Trống và khèn là hai loại nhạc cụ gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của người Mông. Trước đây, âm thanh của trống, khèn chỉ được vang lên trong những nghi thức, nghi lễ tang ma. Nhưng ngày nay, cùng với sự phát triển, giao lưu, tiếp biến văn hóa, khèn còn có thể được sử dụng trong một số hoạt động cộng đồng, có thể để thi tài năng, bộc lộ ý chí, nghị lực của con người.
Người Mông có tục nuôi trống, gia đình nuôi trống thường hiếm muộn con cái hoặc đẻ con mà không nuôi được, họ phải cúng cầu con. Nếu thày cúng phán gia đình có số nuôi trống thì ngay khi sinh con đầu lòng phải làm lễ.
Sửa trống, làm trống mới phải đúng dịp thôn/bản, dòng họ sắp có lễ cúng ma bò/ma trâu, trống phải hoàn tất trước nghi lễ đó ba ngày. Để làm trống, cả thôn/bản (tất cả các hộ gia đình) góp tiền chuẩn bị đồ lễ, đồ làm trống, gồm: một bộ da bò hoặc da trâu, một cây gỗ to, một con gà trống. Đến ngày lành, cử hai người đàn ông cao số vào rừng chặt cây làm trống (cây đã được chọn trước, to, thẳng, không cụt ngọn, không bị sét đánh). Trước khi chặt, phải thắp ba nén hương, cắm vào gốc cây, khấn xin chặt một đoạn ở thân để làm trống. Việc chặt cây phải hoàn tất trong một ngày, không được kéo dài sang ngày thứ hai, phải đẵn luôn một đoạn để làm trống, rồi chuyển nơi khô ráo phơi. Đến ngày tốt, đàn ông trong các gia đình cùng lên rừng để làm trống (không được mang về nhà), công việc diễn ra trong một ngày. Phần ngọn cây được sử dụng làm mặt trên, phần gốc làm mặt đáy trống, người ta đục hai đầu thông nhau, đoạn giữa đẽo phình to rồi đóng da bò/trâu cho kín hai đầu. Khi làm xong thày cúng sẽ đánh thử (tiêu chuẩn là phải âm vang, vọng xa, tiếng to nhưng không rung), khi thấy trống đã đạt yêu cầu mới đóng số đinh còn lại để hoàn tất.
Thực hiện nghi thức cúng trống, người ta dựng thẳng trống lên, thày cúng cắm 7 nén hương xuống mặt đất (chỗ đặt trống), rồi cắt tiết gà, nhổ lông đầu gà chấm vào tiết gắn lên mặt trống. Sau đó, gà làm sạch đem luộc, lấy xương đùi, chân gà xem bói. Cúng trống xong, người ta tổ chức ăn gà, thày cúng cõng trống về thẳng gia đình sắp làm ma trâu/ bò, treo trước cửa chính, đến ngày mới được mang vào trong nhà. Khi lễ kết thúc, cõng về nhà thày trống nuôi. Trống được treo cao sát nóc nhà, ở gian phía bên trái nhà.
Khi nuôi trống, vào 30 tết hàng năm phải làm lễ quét trống, lễ vật gồm một con gà trống, 3 nhánh cỏ tranh. Nhà nào làm lễ cúng ma thì phải đến nhà thày trống mượn. Lễ mượn trống gồm hương, giấy vàng, một chai rượu. Khi cho mượn trống, thày thắp hương xin tổ tiên hạ trống. Đến khi trả trống cũng phải có lễ tạ, thường là một khoanh dẻ sườn của các con vật đã phúng giao cho người chết.
Khi người nuôi trống chết, nếu trong gia đình, dòng họ hoặc ai trong thôn/bản có số nuôi trống thì sẽ được trao cho người đó. Trường hợp không có người kế nghiệp, thì phải mang trống ra mộ thày đập vỡ, đốt với ý nghĩa cho người chết mang theo. Trong đồng bào Mông, rất ít người nuôi trống, có khi vài thôn mới có một người.
Trong trường hợp mượn trống đi làm ma tươi, khi mang trống ra khỏi cửa nhà thày trống, người đến đón sẽ phải đánh 3 tiếng, thông báo cho hàng xóm biết có người đến mượn trống, trên đường về thi thoảng đánh 1 – 2 tiếng thông báo cho hàng xóm biết có người chết. Với các nghi lễ ma khô, ma bò/trâu thì người đón không phải đánh trống.
