MI SOL

Thị trường tranh chép nhộn nhịp tại Hà Nội.

Tháng ba này, khi họa sĩ Đặng Tiến phải kêu lên trên trang facebook cá nhân “Tranh mình vẫn đang giữ mà có người rao bán giá khuyến mại rồi”, thì câu chuyện tranh giả vốn luôn âm ỉ, lại trở nên sục sôi.

Tranh giả: Từ phố lên mạng

Chụp ảnh các tác phẩm mới sáng tác, up lên facebook chia sẻ với bạn bè và người hâm mộ, họa sĩ Đặng Tiến không ngờ, thói quen thơ thái hồn nhiên của mình có ngày lại trở thành “mồi” ngon của những người có dụng ý xấu. Các bức ảnh tranh của Đặng Tiến được copy, rồi xuất hiện trên trang web xuongtranh.vn với lời rao bán công khai kèm giá tiền… rất rẻ. Sau khi Đặng Tiến phản ứng, phía xuongtranh.vn đã “nhận sai”, gửi lời xin lỗi tới họa sĩ và cộng đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số rất nhiều các trang bán hàng online công khai tranh giả. Cách đây chừng hai năm, cần tìm hiểu về họa sĩ Lê Thanh Sơn, người viết bài này tra Google tên anh thì ra cả loạt những lời chào mời mua “tranh sơn dầu Lê Thanh Sơn” với các kích cỡ, thậm chí cả tư vấn thêm về phong thủy nội thất. Nói với Lê Thanh Sơn điều này, anh chỉ cười: “Tranh của tôi bị chép quá nhiều, chẳng quan tâm nữa”, rồi kể: “Có vị khách nước ngoài mang một bức tranh tới nhà tôi, nhờ xác nhận. Tôi chưa cần giở ra xem, đã khẳng định là tranh giả bởi tôi không bao giờ dùng loại toan đó”. Không riêng Đặng Tiến, Lê Thanh Sơn, tranh chép của nhiều họa sĩ khác cũng bị (được) rao bán đầy trên mạng, từ… Bùi Xuân Phái đến Thành Chương, Bùi Hữu Hùng, Hồng Việt Dũng, Nguyễn Thanh Bình, Đào Hải Phong… Rao trên mạng, rao online chỉ là “bước tiến mới” của những người buôn bán tranh giả, khi internet và thương mại điện tử bùng nổ, chứ giới họa sĩ vẫn thừa biết, và trong những lúc “trà dư tửu hậu” có thể kể cho nhau cả loạt cái tên “trùm sò” làm tranh giả. Tháng 8-2017, họa sĩ Phạm An Hải bị một người làm giả tranh và bán trót lọt cho khách hàng với số tiền lên tới vài trăm triệu đồng. Vụ việc rõ như ban ngày, người bán tranh giả đã lộ mặt, người chép tranh giả thì gần như ai cũng biết, nạn nhân (bị hại hay người mua) cũng công khai danh tính, tuy nhiên vụ việc vẫn rơi vào thinh không sau một vài quãng ồn ào trên thông tin đại chúng. Năm 2016, họa sĩ Thành Chương cũng quá bức xúc khi bức tranh trừu tượng vẽ từ vài thập niên trước của ông được gán cho họa sĩ đã khuất Tạ Tỵ rồi đàng hoàng trưng bày trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”. Một vụ lừa đảo gây rúng động dư luận, gần như được bắt quả tang, nhưng kết cục, sự nóng lên vẫn chỉ là trên các phương tiện thông tin đại chúng mà không một cơ quan hành pháp nào xuất hiện, tham gia xử lý… Có những con phố sầm uất ngay trung tâm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, được mặc định như phố tranh chép, phố tranh nhái… tấp nập hằng bao nhiêu năm qua, bình thản qua mặt các cơ quan quản lý nhà nước. Công chúng cũng mặc nhiên coi đó là sự lựa chọn khi muốn chơi tranh với… giá rẻ.

Chờ đợi các cơ quan bảo vệ pháp luật?

