Trần Anh Trang – Đã bao lần ta trở lại Điện Biên, mà đã trở lại Điện Biên thì phải vào Mường Phăng rồi vì Mường Phăng là chìa khóa, là trái tim của Điện Biên. Mỗi lần trở lại Điện Biên, trở lại Mường Phăng là mỗi lần một cảm xúc, một tâm trạng khác nhau.

Năm nay trở lại Điện Biên, trở lại Mường Phăng sao mà thơ thới, phấn chấn và hồ hởi đến thế. Những dòng người đủ các lứa tuổi, từ mọi miền của đất nước tấp nập như đi trẩy hội.

Thắng lợi lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ đã được ghi nhận với đầy đủ giá trị lớn lao. Cuộc chiến đấu giành độc lập tự do của nhân dân ta, quân đội ta đã thắng lợi. Chủ nghĩa thực dân cũ đã hoàn toàn thất bại.

Cái tên Điện Biên Phủ (Phủ Điện Biên) bắt đầu có từ năm 1841 bao gồm hầu hết đất đai tỉnh Lai Châu ngày nay. Về tên đặt Điện Biên có ý nghĩa sâu sắc, Điện là vững. Biên là biên giới. Điện Biên là biên giới vững vàng. Điện Biên có tiếng Thái là Mường Thanh. Đọc theo tiếng địa phương là Mường Then có nghĩa là Mường Trời. Người Thái gọi vùng đất này là đất của trời.

Từ Đại chiến thế giới lần thứ nhất Điện Biên Phủ được đánh giá là một vị trí chiến lược quan trọng nhất ở Đông Dương và cả Đông Nam Á. Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn nhất ở thượng du phía Tây Bắc nối liền Lào, Thái Lan, Miến Điện, Trung Quốc. Từ năm 1939 đã có sân bay.

Sau khi bộ đội ta không chiếm được Nà Sản mà lại bị thương vong khá nhiều. Các tướng lĩnh Pháp hí hửng cho rằng đã tìm ra điểm yếu của tướng Giáp. Quân tướng Giáp chỉ giỏi đánh du kích, đánh ở đồng bằng, đánh ban đêm, chứ còn đánh ban ngày, đánh công kiên, đánh ở vùng rừng núi rộng lớn thì không sở trường.

Bộ Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương coi Điện Biên Phủ là một “pháo đài không thể công phá”. “Một cối xay thịt nếu Việt Minh dám đụng đến”. Bộ trưởng Quốc phòng Plevin tuyên bố trước quốc hội Pháp: “Tôi không tìm thấy người nào nghi ngờ tính vững chắc của tập đoàn cứ điểm. Tôi đánh giá cao tinh thần và lòng tin của binh sĩ Pháp ở đây. Họ đang mong đợi cuộc công kích của Việt Minh”.

*

Đường lên Điện Biên Phủ thuận theo đường địa lý có lẽ cũng thuận theo lòng người, từng đoàn thăm quan Mường Phăng nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được xây dựng dọc theo một con suối dưới chân núi Phú Đồn thuộc xã Mường Phăng huyện Điện Biên từ ngày 31-1-1954 đến ngày 15-3-1954.

Con đường dẫn đến trái tim của Mường Phăng là lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ đã được đổ xi măng và trải sỏi để dễ đi nhưng vẫn giữ được vẻ mộc mạc, nguyên sơ của đường mòn năm xưa. Những chiếc cầu qua suối cũng được làm bằng bê tông cốt sắt nhưng làm theo hình thân cây ghép lại.

Theo con đường dẫn vào chúng tôi đã qua lán làm việc của Ban Thông tin chiến dịch Điện Biên Phủ. Lán ngủ của điện báo viên, lán ở và làm việc của Trưởng ban thông tin Hoàng Đạo Thúy. Những căn hầm, những chiếc lán nằm dưới bóng mát của rừng lim, rừng dẻ cổ thụ.

