BẢO TRỊ

Các đại biểu tham quan triển lãm.

Sáng 29-9, tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, UBND tỉnh An Giang và Ban Quản lý di tích Óc Eo An Giang tổ chức triển lãm chuyên đề về Gốm Óc Eo Nam Bộ với chủ đề “Gốm Óc Eo – nghệ thuật đặc sắc vương quốc Phù Nam”.

Triển lãm tập hợp các cổ vật gốc bằng chất liệu gốm Óc Eo của 17 tỉnh, thành phố trong khu vực Nam Bộ: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Lâm Đồng, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Bảo tàng lịch sử TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh.

Triển lãm tập hợp được gần một nghìn hiện vật nguyên bản khảo cổ, gồm: tượng, phù điêu, bình gốm, ly gốm, diềm ngói, gạch trang trí, vòi ấm,… thuộc nền Văn hóa Óc Eo qua ba giai đoạn: Tiền Óc Eo (trước Công nguyên); Óc Eo (từ thế kỷ I đến thế kỷ VII sau Công nguyên) và Hậu Óc Eo (từ thế kỷ VII đến thế kỷ XII sau Công nguyên) được chia thành bốn chuyên đề: Gốm Óc Eo dùng trong sinh hoạt; Gốm công cụ sản xuất; Gốm trang trí – kiến trúc, đồ trang sức; Gốm dùng trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng.

Triển lãm mở cửa miễn phí cho du khách và người dân vào tham quan tất cả các ngày trong tuần, từ 29-9 đến hết tháng 10-2017.

Văn hóa Óc Eo thuộc nền văn hóa gắn liền lịch sử của Vương quốc Phù Nam, một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc Việt Nam. Nền văn hóa Óc Eo có không gian phân bố vô cùng rộng lớn, bao gồm phần lớn vùng châu thổ sông Mê Công thuộc khu vực Nam Bộ. Những phát hiện khảo cổ học cho thấy, văn hóa Óc Eo không chỉ giới hạn trong vùng thấp, trũng phía tây sông Hậu, nền văn hóa này bao trùm rộng khắp đồng bằng Nam Bộ, từ Tứ giác Long Xuyên đến U Minh Thượng, Đồng Tháp Mười, đồng bằng tây sông Hậu, vùng Giồng Cát và ven biển Tây Nam Bộ, thềm phù sa cổ Đông Nam Bộ đến tận Nam Tây Nguyên (vùng Cát Tiên – Lâm Đồng). Khu di tích Óc Eo đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version