Hoan Páp-lô (Joan Pablo) nhà sưu tập tranh đến từ Tây Ban Nha đã hủy một cuộc giao dịch vào phút cuối với một ga-lơ-ri lớn khi yêu cầu “được chụp ảnh với họa sĩ” của ông không được đáp ứng. Hoan Páp-lô chấm một bức tranh, thỏa thuận xong, ông đòi certificate (chứng nhận tranh thật – độc bản từ họa sĩ), ga-lơ-ri cung cấp luôn certificate. Chưa cảm thấy yên tâm phần vì trị giá bức tranh lớn, phần vì những thông tin về nạn tranh giả ở Việt Nam mà Hoan Páp-lô từng nghe được, ông đề nghị được gặp để chụp hình cùng họa sĩ và bức tranh, nhưng ga-lơ-ri từ chối. Thuyết phục đủ kiểu, phía ga-lơ-ri vẫn lắc đầu, không yên tâm. Hoan Páp-lô đành dừng cuộc mua bán trong băn khoăn và tiếc nuối. Dịp tới Việt Nam lần sau, qua nhiều tìm hiểu, Hoan Páp-lô lại đến một ga-lơ-ri khác và phủ đầu: “Ở đây bán tranh giả à”. Mất nhiều thời gian, bằng con mắt của người am tường nghệ thuật, có hiểu biết về hội họa Việt Nam, ông mới đặt lòng tin ở ga-lơ-ri đó và yên tâm chọn tranh, còn tính chuyện hợp tác để giới thiệu một số các họa sĩ trẻ, giàu tiềm năng ra thị trường nước ngoài. Hoan Páp-lô ngạc nhiên khi ở Việt Nam, người ta có thể bán tranh giả mà không ai làm gì bởi ở nước ông, nếu phát hiện tranh giả, sẽ có người gọi điện tới cảnh sát. Cảnh sát vào cuộc điều tra, khi có chứng cứ, chuyện làm giả được xác định thì chủ ga-lơ-ri lẫn người chép tranh bị còng tay lập tức. Hoan Páp-lô kể lại những trải nghiệm của ông, rồi kết bằng một câu hỏi ngược: “Ở Việt Nam không có… cảnh sát văn hóa à”?

Khi chưa có vụ tranh giả nào ở Việt Nam được các cơ quan bảo vệ pháp luật quan tâm, “đấu tranh làm rõ” như các vụ gian lận thương mại thông thường khác, để các nạn nhân từ buông xuôi tới bất lực thì thiệt hại không đơn thuần chỉ nhắm vào giới họa sĩ, mà cả nền mỹ thuật Việt Nam lẫn hình ảnh Việt Nam trên thị trường mỹ thuật thế giới. Cá nhân họa sĩ Đặng Tiến cho biết, được sự ủng hộ của đồng nghiệp và dư luận, sẽ có những bước đi tiếp theo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình. Họa sĩ Phạm Hà Hải, người khởi xướng – tổ chức buổi tọa đàm “Vận động minh bạch thị trường mỹ thuật Việt Nam” sáng 16-3 cũng tự thấy còn phải tốn nhiều thời gian: “Theo tôi, để đẩy lùi sự không minh bạch, cần một giải pháp là xã hội hóa công tác bảo hộ. Trung tâm Bảo hộ mỹ thuật là nền tảng cầu nối lâu dài và chuyên nghiệp trong công tác bảo vệ bản quyền, tác quyền. Hơn nữa cần nâng cao nhận thức của các thành phần xã hội: lực lượng cầm bút, người mua, các thành phần trung gian thương mại”.

Nếu chỉ để các họa sĩ “đơn thương độc mã”, và chờ đợi công chúng trở thành những “người tiêu dùng khôn ngoan” thì e chừng khó. Điều cần hơn hết hiện nay là sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, bởi Việt Nam đã có đủ những quy định pháp luật bảo vệ tranh thật, xử lý rốt ráo tranh giả và người tổ chức sản xuất tranh giả. Nếu không coi bức tranh, tác phẩm nghệ thuật là hàng hóa, một mặt hàng được pháp luật bảo hộ, thì rất khó nghĩ về một thị trường đích thực cho mỹ thuật Việt Nam, và còn khó hơn nữa là minh bạch thị trường ấy…

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version