Đài Truyền hình Nhật Bản NHK từng làm phóng sự về Dân. Một họa sĩ Việt Nam có một tuổi thơ nhiều khó khăn và làm nghệ thuật với những lựa chọn không giống ai. Dân lạ, rất lạ, ngay từ cách chọn trường phái hội họa để theo đuổi.
Vẽ, với Dân, không phải để trở thành họa sĩ, không phải để kiếm tiền. Vẽ, với Dân, là để hiểu biết chính mình. Hiểu biết chính mình là một cửa ải khó khăn, một cái ba-ri-e cần phải vượt qua, để một người có thể hiểu biết cuộc sống xung quanh.
Dân sinh ra trong một gia đình nghèo. Năm 3 tuổi, cậu cùng mẹ rời bỏ quê hương, đến một vùng đất xa lạ để kiếm sống. Không nhà cửa, hai mẹ con cậu tối đâu là nhà ngã đâu là giường. Ngủ bờ bụi, hầm cầu, công viên, góc chợ, hay trên bãi rác… là chuyện thường tình. Dân phải phụ mẹ đủ thứ việc để kiếm sống, như bán báo, bán trà đá, rửa bát, lau chùi dọn dẹp quán ăn…
Những cuộc đánh nhau với những đứa trẻ bụi đời khác để tranh giành địa điểm kiếm ăn còn để lại thương tích trên da thịt của Dân. Và cậu không tin có một ngày, một thứ cực kỳ xa xỉ đối với một đứa trẻ lang thang như cậu lại có thể trở thành bầu bạn thân thiết, đó là hội họa.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân bên bức tranh khổ lớn trong triển lãm cá nhân của mình. |
Cơ duyên ấy đến khi Dân 10 tuổi. Là khi hai mẹ con cậu về lại quê nhà Hội An. Vì nghèo nên mẹ cậu phải vào ở trại xã hội. Còn cậu được vào trại trẻ mồ côi Hội An để tiếp tục đi học. Nhưng chính những năm tháng sống trong trại trẻ mồ côi, ở miền đất Hội An thơ mộng đã xui khiến tình yêu hội họa dường như có sẵn, ngủ im từ lâu trong tâm hồn cậu bé nghèo thức dậy. Dân bắt đầu vẽ. Gặp cái gì cũng vẽ, đi đâu cũng vẽ. Một cậu bé lạ trong mắt những người quản lý ở trại trẻ mồ côi khi đó.
Năm Dân học lớp 6, tình cờ có hai người khách ngoại quốc phát hiện ra tố chất hội họa tiềm ẩn trong cậu và đã tài trợ để Dân được theo học vẽ chuyên nghiệp. Như con cá được bơi trong dòng nước nó thầm mong ước, Dân say mê miệt mài bên giá vẽ. Căn phòng của cậu ở trại trẻ mồ côi lúc nào cũng chật kín tranh treo. Nhiều bức họa đẹp xuất thần, có du khách nước ngoài hỏi mua, nhưng cậu chỉ tặng, không bán.
Các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân theo trường phái “phi lập thể”. |
Tài năng và niềm say mê đã đưa Dân đến cổng trường Đại học Mỹ thuật. Được học hành bài bản, Dân ra trường và trở thành họa sĩ. 32 tuổi, Dân đã có 4 triển lãm cá nhân và vừa khai mạc triển lãm cá nhân thứ 5 của mình với tên gọi “Phi lập thể-Chân dung 2016”. Mỗi cuộc triển lãm là cách Dân chia sẻ những hiểu biết về chính bản thân mình thông qua việc vẽ, thông qua những “dây màu, đường màu và đoạn màu”.
Hay nói khác đi, Dân triển lãm chính bản thân mình bằng hội họa. Và lẽ dĩ nhiên, tìm được tiếng nói đồng vọng, tri âm từ nghệ thuật là việc mà một họa sĩ luôn mong muốn, cũng là một việc không hề dễ dàng. Dân chia sẻ, chỉ muốn làm hội họa tự nhiên như cây cỏ.
Người ta gọi Dân là họa sĩ, cũng chỉ là một cách gọi vậy thôi, chứ Dân chưa cho rằng mình xứng đáng với danh xưng đó: “Đối với tôi, danh xưng không là cái gì cả. Cứ tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật thì gọi là họa sĩ là sai lầm. Cứ vẽ gọi là họa sĩ là lầm tưởng. Cũng như cứ tốt nghiệp trường kiến trúc gọi là kiến trúc sư thì không thể. Hay như cứ người buôn bán gọi là doanh nhân thì chết. Xã hội Việt Nam hiện nay đang dần đồng hóa danh xưng, làm mất thiêng nhiều danh xưng”.
Giờ đây, Nguyễn Quốc Dân đã là một cái tên được chú ý trong hội họa, không chỉ trong nước, mà cả ở nước ngoài. Nhưng làm hội họa với Dân, như đã nói, không phải để kiếm danh hay kiếm lợi, mà là để hiểu biết chính mình. Dân có thể sống sung túc hơn, nếu muốn, chỉ cần anh đồng ý gật đầu bán tranh.
Rất khó tin, nhưng lại là sự thật, Dân chưa hề bán bức tranh nào, cho dù có nhiều người yêu thích và muốn sở hữu, muốn mua tranh của Dân. “Bán hay không bán với tôi chưa quan trọng lúc này. Quan trọng nhất là các tác phẩm tôi tạo ra có giá trị gì không, có đáng để được nhìn nhận không, có cái để xem là mới không.
