Tour du lịch đầu tiên ở Hà Nội kết nối theo chủ đề “Hiếu học”
TUYẾT LOAN
Du khách tham quan Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam.
Việc kết nối các điểm du lịch ở Hà Nội đã có từ nhiều năm nay, nhưng đến nay, lần đầu tiên Văn Miếu – Bảo tàng Mỹ thuật và đình Đồng Lạc mới được kết nối với nhau trong một tour hoàn toàn mới mang tên Tuyến du lịch vàng “Truyền thống hiếu học”.
Đây là tour du lịch do Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) thành lập.
Khởi đầu ở điểm Văn Miếu, khách du lịch được giới thiệu về lịch sử, nguồn gốc Văn Miếu, những vị được thờ tự ở đây, truyền thống hiếu học của người Việt, được nghe giới thiệu về bia Tiến sĩ…, rồi từ đó, kết thúc tour Văn Miếu ở cổng sau tại phố Văn Miếu để đi bộ sang Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật quý. Tuy nhiên, theo chủ đề, du khách sẽ được dẫn tới và giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật về đề tài học tập, theo tiến trình lịch sử.
Có thể kể đến một vài tác phẩm nghệ thuật độc đáo như bộ tranh “Quan văn vinh quy”, “Quan võ vinh quy” được vẽ từ thế kỷ 19, với những chất liệu có sẵn trong thiên nhiên như bột đá, màu từ lá cây…, màu vẽ trên giấy dó không quá rực rỡ nhưng rất bền. Bộ hai bức tranh này được vẽ theo thủ pháp phi điểu, tức là nhìn từ trên cao xuống, hoàn toàn mang tính chất Á Đông và những nhân vật trong tranh là tư liệu vô cùng quý cho việc khảo cứu về trang phục cổ hoặc phong tục tập quán.
Bức “Ông nghè vinh quy” năm 1943 của họa sĩ Nguyễn Khang bằng sơn mài, có điểm độc đáo thể hiện ở hình ảnh “võng nàng”, như một sự ghi nhận hậu phương vững chắc cho sự thành công của người chồng. Chất liệu sơn mài ở bức tranh này cũng khác biệt ở chỗ sử dụng những chất liệu hoàn toàn thiên nhiên, như vàng, son, đắp nổi trên bề mặt…
Giới thiệu bức tranh “Ông nghè vinh quy” của hoạ sĩ Nguyễn Khang.
Du khách còn được giới thiệu những tác phẩm ký họa từ thời kháng chiến về chủ đề học tập, trong đó tiêu biểu là bức “Cầm đuốc đi học” của họa sĩ Tô Ngọc Vân, mô tả một cụ già soi đuốc đi học, trong phong trào “Bình dân học vụ”, hay tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng, tác phẩm điêu khắc của điêu khắc gia Tạ Quang Bạo…
Rời khỏi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam , du khách sẽ được đưa đến đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), là nơi thờ tổ nghề nhuộm lụa của người Việt, mới được đưa vào khai thác du lịch hồi tháng 1 năm nay, hiện là nơi trưng bày các sản phẩm lụa và sơn mài nổi tiếng của người Việt như Lãnh Mỹ A, giấy dó, đồ thêu tay… Tại đây, du khách được gặp gỡ các nghệ nhân, và trải nghiệm một trong số các công đoạn làm đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Toàn bộ chuyến đi của du khách do Sàn giao dịch vận chuyển Gonow thực hiện, với việc chuyên chở và kết nối dịch vụ cho du khách dựa trên nền tảng công nghệ số và internet.
Tuyến du lịch vàng Hà Nội được kết nối từ các khách sạn như Thăng Long Opera Hanoi, Sofitel Legend Metropole Hanoi, Hotel De L’opera, Hilton Opera Hanoi, Khách sạn Hòa Bình, Khách sạn Melia Hanoi, Khách sạn Movenpick, Khách sạn Mercure, Khách sạn Eastin Easy GTC Hanoi…với các khu vực gồm nhiều điểm du lịch khác nhau như: Khu phố cổ Hà Nội (đình Đồng Lạc, chợ Đồng Xuân, Ô Quan Chưởng, đền Bạch Mã, phố đêm Tạ Hiện…); Khu vực hồ Hoàn Kiếm (đền Ngọc Sơn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội…); Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò, chùa Quán Sứ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Quảng trường Ba Đình, chùa Một Cột, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam…Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc
Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám chia sẻ: “Tour du lịch này xuất phát từ việc phân luồng khách tham quan tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, thay vì đưa khách trở lại cổng chính, chúng tôi hướng dẫn khách qua cổng phố Văn Miếu, thiết lập hệ thống biển chỉ dẫn để du khách tiếp cận dễ dàng hơn với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai hệ thống thuyết minh tự động bằng tám ngôn ngữ, sử dụng công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của du khách đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau”.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hà Nội Tourist cho biết: “Tour này đối với du khách quốc tế là rất tuyệt vời, bởi vì có sự kết nối giữa một điểm du lịch rất đặc sắc ở Hà Nội là Văn Miếu – Quốc Tử Giám với nơi lưu giữ rất nhiều tác phẩm nghệ thuật quý của hội họa Việt Nam, với nhiều phong cách, chất liệu khác nhau từ đầu thế kỷ đến đương đại nói về truyền thống hiếu học”.
Tour du lịch này là tín hiệu tốt cho xu hướng liên kết, một xu hướng hiệu quả trong hoạt động du lịch mà nhiều địa phương ở Việt Nam cũng đang bắt tay vào thực hiện, nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch phong phú và thu hút được nhiều đối tượng du khách hơn.