Kim Sơn
Đã hơn nửa hè trôi qua, các con đã bắt đầu thấy chán mấy trò trồng cây, chơi cát, câu cá, tô tranh, trốn tìm… nên mỗi khi bảo tự chơi đi thì các con lại muốn quay vào nhà để xem tivi.
Biết khó lòng níu con bằng các trò chơi cũ trong cả mấy tháng hè nên tôi định lên mạng tìm thêm các trò chơi mới. Bố nó đang đọc báo, quay lại bảo tôi: Này, xem trên báo người ta ở nhà vẽ các trò chơi vận động cho con đây này.
Với lấy tờ báo, thấy anh bạn quen vẽ trò chơi thì bật cười nhớ ra, à, thì ra toàn trò chơi hồi nhỏ của tụi mình chứ đâu.
Những trò chơi vận động hồi bé mà ngày nào lên lớp, hay nghỉ hè cũng được chúng tôi bày ra như: Chơi cò hất, chơi nụ nở xòe, chơi keo, nhảy dây, chơi ù… thì các con chưa được biết. Thoáng bật cười, vì đã quên mất cả cách vẽ hình nhảy lò cò nên phải lên mạng tìm lại hình để mà vẽ. Ấy vậy mà ngày xưa, chỉ vừa í ới chia phe xong là đứa nào cũng thoăn thoắt, phấn không có thì kiếm một cục gạch non, hay một cành cây cũng được. Khoảng sân để chơi thì lúc nào cũng đã bằng phẳng nhẵn thín vì nhà tôi ở sát ngay bên hông trường học. Cái sân trường bỗng biến thành sân chơi chung của cả xóm nhỏ mỗi khi chiều về, hay hè tới, rộng rãi thoải mái, muốn cày thế nào cũng chẳng bị bố mẹ la nên đứa nào cũng ráng sức khắc cho sâu để sau muốn chơi đỡ bị phai dấu. Chia phe, kẻ sân xong xuôi lại vẫn chưa được chơi ngay mà lại phải đi tìm miếng hất mà chúng tôi hay gọi là miếng mẻ để thảy ô.
Chạy đi tìm quanh trường hay có gạch, đá, hay viên sỏi to, miễn nó bằng bằng là được. Nhưng sang nhất vẫn là tìm được miếng chén vỡ, mấy đứa khéo tay cầu kỳ thường phải ghè lại, rồi mài cho các cạnh của miếng mẻ nhẵn thín chung quanh đi, cầm cho đằm tay, lại không bị xóc, thảy ô chuẩn nữa. Đứa nào mà có miếng mẻ đã được mài giũa cẩn thận ấy thì thường cất kỹ lắm, để trong hộp riêng, lúc nào nghe rủ đi chơi là chạy vào nhà móc ra. Đứa nào vụng, bắt được viên gạch, miếng xi-măng chơi tạm cũng được nhưng nó xấu, dễ vỡ. Đến khi hất, hay thảy lại cũng khó trúng ô nữa, nên đám con gái lúc nào cũng cất giữ miếng mẻ của mình cẩn thận lắm, chả khác gì đám con trai cất cù, cất khăng.
Có miếng mẻ rồi thì bắt đầu vào cuộc từ ô số 1 gọi là canh 1, cứ thế tầm 5 canh thì lên đến đến ô trên cùng là canh trời. Tới canh nào thì gieo mẻ vào canh nấy, nhảy lò cò lên rồi hất, lên canh trời, từ canh trời lại dùng chân hất, rồi nhảy lò cò về cuối. Nói thì đơn giản, nhất là canh 1, canh 2, canh 3 chứ đến tầm canh 4 trở đi là chiếc mẻ trên tay thảy không chính xác vào ô, mà vào các cạnh là bị “chết”, để cho phe kia đi.
Mới đầu vào cuộc thì vài đứa còn định đi dép cho đỡ bẩn chân, thế nhưng chỉ cần nhảy xong một lượt là đứa nào đứa nấy đều tháo dép, nhảy cho sướng chân, cái nền đất nhẵn mát rượi chạm vào làn da đến là thích, lại vừa chắc chắn, đỡ mết mồ hôi hơn hẳn đi dép.
Đám trẻ con bật cười khi thấy mẹ ngồi vẽ lại rồi chơi mẫu cho chúng mà mãi không chịu “chết”, rồi hớn hở tìm cho mình miếng mẻ để bắt đầu tập chơi. Những bước chân ấy, lúc đầu cũng không chịu cởi giày dép ra vì sợ bẩn, nhưng cũng như mẹ ngày xưa, chỉ một chốc sau là những đôi chân trần bắt đầu bắt nhịp vào trò chơi một cách rộn ràng và vui vẻ…
Nguồn: Báo Nhân Dân