Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh – bộ phim chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – là một trong những bộ phim thể loại tâm lý ăn khách nhất điện ảnh Việt Nam từ trước tới nay. Khi công bố trailer hồi tháng 5- 2015, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lập tức trở thành hiện tượng gây xôn xao dư luận xã hội.

Tác phẩm là câu chuyện tuổi thơ ấm áp ở miền quê nghèo khó của Việt Nam xa xưa bằng những khung hình mượt mà, sạch sẽ. Phim có diễn xuất ấn tượng của bộ ba diễn viên nhí Thanh Mỹ – Trọng Khang – Thịnh Vinh và những lời thoại nhấn nhá dễ thương. Tuy nhiên, đây vẫn là tác phẩm dành cho đại chúng, chứ không mang tính tác giả hay có những sáng tạo nghệ thuật đột phá.


Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Riêng Pháp có 3 tác phẩm điện ảnh tham dự liên hoan phim năm nay. Phim  Belle và Sébastien (tạm dịch: Tình bạn bất diệt) của đạo diễn Nicolas Vanier. Bối cảnh phim được thực hiện tại núi Alps cao vời, nơi tuyết trắng phủ kín vào mùa đông, những đỉnh núi chạm mây vào mùa hạ, có làng nhỏ thanh bình người Pháp sống. Một cậu bé cô đơn mất mẹ bỗng một ngày tìm được chú chó hoang bị người dân làng coi là “quái thú” bởi họ nghĩ rằng nó luôn bắt trộm cừu. Cậu bé dần làm thân với chú chó hoang có vẻ ngoài xấu xí nhưng khi được tắm rửa sạch sẽ trở nên đẹp đẽ lạ thường. Khi quân Pháp đến làng gây binh đao cũng là lúc tình bạn của cậu bé và chú chó bị thử thách. Đây là phim được chuyển thể từ loạt phim truyền hình thiếu nhi nổi tiếng của Pháp, tác phẩm màn ảnh rộng này làm say lòng khán giả bằng những khung hình nên thơ và câu chuyện tình bạn người và chó tuyệt vời.

 


Cảnh trong phim Belle và Sébastien

 

Timbuktu: Miền đất nghiệt ngã (đạo diễn Abderrahmane Sissako), xoay quanh cuộc sống của đôi vợ chồng Kidane và Satima và cô con gái. Cuộc sống của gia đình nhỏ bắt đầu bị khủng hoảng khi thành phố Timbuktu dần rơi vào tay của những chiến binh Hồi giáo cực đoan. Âm nhạc, thuốc lá, các loại hình thư giãn, giải trí đều bị cấm. Người dân địa phương ban đầu phản ứng dữ dội nhưng sau khi phải chứng kiến những bi kịch xảy ra mỗi khi phản đối, họ dần chuyển sang nín nhịn, cam chịu… Bộ phim được sản xuất năm 2014 và là một viên ngọc điện ảnh được tạo nên từ hiện thực khắc nghiệt của lục địa đen với đời sống tôn giáo hà khắc.



Cảnh trong phim Timbuktu: Miền đất nghiệt ngã


Đại diện thứ 3 đến từ Pháp là phim hoạt hình Ngày quạ đen kể về cậu bé Fils Courge  hoang dã. Fils Courge 10 tuổi sống cùng ông bố khổng lồ và bầy thú hoang trong khu rừng lớn. Bố cậu là người nghiêm khắc với bộ râu vĩ đại, săn bắn giỏi, thích ăn thịt tươi, luôn cấm cản cậu bén mảng đến bìa rừng. Một ngày, để cứu cha đang bị thương, cậu bé đã mạo hiểm ra khỏi khu rừng. Khi đến ngôi làng bên cạnh, cậu cậu gặp Manon, con gái của vị bác sĩ chấp nhận chữa trị cho cha cậu. Nhờ Manon, Fils Courge có cơ hội được học về thế giới văn minh mới lạ nhưng cả thế giới đều bảo cha cậu là yêu tinh.



Cảnh trong phim Ngày quạ đen


Cùng tham dự liên hoan này còn có các bộ phim: Những đứa trẻ ở Kinshasa (Bỉ), Thảm đỏ (Thụy Sỹ), Đàn chim di cư (Bỉ), Bản hòa ca của một nền văn hóa trường tồn (Canada), Asmaa.

Liên hoan phim Pháp ngữ 2016 do Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) phối hợp với Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) tổ chức từ ngày 17 đến 31-3-2016, tại Hà Nội, Huế và TPHCM.

 

Nguồn Văn nghệ trẻ

Exit mobile version