Đối với người Mông, nuôi trống có những kiêng kỵ nhất định. Trống luôn phải treo, khi nào muốn hạ xuống phải địu/cõng trên lưng, không được đặt xuống đất. Khi hạ trống phải làm thủ tục xin phép, đến nhà có đám ma nếu chưa kịp làm nghi lễ treo trống thì phải để ngoài nhà, đặt trên ghế cao. Phụ nữ không được sờ vào trống, cũng không được đánh trống.
Kết cấu trống của người Mông còn tượng trưng cho ba dòng họ: thân cây làm ra trống là họ Mông, đinh đóng trống là họ Tráng, da trâu/ bò làm mặt trống là họ Vảng. Thày nuôi trống khi thực hiện các nghi lễ tang ma, phải làm nghi thức thắp hương, đốt giấy tiền báo cáo tổ tiên (tại bàn thờ gia đình) và ba dòng họ này (cắm 5 que hương tại chỗ treo trống). Hàng năm, vào dịp tết âm lịch, thày trống cúng tổ tiên dòng họ, phải cúng mời ba họ Mông, Tráng, Vảng về ăn tết.
Trống luôn đi đôi với khèn, kết hợp thành bộ nhạc cụ sử dụng trong các nghi lễ tang ma. Người đánh trống và người thổi khèn phải hiểu ý nhau mới có thể kết hợp nhuần nhuyễn, thổi đúng bài khèn và đánh trống khớp nhịp.
Về sự tích cây khèn, có chuyện kể, ngày xưa có hai vợ chồng sinh được 6 người con trai. Hàng năm vào dịp tết, để tưởng nhớ bố mẹ đã qua đời, 6 người con trai đã dùng ống cây lanh thổi mỗi người một bài khác nhau, khi kết hợp với nhau tạo ra một điệu khèn rất hay. Sau đó có 1người con chết, còn lại 5 người nên không thể thổi được bài khèn ống lanh như lúc đầu. 5 anh em cùng nhau lên hỏi trời, trời khuyên về lấy một đoạn cây đẽo theo hình bầu, lắp sáu ống trúc vào (cao thấp khác nhau tượng trưng cho 6 anh em), lấy vỏ cây đào rừng bó chặt lại, tạo thành khèn. Khi thổi chỉ cần 1 người nhưng sẽ tạo nên bài như 6 anh em đã thổi bằng sáu ống lanh.
Nhạc cụ trống và khèn của người Mông hàm chứa những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc tộc người. Từ tục nuôi trống, cho đến nội dung, giai điệu các bài khèn, trống là sự tổng hợp các giá trị văn hóa, lịch sử, âm nhạc, dân vũ và đặc biệt là quan niệm về vũ trụ, nhân sinh của tộc người này. Người Mông trân trọng thày trống, thày khèn, bởi họ là cầu nối, giúp người chết về với tổ tiên khi sang thế giới bên kia. Việc sử dụng trống, khèn trong nghi lễ tang ma không chỉ mang giá trị tâm linh, mà còn là một phương thức trao truyền văn hóa. Trong truyền thống, người Mông chỉ sử dụng hai loại nhạc cụ này trong nghi lễ tang ma, đồng bào kiêng thổi lúc bình thường, vì vậy, người ta chỉ có thể học thổi và múa khèn, đánh trống trong dịp này.
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người nói chung, đối với nhạc cụ khèn, trống của người Mông nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc duy trì các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, bởi nếu không biết thổi khèn, không biết đánh trống thì không thể thực hành các nghi lễ tang ma. Tục nuôi trống, thổi, múa khèn của người Mông còn góp phần đẩy lùi sự xâm nhập của các tà đạo, đạo lạ, đạo trái pháp luật. Trong bối cảnh thế giới đang nóng lên về vấn đề dân tộc, tôn giáo, việc vận động đồng bào duy trì, phát huy, trao truyền các giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống là một trong những biện pháp hữu hiện cho các cấp, ngành làm tốt công tác quản lý.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017
Tác giả : SẦM THỊ DƯƠNG
Dương Thanh Minh đăng bài