Con giáp là đề tài quen thuộc của hội họa, phần lớn họa sĩ đều vẽ. Tuy nhiên, trong 12 con giáp, khỉ được cho là khó vẽ nhất, có lẽ do biểu hiện về tạo hình của con vật này. Hôm  26.1, nhóm họa sĩ G39 sẽ ra mắt công chúng triển lãm tranh Bính Thân 2016 – lấy cảm hứng từ chính con giáp đại diện năm nay.

Nghệ thuật Việt từ thời Lý đến nay, điểm ra con khỉ xuất hiện rất ít. Trong nghệ thuật hiện đại, ở lớp các họa sĩ bậc thầy như Nguyễn Tư Nghiêm, người vẽ đủ 12 con giáp, nhưng trong cuốn sách riêng về tranh con giáp của ông, khỉ xuất hiện không nhiều bằng con giáp khác… Đó cũng là lý do mà nhóm họa sĩ G39 lấy khỉ là cảm hứng sáng tác cho triển lãm chào mừng năm Thân, trưng bày 25 tác phẩm của 14 họa sĩ. Là con giáp thứ 9 trong 12 con giáp, với đặc tính chung thông minh, lanh lợi, nhạy bén, linh hoạt… hình ảnh những chú khỉ qua cảm quan và nét bút của các họa sĩ hiện lên sinh động và giàu màu sắc. Từ nhiều kích thước khác nhau (nhỏ nhất là khổ A4, lớn nhất 100 x 120cm), chất liệu (mực nho, bột màu, sơn dầu vẽ trên giấy dó, giấy báo, toan; đến xé giấy, gốm, acrylic…) và nhiều bút pháp, mỗi bức tranh là một cách lột tả thần thái khỉ riêng biệt nhưng đặt cạnh nhau vẫn bảo đảm sự hài hòa, thống nhất.


Họa sĩ Phạm Trần Quân vẽ tranh khỉ
Ảnh: Lê Thủy

Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Cương góp mặt tại triển lãm bằng ba bức tranh với tên gọi Cụ khỉ ông, cụ khỉ bà, Thân Dậu vinh hoa, và Trái tim Bính Thân, thể hiện góc nhìn hóm hỉnh của anh về khỉ trong sự yêu thương, trường thọ và chuyển giao. Quê ở Bắc Ninh, 3 sáng tác của anh theo tinh thần pop-art, biến tấu trên chủ đề tranh dân gian Đông Hồ chú bé ôm gà thành khỉ ôm gà ngộ nghĩnh. Trong khi đó, bằng gam màu đen – trắng trên giấy dó, hai bức tranh Khỉ chúa và Tự nhiên của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng lại gợi lên sự nghiêm nghị, suy tư của khỉ về cuộc đời. Là nghệ sĩ duy nhất ở TP Hồ Chí Minh tham gia triển lãm này, nữ họa sĩ Hoàng Thị Phương Liên vẫn trung thành với chất liệu xé giấy màu với tác phẩm Khỉ mẹ khỉ con. Nguyễn Hồng Phương vẽ chân dung khỉ theo kiểu tạo hình lập thể với nhiều màu tương phản mạnh, sặc sỡ. Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm lần đầu thử tài trên gốm, góp mặt bằng 3 đĩa gốm Bát Tràng vẽ khỉ men xanh trắng…


Coi đây là cảm hứng cho năm mới, tham gia triển lãm họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ một bức tranh trên giấy, 5 đĩa gốm, 5 mặt nạ. Anh chia sẻ: “Lần đầu tiên vẽ khỉ, tôi chọn thể hiện chân dung. Nhà Phật coi khỉ là con vật trung thành, nên trong nghệ thuật Phật giáo, con khỉ 2 lần xuất hiện, trong đó một lần được dùng để minh họa cho thuyết Tam không. Tôi chỉ chọn 1 trong 3 không (khỉ che mắt, che miệng, che tai) là bịt tai. Vì sự nghe, đối xứng với nó là nói, là gốc của mọi sự trên đời. Tôi theo phương pháp tối giản, nên cách điệu nhiều, không cố gắng tả thực”.


Cũng lần đầu tiên sáng tạo tranh khỉ, họa sĩ Trần Gia Tùng đã phải tìm hiểu đặc tính, động tác của khỉ, rồi tập trung khắc họa nét mặt tươi vui, láu lỉnh hay khỉ trong động tác leo trèo nghịch ngợm… Họa sĩ Phạm Trần Quân, ngoài tranh khỉ thể hiện sự nhanh nhẹn, năng động, anh còn có các tranh “khỉ phố”, bởi “trong tạo hình truyền thống có con rồng được sáng tạo theo cách trúc hóa long hay long hóa vân… trên ý tưởng đó, tôi vẽ khỉ hóa phố – nơi tôi sinh ra và trưởng thành”. Sắc tranh của Phạm Trần Quân rực rỡ, vui tươi, đúng tinh thần tranh Tết.


Ngoài tranh của các họa sĩ nhóm G39, triển lãm tranh Bính Thân 2016 còn có sự tham gia của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và họa sĩ Nguyễn Quốc Thái (Hải Phòng) với tư cách khách mời. Sử dụng chất liệu sơn dầu trên toan, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều góp thêm tiếng nói màu sắc chào đón năm Bính Thân bằng ba bức tranh khỉ với gam nâu vàng chủ đạo; còn họa sĩ Nguyễn Quốc Thái lại chọn những gam màu như vàng, hồng, xanh để thể hiện cái nhìn tươi mới, hạnh phúc của con giáp thứ 9, cũng như của chính ông trước thềm năm mới.


Theo Ngọc Phương – ĐBND
Exit mobile version