Biểu diễn cồng chiêng tại đêm liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Lộc Ninh (Bình Phước) lần thứ 5, năm 2015. Ảnh: NAM NGUYỄN

Ẩn chứa trong lòng đất, trong mái nhà sàn của người dân huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) là những nhạc cụ đàn đá, cồng chiêng… truyền từ đời này sang đời khác. Và phía sau tiếng đàn đá, cồng chiêng âm vang đại ngàn ấy, là tình người, là cả đời sống văn hóa trường tồn của cộng đồng người bản địa.

Từ thời kỳ đồ đá, người bản địa Lộc Ninh để lại những bộ thạch cầm, qua thời kim khí họ có những bộ cồng chiêng vang rừng dài, vọng suối sâu. Thuở ấy, âm nhạc giúp người dân các phum sóc với dăm ba nóc nhà, sống du canh, du cư vẫn nhận ra cộng đồng mình giữa đại ngàn.

Sau cơn mưa đêm, ấp 54, xã Lộc An (Lộc Ninh) bớt bụi vì đang mùa khô. Anh Điểu Khim, Phó Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi vào thăm nhà cụ Điểu Thị Doan và xem bộ cồng chiêng. Nếu không có Khim mà thay bằng một cán bộ khác, thì chúng tôi chỉ ngồi đó, trên sàn nhà, chứ không được nhìn thấy bộ cồng chiêng. Để có sự đồng thuận này, Khim đã nhờ anh con trai cụ “tiếp tay”, bởi cụ rất “khó tính” trong việc cho khách chiêm ngưỡng món gia bảo nhiều đời. Bộ cồng chiêng vốn có bảy chiếc, nhưng nhiều lần gia đình cho mượn trong các dịp lễ tế của làng xã, nên bị thất thoát chỉ còn năm. Chúng tôi được xem, không được đánh, điều này anh Khim đã căn dặn, khi đánh, phải có cái lễ, chứ không thể tự dưng, tùy hứng.

Cán bộ Điểu Khim còn khá trẻ. Khim lấy vợ người Thái gốc Nghệ An – trong tâm hồn vị chủ tịch xã này giao thoa nhiều nét văn hóa cộng đồng. Khim hiểu về các dân tộc bản địa, các dân tộc di cư vào vùng đất này sinh sống. Chuẩn bị cho buổi dẫn đoàn xuống thôn, Khim trù trừ mãi, vì những người mà Khim muốn cho chúng tôi gặp đều đang bận làm trên nương rẫy, dưới ruộng, trong vườn điều, hồ tiêu. Gần trưa chúng tôi mới qua được nhà cụ Doan. Cụ phản ứng với Khim vì nhẽ, ngày thường lại đưa khách đến, còn đòi mang bộ cồng chiêng ra xem. Nhưng dù cụ Doan nói gì, Khim vẫn cười và thuyết phục vì anh hiểu những hành động của cụ, đó là những suy nghĩ đáng trân quý, để bảo vệ nhạc cụ ngàn xưa của ông cha, nó đã thành lễ thức văn hóa, tín ngưỡng trong đời sống đồng bào dân tộc.

Rời ấp 54, chúng tôi còn nuối tiếc, vì nếu hẹn trước một đêm, sẽ còn kịp đến vài nhà xem những bộ cồng chiêng nguyên vẹn, được uống rượu cần ngâm men vỏ cây hơmuônl có vị đăng đắng của người Xtiêng. Và biết đâu có thể làm một lễ cúng thần nho nhỏ, tiếng cồng chiêng sẽ tấu lên, vang vọng đại ngàn sâu thẳm, để lòng mình hòa với núi rừng.

Xã biên giới Lộc An rộng, sâu hun hút, nằm trong vùng biên giới dài 200 cây số của huyện Lộc Ninh. Ban ngày, vắng người vì trẻ con đi học, người lớn đi làm. Họ rời nhà lúc trời mờ sương, mặt trời lặn mới trở về. Chúng tôi đến ấp 3 xa xôi, lắng lòng với những điều cần nhớ, cần ngẫm. Đó là ấp của người Thái, họ từ huyện Tương Dương (Nghệ An) vào đây hơn hai mươi năm trước. Từ miền gió nóng vào vùng đất cao-su sinh cơ lập nghiệp, xa quê đã lâu mà bà con vẫn giữ thói quen dùng ghế mây vắn chặt trên thanh tre vàng, vẫn cạp váy Thái hoa văn tung tẩy ngày xuân. Tết hay hội của người Xtiêng, Châu Ro, Mạ, Tà Mun, M’Nông, Thái, Tày, Nùng tuy đã khác xưa nhưng vẫn đậm truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Giờ đây, các cộng đồng có nơi vui chơi, sinh hoạt chung, đó là nhà văn hóa thôn, xã. Và về mỗi ấp thôn, người dân lại có niềm vui riêng, với những đặc thù văn hóa độc đáo. Đó là bản sắc, là vốn quý, nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa dân tộc ở Lộc Ninh. Phum, sóc ngày xưa – ấp, thôn hôm nay, nghiêng bên những triền đồi, chìm trong mầu lá biếc, vẫn là khoảng riêng, nét riêng của tập tục cộng đồng nơi đây.