Hay chúng ta chỉ vẽ để rồi bán và thỏa mãn cũng như đáp ứng cho cuộc sống hiện tại của mình. Vì bán phải đúng người, đúng đối tượng. Mà chuyện này thì đâu có dễ tìm trong cuộc sống hiện nay”.
Làm nghệ thuật là hành vi đi tìm cái đẹp, tìm người tri âm, tìm tiếng nói đồng cảm. Dân muốn các tác phẩm của mình, đến một lúc nào đó, phải gặp được người tri kỷ. Những người hiểu được vẻ đẹp và giá trị của cái đẹp, hiểu được tiếng lòng của người nghệ sĩ. Họ sở hữu một bức tranh không đơn thuần vì họ có tiền.
Mà họ hiểu được phía dưới của bức tranh là gì, đằng sau bức tranh là gì. Sự cộng cảm đó sẽ nhân lên nhiều lần vẻ đẹp và giá trị của một tác phẩm nghệ thuật. Dân cũng bày tỏ thêm, sau này nếu có một nhà sưu tập nghệ thuật muốn mua tranh của Dân, có thể Dân sẽ đồng ý bán. Vì những người đó họ có khả năng quảng bá và lưu giữ tranh của họa sĩ.
Bạn có thể hình dung như thế nào về ngôi nhà của một họa sĩ như Dân. Trong phóng sự của Đài Truyền hình NHK về Dân, khán giả ngạc nhiên thì thấy Dân sống trong một căn phòng nhỏ ở một khu nhà lao động trong một công viên. Đấy là không gian sống và vẽ của Dân.
Dân thích cái không gian thoáng đãng, rộng lớn của công viên, nơi hằng ngày được nhìn ngắm sự qua lại của rất nhiều người. Đó cũng là một đời sống thu nhỏ, va đập trực tiếp vào giác quan của người làm nghệ thuật. Dân chọn một cuộc sống giản dị, gần với thiên nhiên. Là một người làm nghệ thuật còn trẻ nhưng Dân sớm từng trải và thấu hiểu sự cám dỗ của vật chất đối với con người, nhất là người làm nghệ thuât.
Dân nghĩ, đồng tiền dễ bẻ cong và biến dạng nhân cách người làm nghệ thuật. Có rất nhiều người xuất phát điểm tốt. Họ có tài năng và được công chúng mến mộ, ngợi khen. Tranh càng bán được họ càng hiểu thị trường, và lòng tham sẽ thúc giục họ vẽ tiếp. Sự giàu lên của vật chất vô tình đã biến không ít họa sĩ trở thành cái máy vẽ, thành một nhà sản xuất. Họ không còn mong muốn nhìn sâu vào chính mình, tìm kiếm bản thể mình.
Họ không còn tham vọng hiểu biết bản thân, khi tham vọng về tiền đè nặng. Thực tế, không ít họa sĩ tài năng giàu lên và mất hút. Họ đã bỏ quên chính họ ở đâu đó. Nguyễn Quốc Dân ngẫm ngợi câu chuyện này, và hy vọng có thể giữ mình được “càng lâu càng tốt”. “Thế giới này phức tạp lắm mà tôi vẫn là con người mong giữ chút phẩm chất tốt còn lại của mình thôi”.
Hỏi Dân, không bán tranh, Dân lấy tiền đâu để trang trải cuộc sống? Dân bảo: “Nhiều người nói họa sĩ thì chỉ biết vẽ tranh, không biết và khó có thể làm được việc gì khác. Tôi cũng nghe các bạn sinh viên Trường Mỹ thuật than vãn. Nhưng đó là đánh giá chung chung và rất chủ quan. Với tôi, họa sĩ làm được rất nhiều việc đấy. Bằng chứng là hội họa, kể cả ý tưởng và thực hành ứng dụng trong hội họa có vô vàn việc cần làm. Tôi làm được rất nhiều việc trong cái vô vàn đó”.
Vẫn là sử dụng nghề mình được học, kỹ năng mình được học thôi, để kiếm tiền chi phí cho các hoạt động cuộc sống của mình, Dân sống được một cách bình thường mà không phải sốt sắng chuyện bán tranh. Cảm giác như, Dân làm nghệ thuật trong một trạng thái cực kỳ tĩnh lặng. Một người dù cho sống trong một đời sống ồn ào, ai dường như cũng tất bật lo toan kiếm tiền, làm giàu, vẫn không bị màu sắc của vật chất nhuốm vào.
Một người đang Thiền trong xô bồ đám đông, vẽ một thứ “phi lập thể” (trường phái tranh mà Dân chọn) vào cuộc sống. Trong những bức tranh thoạt nhìn có vẻ như rối rắm, với rất nhiều dây màu đan xen của Dân, người xem vẫn cảm nhận được tình yêu của họa sĩ với cuộc đời, với con người. Nhưng trên hết là một sự nhìn đầy khảng khái, quyết liệt vào chính mình.
Một sự mổ xẻ, phân tích chính bản thân mình, với tham vọng hiểu bản thân để hiểu thế giới. Đúng như Dân nói: “Tôi chính là nguồn cảm hứng sáng tác của chính tôi. Nội lực và bản ngã của chính tôi mới thực sự là chất gây mê để tôi sáng tác…”.
Theo Vũ Quỳnh Trang – cstc.cand