cái kết bi thảm tang thương cho cả một làng quê và dòng họ Nguyễn Bá. Cuộc thảm sát kinh hoàng, ghê rợn không khác gì thời trung cổ. Sự điêu linh khốn khổ của làng Phù Việt Trang, hay như sự vô lý bất công xảy ra trong trong thời kỳ tao loạn của cuộc cải cách ruộng đất, rồi chiến dịch đập đình chùa miếu điện… khiến người đọc phải ngẩn ngơ chua xót và bức bối cho một vùng đất, cho số phận những con người phải trải qua trong dòng chảy đen ngòm của những năm tháng đó.
Với ngòi bút vững vàng, văn phong giảo hoạt, tác giả thực sự đã lôi cuốn người đọc hết lá thư này đến lá thư khác với những cảm xúc, tình vị khác nhau trong những cảnh đời, cảnh người, cảnh làng, rộng hơn là cảnh lịch sử mà trong chín lá thư tác giả đã đề cập.
Có thể nói chín lá thư gửi về quá khứ là một cuộc hí trường dài, nhiều hồi nhiều cảnh, nhiều nhân vật mà khi xem hết sức lay động con tim. Hồn người bị nhập vào những buồn vui, giận hờn theo từng lớp sóng của kịch tính. Rất tiếc vì thời gian không được nhiều, nên không nói hết được những cảm xúc trong lòng lúc này… Điều rung động trong tôi: Tác giả là một người rất giàu vốn sống, óc tưởng tượng phong phú, thanh tao rất chuyên cần tinh luyện để đạt được độ “Nhẫn” cao nhất mới có được những thành quả văn chương như vậy.
Cảm ơn tác giả đã có những bông hoa đẹp hòa chung vào cánh đồng hoa văn chương muôn màu muôn sắc của dân tộc.
Thiên Mệnh: Cuốn tiểu thuyết đặc biệt, là thành công của tác giả hay chính là thành công của nền Văn học Việt Nam bởi vì nó có thể “Giải mã lịch sử bằng quyền năng văn học”. Đây cũng là bài bình được viết dưới góc nhìn của Lê Hoài Nam. Ông nêu rõ:
Tiểu thuyết “THIÊN MỆNH”, của nhà văn Nguyễn Trọng Tân phản ánh bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam thời kỳ suy vi, thối nát đến cực điểm cuối triều Hậu Lê. Cuộc càn khôn khép mở vần vũ mang mệnh trời, ý dân diễn ra trong 15 năm (1774 – 1789). Trước ông đã từng có khá nhiều tác phẩm văn học viết về thời kỳ này như: “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Gia Văn Phái; “Thượng kinh ký sự” của Hải Thượng Lãn Ông; “Bà chúa chè” của Nguyễn Triệu Luật, “Đêm hội Long Trì” của Nguyễn Huy Tưởng, “Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác… Mỗi tác phẩm mang một cách nhìn và đều để lại những ấn tượng khó quên trong bạn đọc. Đó là một thử thách lớn với Nguyễn Trọng Tân khi ông “dẫm lên” vết chân của các nhà văn đi trước. Liệu có để lại dấu ấn gì?
Qua 500 trang “Thiên mệnh” mới thấy Nguyễn Trọng Tân đã chọn một lối đi khác. Ông không “kể sử”, không “phỏng dựng” lịch sử. Mà ông “giải mã” lịch sử.
Vận dụng, xử lý một khối lượng sử liệu không chính thống từ nhiều nguồn như vậy để “dựng lên” bối cảnh xã hội 250 năm trước một cách khá mạch lạc, với bao nhiêu biến cố chóng mặt mà không gò gượng, thực sự sẽ làm nản lòng những cây bút tiểu thuyết bé gan. Nhưng Nguyễn Trọng Tân đã phổ vào “Thiên mệnh” một sức hấp dẫn, sinh động đến kỳ lạ. Bằng quyền năng văn học, nhà văn dày công khắc họa hình tượng nhân vật trung tâm theo quan điểm thẩm mỹ của mình. Ông đặt các nhân vật ấy vào cuộc sống đa chiều trong bối cảnh hỗn tạp của xã hội thời ấy để “giải mã” những ẩn khuất đằng sau các sự kiện, các số phận.
Nguyễn Trọng Tân khá am tường lịch sử. Ông góp phần giải mã một giai đoạn xã hội phong kiến vô cùng phức tạp mà chính sử hầu như không còn lại gì, nhưng tạo được niềm tin cho người đọc. Bằng khả năng tưởng tượng và linh cảm mẫn tiệp của mình, tác giả đã làm cho các sự kiện trở nên sinh động, nhân vật được ánh xạ từ tâm hồn nhà văn trở nên lấp lánh, mới mẻ đến bất ngờ.
Tôi cho rằng tiểu thuyết “Thiên mệnh” của nhà văn Nguyễn Trọng Tân là một tác phẩm không chỉ thành công của tác giả mà cả với nền văn học Việt Nam hiện đại. Nó có một vị trí nhất định mà mỗi khi nhắc thể loại tiểu thuyết lịch sử, người ta không thể bỏ qua.
Thư về quá khứ và Thiên Mệnh là hai cuốn tiểu thuyết lớn, đặc sắc của một nhà văn “gạo cội” Nguyễn Trọng Tân hứa hẹn sẽ là một phần giá trị của nền Văn học Việt Nam hiện nay và sau này.