Khi đến lán ở và nơi làm việc của Đại tướng mọi người đều xúc động và thành kính trân trọng từng di vật thiêng liêng. Căn phòng nhỏ đơn sơ, chiếc bàn làm việc, giường nằm cá nhân bằng tre nứa. Bên cạnh là đường hầm xuyên núi dẫn đến nơi quan sát toàn cảnh Mường Thanh. Không còn cảnh mà Đại tướng đã chứng kiến: “… Sở chỉ huy của tướng địch thì được giữ gìn cho khách tham quan… Sở chỉ huy của tướng ta thì… gần như một phế tích” (Nguyễn Bắc Sơn – Điện Biên, những góc khuất lịch sử).

Cho đến bây giờ, vai trò quyết định vào chiến thắng Điện Biên Phủ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được khẳng định. Để có được quyết định lịch sử ấy, đêm 25 tháng 1 ông đã thức trắng. Đầu nhức như có búa gõ vào hai bên thái dương. Ông Thùy người y sĩ thường đi theo Đại tướng liền cho người đi tìm lá hương nhu thoa lên trán, hai bên thái dương và quấn quanh đầu ông. Hương vị quê nhà đã làm dịu đi sự căng thẳng và giúp ông tỉnh táo lạ thường.

Sau cái ngày 25-1-1954 không thể nào quên ấy Đại tướng đã đi đến một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình. Từ phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” hoãn tiến công “kéo pháo ra” lui về địa điểm tập kết.

Trong cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng nhiều địa phương đã trở thành máu thịt, trở thành quê hương. Ông coi những người dân cùng sống là pố, mế (bố, mẹ), pỉ, noọng (anh, em) đậm tình ruột thịt. Đến đâu ông cũng nhanh chóng học được tiếng dân tộc vùng ấy. Ông nói với đồng bào các dân tộc bằng tiếng Tày – Nùng – Thái – Mông – Dao. Những khi có điều kiện ông thường trở lại Điện Biên, Mường Phăng. Ông nói: “Tôi nhớ Điện Biên, nhớ Mường Phăng, nhớ bà con trên đó”.

Thường những nơi ông đến không có báo trước, không có sự chuẩn bị của các cấp, không có khẩu hiệu, trống rong, cờ mở nhưng bà con các dân tộc như có tiếng gió, tiếng suối ngàn mách bảo đã truyền nhau đến rất đông, vòng trong vòng ngoài, reo hò và xúc động. Bà con đón Đại tướng như đón người thân trong gia đình. Nhiều người đã khóc. Nhiều người cố đến gần để được ngắm nhìn, được sờ vào người Đại tướng. Ai cũng mừng vui và mong muốn Đại tướng khỏe mạnh, sống lâu. Một ước muốn chân thực tự đáy lòng.

Sinh thời Đại tướng thường nói: “Tôi chỉ là giọt nước trong biển cả”. Biển cả là dân tộc, là nhân dân không ai đo đếm được sức mạnh kỳ vĩ lớn lao trong lòng biển cả nhưng có những thời điểm của lịch sử được thể hiện sinh động và mạnh mẽ.

Ngày 5-10-2013 tin truyền về sự ra đi vào cõi vĩnh hằng của Đại tướng đã gây một chấn động lớn trong lòng dân. Tuổi thọ của Người đã hơn một thế kỷ mà sao nghe tin vẫn cảm thấy đột ngột, sững sờ, thương tiếc.

Với sự ra đi của người chúng ta không khỏi ngỡ ngàng và thấu hiểu thế nào là lòng dân. Sau “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” đến “Điện Biên phủ trên không rực lửa trên bầu trời Hà Nội” đến “Điện Biên Phủ chấn động trong lòng dân tộc”.