Lịch sử Lộc Ninh trải dài trên những hiện vật sống động từ thời tiền sử, thời Pháp thuộc, thời kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thời kỳ đổi mới; thể hiện trong bề sâu, bề nổi và trong đời sống cộng đồng. Năm 1989, tại vườn hồ tiêu của gia đình ông Lê Quang Bân (xã Lộc Khánh) phát hiện bộ đàn đá đầu tiên. Năm 1996, PGS, TS Phạm Đức Mạnh cùng Bảo tàng tỉnh Bình Phước đã khảo sát lớp đất huyện Lộc Ninh, tìm thấy một bộ đàn đá ở xã Lộc Hòa với đầy đủ 12 thanh, được chế tác từ đá đen, kích thước dày mỏng, ngắn dài khác nhau, khi gõ tạo nên nhiều sắc thái âm thanh. Sau đợt khảo sát có tính thăm dò này, những năm sau, đoàn tiếp tục về Lộc Ninh tìm kiếm, phát hiện hàng nghìn di vật đá, gốm cổ trong lòng đất.

Đàn đá còn gọi thạch cầm – nhạc khí tự thân vang. Từ năm 1979, thạch cầm được giới khoa học Việt Nam quan tâm nghiên cứu, cho đến năm 1990, đã phát hiện khoảng 200 thanh thạch cầm ở các địa bàn Tây Nguyên, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai… Đàn đá I và II được phát hiện tại xã Lộc Hòa còn khá nguyên vẹn, lưu trữ trong Bảo tàng Bình Phước, sau này nhiều chuyên gia âm nhạc, chuyên gia khảo cổ học căn cứ trên bộ đàn đá đó, bổ sung những nghiên cứu sâu rộng hơn. Qua phân tích chất liệu đá, cách gò mài nhạc cụ khá tương đồng, cho thấy những bộ đàn đá có cùng chất liệu, cội nguồn văn hóa. Năm 2007, Khoa Lịch sử (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) xuất bản cuốn sách Đàn đá tiền sử Lộc Ninh. Đánh giá nghiên cứu này, GS, TS Sử học Ngô Văn Lệ cho hay: “Chuyên khảo về đàn đá Lộc Ninh góp phần minh định chất liệu hiện thực của thể loại nhạc cụ bằng đá trong đời sống của cư dân bản địa trong thời tiền sử, sơ sử”.

Giữa vùng đất đỏ, giữa mùa cây cao-su thay lá, trên chuyến xe với cán bộ Ban Tuyên giáo huyện, chúng tôi được nghe, được hiểu thêm về văn hóa, con người Lộc Ninh, ngoài âm nhạc, người Xtiêng còn có nền văn học rất riêng, nằm trong những bài trường ca, những lời hát kể. Mà như một câu hát, trong bài Thương nhau: “Núi rừng đã biết những điều thầm kín/…mà giấu tất cả mọi người”.

Trên địa bàn huyện Lộc Ninh, nhiều chứng tích còn nằm lại, như bệnh viện đồn điền thời Pháp thuộc, khu lưu trú của công nhân đồn điền. Thực ra, khi không còn lý do tồn tại, với các địa phương khác, có thể những chứng tích này sẽ được phá dỡ, thay thế bằng các công trình mới. Nhưng ở đây, vẫn tồn tại như minh chứng cho những giai đoạn lịch sử của đất nước. Huyện Lộc Ninh, vùng căn cứ cách mạng, chiến khu Tà Thiết, điểm cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh, nơi có ba dòng sông chảy qua: sông Măng, sông Bé, sông Sài Gòn cùng hàng chục dòng suối. Ở đó, có 14 cộng đồng dân tộc sinh sống, là vùng đất giải phóng sớm nhất (7-4-1972) ở miền nam. Qua năm tháng, qua những thời điểm khó khăn, nhiều cán bộ, chiến sĩ từng đến Lộc Ninh nằm vùng hoạt động. Tình người đồng bào ấm áp đã níu chân họ ở lại mãi mảnh đất này, sinh sống lập nghiệp qua nhiều thế hệ. Như lời bộc bạch của nguyên Chủ tịch huyện Năm Hồng (Phạm Văn Hồng) và nguyên Bí thư Huyện ủy Hai Sơn (Trịnh Lương Sơn), đó là tình người, lòng người của người Lộc Ninh mộc mạc, ấm áp, ân tình, kể bao nhiêu cũng không hết. Ngày nay, ở Lộc Ninh có nhiều cộng đồng dân tộc chung sống đan xen, nhưng mang những nét văn hóa rất riêng, độc đáo, và sâu thẳm trong lòng họ, vẫn lưu giữ những giá trị văn hóa của cộng đồng mình.

HOÀNG LIÊM, LÊ THẨM và NGUYỄN NINH

Exit mobile version