QUANG HƯNG

Nhật Minh giao lưu với bạn đọc trên sân thơ trẻ 2018. Ảnh: TRẦN HIỆP
Vừa thưởng thức “Khúc hát cánh đồng”, tập thơ đầu tay – muộn, ở tuổi 37, sau hơn chục năm thi sĩ trẻ mê đắm văn chương, nhiều người đang vừa mong ngóng những khúc ca mới của những bến bờ khác, những đường xa khác.
1/ Bạn bè có những lúc ngạc nhiên với sức làm việc của Trần Nhật Minh trong một số quãng thời gian nào đó. Sáng dậy từ 5 giờ để kịp có mặt ở cơ quan – kênh truyền hình VTC trước giờ lên sóng chương trình bản tin sáng. Sau bữa ăn vội là ô-tô đón theo chặng dài định sẵn, cho một phóng sự chủ đề nhà mát, kiến trúc xanh, kiến trúc tiết kiệm, thân thiện tự nhiên, rồi các đề tài bảo vệ môi trường… Dài hơi hơn, là những phim tài liệu môi trường biển, tiềm năng du lịch biển, một vấn đề hay câu chuyện kiến trúc nổi bật… Nối đầu đuôi những cuộc đi vùng cao phía bắc, miền trung, miền nam là hàng giờ trong phòng dựng với đạo diễn, kỹ thuật viên, viết và trực tiếp đọc lời bình cho các sản phẩm của mình, của đồng nghiệp.

Thế thôi, thì cũng có thể ghi nhận phần nào nhiệt tình góp sức vào mảng đời sống kiến trúc và bảo vệ môi trường trên báo hình. Vì Minh và đồng nghiệp đã “lôi kéo” được nhiều kiến trúc sư, chuyên gia văn hóa, văn nghệ sĩ… để giới thiệu, chia sẻ được nhiều thông tin, ý tưởng, giải pháp hay, phù hợp tới bạn xem truyền hình. Nhưng, may mắn thêm khi nhà báo Nhật Minh ở tư thế thi sĩ, đã có một con đường thơ cho những năm tuổi trẻ, cho gia đình, bạn bè, và hứa hẹn cho đông mọi người hơn!

2/ Tập thơ “Khúc hát cánh đồng” vừa được ra mắt, giới thiệu những ngày qua, nén lại bao thương nhớ, yêu dấu, buồn khổ, hy vọng… của tác giả Nhật Minh thời thơ ấu, chớm sang những năm thanh niên bươn bả lập thân và hăm hở lý giải cuộc đời. Cõi rộng – là nhịp sống, lẽ nhân sinh giữa cộng đồng tác giả bắt đầu hướng đến. Còn trong tập thơ này, nổi bật lên nẻo riêng, là thế giới nhỏ của tuổi thơ, tuổi xuân, với bố, mẹ, bà và những người thân khác, đan xen trong những không gian quê hương, không gian bạn bè, góc tình yêu…, thì người viết thả sức bay lượn, đau đáu, khiến người đọc thấy nẻo về ấy cũng thật rộng rãi! Cảm giác thiếu hụt, chênh vênh và hoang mang, cùng tình yêu thương thổn thức của một cậu bé, một thanh niên cháy bùng lên trên các trang viết. Để trong những trạng thái hứng khởi, với tinh thần sống phóng khoáng vốn có, Trần Nhật Minh tạo được trong thơ nhiều hình ảnh đẹp, những lớp không gian khoáng đạt, hướng về phía trời cao, ánh sáng, về ước mơ đoàn tụ, hạnh phúc, hướng về những ký ức đầm ấm, trong trẻo và buồn thương một thời.

In tập thơ này, Nhật Minh nhận được những bức tranh đẹp của các họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, Đào Hải Phong, Phương Bình, Thành Chương, của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Được xen kẽ phù hợp, những bức tranh như tôn lên các bài thơ. Ấn phẩm đầu tay được chờ đợi rất lâu trong bạn bè, bị chính tác giả nâng lên đặt xuống, đắn đo mãi, rồi điều chỉnh, bổ sung. Cho đến khi việc trình bày, xin giấy phép xuất bản NXB Hội nhà văn được quyết định chớp nhoáng và thực hiện cấp tập chỉ trong mấy ngày trước Tết. Và ngay những ngày đầu năm, bản thảo được đưa đến nhà in, vừa kịp “khô mầu” đã được ra Sân thơ trẻ Ngày thơ Việt Nam 2018 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám và được hưởng ứng. Tại sân thơ, tác giả ký tặng sách cho nhiều người, nhất là những khán giả sau khi xem anh thể hiện hai bài thơ “Mẹ” và “Tôi” trên sân khấu, có nhạc đệm và nghệ sĩ múa tạo hình, thành một tiết mục trình diễn thơ khá cuốn hút. Khi có người trêu là thơ “đắt… tặng” thì Minh cười bí mật: “Cũng bán được đấy!”. Cùng với cuộc ra mắt gọn gàng, thân tình và tự nhiên tại Lục bát quán mới đây, anh đã có khởi đầu trôi chảy cho tác phẩm đầu tay của mình.

3/ Đường sáng tác xa xôi, một ấn phẩm ra đời như sự xác nhận – trước hết là với mình, cho sự đồng hành với đường dài đó. Trần Nhật Minh đã chuẩn bị gì tiếp cho đoạn đường mới? Anh định trong năm nay sẽ hoàn thành việc chọn lựa để “báo cáo” một tập thơ nữa, từ những điều viết ra những năm gần đây. Đó có thể sẽ là những suy tư về “cõi rộng” mà trong tập thơ đầu tay, anh vừa như mở cánh cổng gia đình, quê hương để bước một đoạn vào cõi ấy.

Ở “Khúc hát cánh đồng”, Nhật Minh đã miệt mài vào những nỗi niềm riêng, chân thực và bao chứa những nguồn mạch thân thương của gia đình, của khung cảnh, văn hóa quê nhà. Vì thế mà nó phần nào phóng chiếu đến tâm tư người khác khi soi vào nẻo riêng của Minh để nhận ra những đồng điệu. Còn ra với cõi rộng, chính là gợi ý cho tương lai, cũng là thúc giục của tương lai, nếu người viết “dám” bước dài rộng ra chung quanh để từ đó mà soi chiếu lại mình.

Theo Báo Thời Nay

Dương Thanh đăng bài

Exit mobile version