Sự ra đi của Người đã đánh thức những tình cảm cao đẹp trong lòng nhân dân. Bao nhiêu đức tính, tình cảm tốt đẹp tưởng lãng quên trong cuộc sống thường ngày được bùng nổ trong lòng dân. Ngôn ngữ của lòng dân được thể hiện dưới mọi góc độ, mọi lúc, mọi nơi. Những câu chuyện, những hoàn cảnh éo le của Đại tướng người dân thường đều thấu hiểu, cảm thông và khâm phục. Nhà báo Nguyễn Quang Vinh đã viết: “Tôi yêu dân tộc mình hơn từ lễ tang Đại tướng”.  Người nữ cảnh sát giao thông chỉ đường mắt đẫm lệ. Từng đoàn thanh niên sinh viên đang làm nhiệm vụ đã quỳ xuống đường, tay đặt lên trái tim khi xe linh cữu của Đại tướng đi qua. Trong những ngày tang lễ của Đại tướng những người dân như trong một dòng họ, một gia đình. Mọi người dân như nhà có việc đều quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau. Trong dòng người đông đúc lặng lẽ vào vĩnh biệt Đại tướng tại số nhà 30 đường Hoàng Diệu nhiều thanh niên, sinh viên đã cõng những Cựu chiến binh, thương binh già, yếu. Người khỏe dìu người yếu. Nhiều người dân ở Hà Nội đã mang bánh mì, nước uống đến chia cho những người dân ở xa, đồng bào các dân tộc đến viếng Đại tướng. Rất nhiều gia đình ở Điện Biên, Mường Phăng đã đặt bát hương, di ảnh của Đại tướng. Những dòng người đưa Đại tướng về Vũng Chùa – Đảo Yến. Người chọn nơi an nghỉ lại là nơi hội tụ của lòng dân. Lòng dân có chốn đi về, có điểm tựa vào giang sơn, đất nước. Người làm thiêng cho núi rừng, non sông, hải đảo. Người dân rất minh triết khi chọn ra những vị thánh để ngưỡng mộ, tôn thờ.

Năm nay mùa hè đến sớm trên vùng Tây Bắc. Nắng vàng đã rực rỡ phản chiếu lung linh trên tượng đài Quyết chiến, Quyết thắng. Hai cây phượng trên đồi A1 xanh thắm lạ thường. Hoa phượng từng chùm xum xuê, rực rỡ. Một màu đỏ như mang trong mình hồn cốt của những ngày đã qua. Những hàng cây ban còn lưu luyến gửi lại những chùm hoa trắng trong những vòm lá xanh mướt. Những hàng cây bằng lăng đã rực rỡ với chùm hoa màu tím đằm thắm, thủy chung.

Con đường dài nhất, đẹp nhất của thành phố Điện Biên mang tên Đại lộ Võ Nguyên Giáp. Quảng trường rộng lớn của thành phố mang tên Quảng Trường ngày 7 tháng 5, ngày thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhà bảo tàng thành phố được xây dựng to đẹp với mặt ngoài tượng hình là chiếc mũ lưới của bộ đội dùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nghĩa trang thành phố xây dựng trang nghiêm với kiến trúc bằng đá trắng vững trãi hình chữ A. Đi dưới hàng cây cổ thụ, hai bên đường là những công trình kiến trúc hiện đại ta phấn chấn tự hào và không khỏi ngẫm suy về cuộc đời, con người, về lịch sử và những vĩ nhân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: “Lịch sử chỉ có một nhưng phải viết nhiều lần”. Thầy giáo dạy sử của Trường tư thục Thăng Long năm xưa đã nói khi được mời làm Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Người đã thấy bản chất của cuộc sống, bản chất của lịch sử nhưng giữ được bản chất của lịch sử phải có bản lĩnh, kiên trì và nhẫn nại. Đường đến chân lý cũng phải qua nhiều ghềnh thác.

Bằng cuộc đời dài hơn một thế kỷ, và chỉ đến khi đi về cõi vĩnh hằng vị tướng huyền thoại với nhiều giai thoại mới được giải mã. Người hiển hiện như một người hiền sống mãi trong lòng dân. Người không muốn thế nhưng đất nước này, dân tộc này tôn vinh Người như một vị thánh, một vị thánh trong lòng dân.

Nguồn Văn nghệ

 

Exit mobile version