Tác giả “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” khẳng định ông không viết điều gì sai lệch, hư cấu so với sự thật lịch sử về sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa.

class=”the-article-body cms-body”>

Sáng 23/8, trong khuôn khổ Hội chợ sách Quốc tế Việt Nam 2017 diễn ra buổi tọa đàm về cuốn sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh.

 

<“>Sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75. Ảnh: Tần Tần

Tác phẩm là một tiểu thuyết, nhưng được viết dựa trên những sự kiện, nhân vật có thật trong lịch sử, về sự kiện những ngày cuối của chiến tranh giải phóng miền Nam (từ tháng 1 đến tháng 4/1975).

Đã có nhiều cuốn sách viết về chiến tranh, kể cả cuộc chiến giải phóng miền Nam cũng là đề tài cho nhiều tác phẩm. Nhưng viết tiểu thuyết dưới hình thức biên bản, thì dường như Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là cuốn đầu tiên.

Nói về hình thức này, tác giả Trần Mai Hạnh chia sẻ: “Khi viết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, là mình đặt cả sinh mạng chính trị của mình vào”.

Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh lý giải, ông đặt sinh mệnh vào một tác phẩm bởi đó là biên bản, là sự thật, chứ không phải là chuyện hư cấu. Tiểu thuyết phác họa sinh động sự sụp đổ cùng chân dung của hầu hết tướng lĩnh quân đội và số phận những người cầm đầu chính quyền Sài Gòn.

“Cuốn sách này là sự thật khủng khiếp. Sách có 273 nhân vật đều là 273 con người thật, chính xác từ tên, họ, số phận, nên viết phải kỳ công. Sự thật phải được đảm bảo, không được phép sai. May là sách ra mắt cũng không có gì sai sót” – Trần Mai Hạnh nói.

Trần Mai Hạnh bảo, ý tưởng viết về sự sụp đổ của thể chế, quân đội Sài Gòn bật ra từ ông ngay trong đêm 1/5/1975. Vốn là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam, Trần Mai Hạnh được chứng kiến và là người viết bản tin đầu tiên tường thuật sự kiện trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.

Ông kể: “1h sáng ngày 1/5, tôi đi chơi đêm thăm thú Sài Gòn hoa lệ về, nhìn thấy pháo sáng của quân giải phóng bắn lên… tôi chợt nhận ra tất cả những gì vừa xảy ra trong ngày 30/4, sự kiện đó rồi sẽ lùi vào quá khứ, bụi mờ thời gian che phủ”. Nghĩ như vậy, nên Trần Mai Hạnh muốn phục dựng lại giờ khắc lịch sử đó, bằng chính những tư liệu của phía bên kia.

 

Phóng viên Trần Mai Hạnh (đeo kính) cùng các đồng nghiệp Thông tấn xã Giải phóng tại cửa ngõ Sài Gòn sáng sớm 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu TTX

Với ý tưởng “phục dựng lại sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn bằng chính tư liệu của chính quyền đó”, Trần Mai Hạnh mất 39 năm tìm tư liệu và viết đi viết lại nhiều lần.

Với tấm thẻ công tác đặc biệt do Ủy ban Quân quản cấp, nhà báo Trần Mai Hạnh đi khắp Sài Gòn – Gia Định để thu thập tài liệu. Trong đó, có rất nhiều tài liệu tuyệt mật mà tác giả được tiếp xúc: biên bản trả lời phỏng vấn và lời tự thú của nhiều nhân vật từng giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy quân sự và dân sự chính quyền Sài Gòn.

Các biên bản lời khai cùng biên bản tường trình về những diễn biến chi tiết trong quá trình sụp đổ của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn cũng là nguồn tư liệu quý giá cho Trần Mai Hạnh.

Tác giả cũng tiếp xúc với những tài liệu nguyên bản của phía bên kia, như thư từ, điện văn của Tổng thống Mỹ Nixon gửi Nguyễn Văn Thiệu, trả lời của tướng Thiệu, các biên bản phỏng vấn 27 nhân vật chủ chốt của giới quân sự, chính quyền Sài Gòn do viện Nghiên cứu chiến lược RAND (Mỹ) công bố…

Sau khi thu thập tài liệu, thẩm định lại thông tin từ các nguồn tư liệu của phía bên kia, Trần Mai Hạnh đã tái tạo lại những ngày tháng sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa dưới hình thức một tiểu thuyết tư liệu lịch sử. Tác phẩm mang tới cái nhìn khách quan, không thiên kiến, tôn trọng sự thật lịch sử trước số phận những người thuộc phía bên kia.

Phục dựng lại sự sợ hãi, điên loạn, suy sụp… của quân đội Sài Gòn, Trần Mai Hạnh đã thuyết phục độc giả khi sử dụng chính tư liệu của quân đội, chính thể đó. Tác giả cũng không đưa ra nhận định, dùng các từ thiên kiến, mà để tự những biên bản của tướng lĩnh Sài Gòn nói lên bản chất tay sai của thể chế đó, quân đội đó.

Sách Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 ngoài 19 chương tiểu thuyết còn có phần phụ lục gồm 21 tài liệu tham khảo nguyên bản, như: tài liệu của Đại sứ Martin gửi Nguyễn Văn Thiệu, bài phát biểu trước khi từ chức của Nguyễn Văn Thiệu…

Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh tại buổi giao lưu sáng 23/8 trong khuôn khổ Hội sách Quốc tế Việt Nam. Ảnh: Tần Tần

Sau khi ra mắt, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đã nhận một số giải thưởng văn chương lớn như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN. Được đông đảo công chúng đón nhận, cuốn sách được dịch và xuất bản phiên bản tiếng Anh, tới nay bản tiếng Việt đã tái bản lần thứ ba, với phiên bản bìa cứng và bổ sung thêm một số tư liệu.

Tác phẩm nhận nhiều đánh giá tích cực. Cố nhà thơ Mai Linh từng nhận xét: “Cuốn sách là tập hợp tư liệu sống của một người yêu nước. Sách là tư liệu lịch sử nhưng không chép lại với ý đồ giáo huấn. Nó cũng không hàm ý về sự đắc thắng của người chiến thắng… Nó quý vì không chan các bình luận cá nhân. Nó phơi bày đương nhiên như lịch sử – cái đã xảy ra trong quá khứ”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – cho rằng văn của Trần Mai Hạnh “là một thứ văn trầm tĩnh, một thứ văn được nghiền ngẫm, rất có chiều sâu. Nó vừa cho chúng ta thấy từng chi tiết diễn biến ở chiến trường vừa cung cấp cho chúng ta bối cảnh toàn cục… Người ta có thể ví như một cận cảnh của điện ảnh, đặc tả chân dung một người lính thế nào, đồng thời máy quay lại lùi ra bao quát toàn cảnh một chiến dịch, toàn cảnh đất nước trong khí thế tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT công ty Sách Thái Hà – chia sẻ ông nhận biết được sự thật lịch sử trong cuốn sách: “Tác phẩm kết thúc bất ngờ khi đoàn quân tiến vào và đất nước thống nhất. Tôi như vỡ òa. Tôi đọc đi đọc lại bài phát biểu của Nguyễn Văn Thiệu trước khi từ chức được in toàn văn trong phần Phụ lục cuối sách. Tôi nhận biết lịch sử và những bài học vô giá ở đây”.

Theo Tần Tần (Zing.vn)

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version