Hollywood là hãng quảng bá du lịch hấp dẫn nhất thế giới, CNN từng viết. Các bộ phim hay là nguyên cớ tuyệt vời dẫn dắt người xem đến với một miền đất. Với Việt Nam, không thể thiếu Người Mỹ trầm lặng, Người tình hay Đông Dương.


Điều đáng tiếc là về Việt Nam, khán giả phương Tây và thế giới chưa được xem nhiều bộ phim về cuộc sống muôn màu thời bình.

Trang Charlie On Travel chọn ra 4 bộ phim ấn tượng (quay ở Việt Nam hoặc không) có thể là “đại sứ du lịch”, với tiêu chí: bớt tiếng súng và thêm tiếng người.

 

1. Người Mỹ trầm lặng (The QuietAmerican)

Có hai phim Người Mỹ trầm lặng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Graham Greene, lần lượt vào năm 1958 và 2002. Ở đây nói đến bản năm 2002. Một câu chuyện có tính đời sống và nhân bản. Tăm tối, lưỡng lự giữa đạo đức và tình yêu, bộ phim lấy bối cảnh cuộc chiến tranh can thiệp của Mỹ ở thời Pháp xâm chiếm Việt Nam.

 

Phim xoay quanh mối tình tay ba giữa nhà báo người Anh (Michael Caine đóng), bác sĩ từ thiện người Mỹ (Brendan Fraser) và cô gái Việt Nam (Hải Yến). Mối quan hệ này đại diện cho phương Tây “đi khai hóa” và phương Đông “bí ẩn, lạ lùng” một cách sâu sắc và thành thục hơn phần lớn các phim có chung cách làm.

Người Mỹ trầm lặng là bộ phim để lại dấu ấn sâu đậm ở Việt Nam. Phim được quay ở Hà Nội, Sài Gòn, Ninh Bình và Hội An. Khách sạn Hotel Continental Saigon cũng là nơi nhà văn Graham Greene sống trong thời gian ông viết cuốn tiểu thuyết vào năm 1951, khi ông di chuyển giữa Sài Gòn và Bến Tre.

 

2. Áo giáp sắt (Full Metal Jacket)

Bộ phim năm 1987 của đạo diễn huyền thoại Stanley Kubrick có cách nhìn khác biệt so với tất cả các phim về chiến tranh Việt Nam. Lời tựa của phim “Ở Việt Nam, đến gió còn không thổi, nó hớp không khí” là một trong những lời tựa điện ảnh ấn tượng nhất, nói về sự ngột ngạt của đời sống ở Việt Nam trong mắt người Mỹ. 

 

Có một cảnh phim đóng đinh trong đầu khán giả: bên vệ đường đầy bụi, một cô gái điếm người Việt mồi chài 2 lính Mỹ: “Các anh có bồ người Việt không?”. Lắc hông, cô ra giá: “15 đô la mỗi người”. Khi 2 “khách hàng” đang bối rối, một người đàn ông Việt gầy gò chạy vụt ra, cướp đi máy ảnh của họ, nhảy lên một chiếc xe máy và lái vọt đi.

Không phải góc nhìn tích cực song bộ phim kích thích trí tò mò của người xem về đất nước của chúng ta. Áo giáp sắt lấy bối cảnh là Huế nhưng không quay ở Việt Nam.

 

3. Đông Dương (Indochine)

Nhiều người nói họ đem lòng yêu Việt Nam và muốn đến thăm đất nước này nhờ xem Đông Dương (1992), bộ phim Pháp đoạt giải Oscar Phim nước ngoài hay nhất. 

 

Phim lấy bối cảnh xứ Đông Dương khi đang đấu tranh giành độc lập từ thực dân Pháp. Nhân vật chính là bà chủ đồn điền người Pháp Éliane Devries (minh tinh Catherine Deneuve đóng). Đến Hà Nội, du khách có thể thăm quán café nơi Deneuve ngồi bên tách café và chiếc bánh sừng bò vào mọi buổi sáng trong thời gian quay phim. Quán mang tên Kinh Đô, nằm ở phố Hàng Bông.

 

4. Người tình (The Lover)

Ít người Việt Nam chưa nghe đến Người tình, câu chuyện tình kinh điển bước lên màn ảnh từ tiểu thuyết của nhà văn Pháp Marguerite Duras. Năm 1992, bộ phim đưa hình ảnh Sài Gòn – Chợ Lớn lên phim sinh động chưa từng có. Hơn nữa, ai lại không tò mò về chuyện tình giưa một người đàn ông phương Đông và một cô gái phương Tây tại “Hòn ngọc Viễn Đông”? 

 

Phim vừa sang trọng, cổ điển, lại gợi dục và nổi loạn. Đây cũng là bộ phim có bối cảnh Việt Nam mô tả sâu sắc nhất về tâm lý nhân vật. Dấu ấn của hai diễn viên Jane March và Lương Gia Huy (Tony Leung Ka-fai) cũng vô cùng sâu đậm. Sau nhiều thập kỷ, Người tình vẫn là một phim kinh điển, không bị ảnh hưởng bởi thời cuộc.

 

Theo Nha Đam – Thể hao & Văn hóa

Exit mobile version