toi thay hoa vang


Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là bộ phim nghệ thuật đầu tiên của đạo diễn Victor Vũ làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước, sản xuất năm 2015. Phim được chuyển thể từ truyện dài ăn khách cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, là “hiện tượng” của điện ảnh Việt Nam năm vừa qua. Phim đoạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế như giải “Phim hay nhất” tại Liên hoan phim “Silk Road” tổ chức ở Trung Quốc, giải “Phim truyện hay nhất” của Ban giám khảo trẻ tại Liên hoan phim quốc tế thiếu nhi Toronto (Canada), nhưng lại không đoạt vị trí cao nhất ở Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam. Tìm hiểu bộ phim dưới con mắt nghề nghiệp, chúng ta sẽ lí giải được phần nào điều này.

Từ một kịch bản xúc động, giàu tính nhân văn…

Công việc chuyển thể kịch bản được nhà biên kịch Việt Linh thai nghén khá lâu (từ 2012). Ban đầu nhiều người đánh giá đây là kịch bản khó thực hiện. Khi thành phim, cũng có không ít ý kiến cho rằng không hay bằng nguyên tác. Tình cảm thuở mới lớn trong truyện được thể hiện tinh tế, trong trẻo nhưng chuyển sang ngôn ngữ điện ảnh lại chưa tới. Ở truyện, tuyến nhân vật chú Đàn, chị Vinh được làm rõ, phát triển hợp lí, có quan hệ mật thiết với các nhân vật chính, song ở phim tuyến này lại chẳng mấy ăn nhập với nội dung. Ở truyện, việc nhân vật Nhi bị tâm thần và hồi tỉnh được miêu tả thuyết phục. Tường và Nhi từng học chung. Do được bạn trai bảo vệ nhiều lần trong quá khứ, nên khi Tường “lặp lại” hành động cao đẹp ấy ở hiện tại, Nhi đã hồi phục trí nhớ. Nhưng ở phim mọi việc xảy ra đột ngột, có phần phi logic. Nhi bỗng dưng gặp Tường, rồi sau một cú ngã, Nhi tỉnh lại như không có chuyện gì xảy ra… Tuy nhiên mọi sự so sánh đều không hoàn toàn thỏa đáng vì mỗi loại hình nghệ thuật đều có tính đặc thù.

Điều đáng nói ở đây là nguyên tác cũng như kịch bản phim đều được các tác giả xây dựng không theo “chuẩn” của một câu chuyện “ăn khách” ngày nay. Cả truyện lẫn kịch bản phim đều không có những tình tiết gay cấn, nhiều éo le, uẩn khúc. Những cảnh hài “mua vui cũng được một vài trống canh”, những màn khoe thân nóng bỏng lại càng tuyệt đối không. Nhân vật cũng không phải là những “soái ca”, “mĩ nhân” thời thượng, diễn viên không phải là những ngôi sao, nhân tố hàng đầu đảm bảo cho sự thành công của bất cứ một bộ phim nào. Vậy mà Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh vẫn níu khán giả ngồi lại rạp đến những phút cuối, tạo được hiệu ứng tốt trong dư luận. Điều gì đã làm cho bộ phim này thành công đến vậy? Theo tôi, đó là tính tư tưởng của tác phẩm. Câu chuyện trong văn học cũng như trong điện ảnh đề cao tình anh em “máu chảy ruột mềm”, ngợi ca tình yêu nam nữ chân chính dám vượt mọi rào cản của xã hội để đến với nhau, tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau của người Việt… Một điểm nữa cũng làm nên thành công của phim là đã gợi cho khán giả nhớ về tuổi thơ của mình. Khán giả hiện nay hầu hết là những người ở lứa tuổi 7x, 8x. Họ có tuổi thơ giống như trong phim. Họ lạc vào câu chuyện trong phim để tìm lại chính mình của ngày hôm qua với những trò chơi con trẻ, với những rung động trong trẻo đầu đời. Nhiều khán giả ví bộ phim này, cũng như truyện của Nguyễn Nhật Ánh, giống như một chiếc vé đưa họ về tuổi thơ. Bởi vậy, truyện và phim thành công ở cả trong lẫn ngoài nước. Tuy nhiên, có lẽ vì những điều “vi phạm quy tắc” trong lí luận kịch học hay trong ngôn ngữ điện ảnh nên mặc dù gây được tiếng vang lớn trong nền điện ảnh vốn trầm lắng của nước nhà nhưng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh không được giải cao nhất ở hội nghề nghiệp của Việt Nam.

…đến những cảnh quay đi ngược quy tắc “làm nghề”


Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được đánh giá là có nhiều hình ảnh đẹp, trong trẻo, giàu chất thơ. Nhờ những cảnh đẹp trong phim, nhà quay phim Nguyễn K’Linh nhận được giải Cánh diều vàng năm 2015 cho quay phim xuất sắc nhất. Thế nhưng, vẫn có rất nhiều ý kiến bàn luận về mặt này. Đạo diễn Lê Hoàng nhận xét: “Phim quay khá đẹp, nhưng tuyệt đẹp thì chưa tới”. Một số ý kiến khác cho rằng phim có nhiều khuôn hình phong cảnh đẹp, nhưng cái đẹp ở đây lại mượt mà thái quá, phản tác dụng với câu chuyện nhiều bi kịch và những con người vất vả, thiếu thốn trong phim. Nó chẳng khác gì những thước phim quảng bá du lịch. Phân tích cụ thể về nghề, họa sĩ Vũ Huy (Hãng Phim truyện Việt Nam) phê phán: “Về mặt ánh sáng, phim có nhiều cảnh sai. Cảnh có cửa sổ thì ánh sáng lại từ hướng khác vào. Cảnh đêm trăng sáng, góc này có ánh trăng thì góc khác phải thôi hoặc chếch sáng thì lại có nhiều nguồn sáng cùng lúc. Cảnh nhà có một cái đèn dầu thì ánh sáng có từ khắp mọi nơi. Phim hoàn toàn bất chấp các quy tắc về ánh sáng trong ngôn ngữ điện ảnh, chỉ cần họ cho là đẹp. Rồi cứ vào rừng là khói được nhả không theo quy tắc nào”(1)… Các yếu tố khác như cấu trúc, ngôn ngữ điện ảnh, khâu thiết kế mĩ thuật, phục trang, bối cảnh, công tác quay phim… đều được họa sĩ này phân tích thấu đáo, có cơ sở. Đặc biệt là một số cảnh quay được xử lí kém tinh tế như cảnh diễn tả cái chết của mẹ Nhi hay cảnh Thiều phang gậy vào em. Cảnh chết của mẹ Nhi thay vì được diễn tả một cách thẩm mĩ như quay một cánh hoa rơi lại lặp đi lặp lại hình ảnh nhân vật ngã và ngước lên, quay cận cảnh nhân vật nằm chết như… phim bạo lực. Cảnh Thiều phang gậy vào em giá như thay vì quay rõ và cận cảnh, thanh gỗ gãy đôi bằng việc thể hiện một tiếng động sẽ tinh tế hơn. Sau cùng, ông đánh giá phim “phần lớn tả thực, nhưng lúc lại có chút ma mị, lúc lại mang màu sắc cổ tích và tất cả đều chưa tới”(2)… Nhiều ý kiến khác cho rằng nếu phim không “lạm dụng” cảnh đẹp thơ mộng đến vậy thì câu chuyện sẽ thật, có chiều sâu và giàu chất điện ảnh hơn.

Những điều mà mọi người phân tích liệu đạo diễn Victor Vũ có biết? Một người được đào tạo điện ảnh từ Mĩ về, từng làm nhiều bộ phim hấp dẫn theo kiểu Hollywood với doanh thu luôn xếp hàng “top” tại Việt Nam, bản thân đã giành được không ít giải thưởng của hội nghề nghiệp có lẽ nào lại không biết tới những quy tắc sơ đẳng đó? Xét về tâm lí học, con người khi hồi tưởng lại tuổi thơ của mình, dù vất vả hay đau khổ đến đâu cũng nhìn nó bằng một thứ ánh sáng huyền ảo chứ không phải ánh sáng thực. Tuy nhiên, khi có một số ấn tượng nào đó găm vào trí não người ta thì lúc hiện về lại hết sức chính xác, chi tiết, không thể phai mờ (như tai nạn, sự hối hận hay niềm vui tột cùng). Do đó, không khó để hiểu vì sao đạo diễn Victor Vũ lại cho thể hiện những cảnh quay gây tranh cãi đó. Từ trước tới nay, anh đều làm phim thị trường, phim dành cho khán giả, nên việc chiều lòng khán giả, bất chấp một số quy tắc nhất định có lẽ là chủ ý của anh. Điều này lí giải tại sao phim của anh luôn có lượng khán giả đông đảo. Và nghệ thuật là gì nếu không để phục vụ khán giả, không dành cho họ, nói tiếng nói của họ và vì họ?

Ai cũng biết, việc hình thành hệ thống quy tắc ở bất kì lĩnh vực nào đều nhằm mục đích khiến cho công việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cụ thể, việc tuân theo quy tắc một cách máy móc lại không hữu ích bằng việc phá vỡ quy tắc. Bằng chứng là không ít phim Việt của ta tuân theo quy tắc một cách khá chặt chẽ như Đường đua, Lạc giới, Đoạt hồn, Bụi đời Chợ Lớn, Hương ga… và cố gắng kể một câu chuyện hấp dẫn với nhiều tình tiết gay cấn, nhân vật có nhiều nét đặc biệt, nhiều chiêu trò “dẫn dụ” khán giả như diễn viên ngôi sao, chi tiết rùng rợn, yếu tố sex… nhưng đều chưa thực sự thành công như mong muốn. Còn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, dù vi phạm quy tắc sáng tác nhưng vẫn được công chúng chấp nhận và thành công rực rỡ. Rõ ràng, việc tuân theo quy tắc đôi khi không cần thiết, nhất là ở lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Một người nghệ sĩ khi đã có thể tạo ra những “phản quy tắc” thì chắc chắn anh ta phải hiểu rõ những quy tắc trong lĩnh vực chuyên môn của mình hơn ai hết. Và điểm khác biệt giữa một nghệ sĩ giỏi và nghệ sĩ bình thường là ở chỗ người nghệ sĩ bình thường là “nô lệ” của quy tắc còn người nghệ sĩ giỏi thì không. Họ biết cách làm chủ các quy tắc để tự do vươn tới cái đẹp. Đạo diễn Victor Vũ và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một minh chứng cho điều đó.

NGUYỄN THỊ HUỆ NINH
——
1,  2.  Tạp chí Thế giới điện ảnh số tháng 10/2015.

(Đăng lại từ VNQĐ)
Exit mobile version